C
ơ hội “vàng” để tái cấu trúc lại toàn bộ không gian kinh tế - xã hội
- Ninh Bình tổ chức kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh ngay sau Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố. Vậy ông có thông điệp nào gửi đến đại biểu dân cử và cử tri?
- Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị đã tin tưởng giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh.
Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh có ý nghĩa rất đặc biệt, diễn ra ngay sau khi Trung ương công bố các nghị quyết, quyết định về thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành lập Đảng bộ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thể hiện tinh thần khẩn trương, trách nhiệm trong việc kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương. Tôi đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vào cuộc của các cấp ủy, sự đồng thuận của các đại biểu dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh,cấp xã diễn ra ngày 30/6/2025
Nhân dịp này, tôi xin gửi tới các vị đại biểu HĐND tỉnh và toàn thể cử tri và Nhân dân tỉnh Ninh Bình thông điệp: “Hãy cùng nhau vượt qua mọi ranh giới hành chính cũ, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới tư duy, thống nhất ý chí và hành động, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, cùng xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, văn minh và giàu bản sắc”.
Tôi mong muốn HĐND tỉnh sẽ thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, là nơi tập trung trí tuệ, phản ánh trung thực ý chí và nguyện vọng của cử tri, đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ trong việc quyết định các vấn đề lớn, giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Ninh Bình diễn ra ngày 1/7/2025
- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chúng ta đang đứng trước một vận hội lớn, việc sáp nhập sẽ mở ra không gian phát triển mới rộng lớn hơn. Vậy ông có thể chia sẻ về những “vận hội lớn” mà tỉnh Ninh Bình có thể tận dụng trong giai đoạn mới?
- Tôi cảm nhận sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và ý thức rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thời khắc mang tính lịch sử này. Vận hội lớn ở đây trước hết là không gian phát triển kinh tế mới. Lịch sử chứng minh ba tỉnh đều có nền tảng văn hóa lâu đời, con người hiền hòa, cần cù, hiếu học và có truyền thống cách mạng. Nay hợp nhất, sẽ là cơ hội “vàng” để tái cấu trúc lại toàn bộ không gian kinh tế - xã hội, khai thác thế mạnh liên kết vùng, từ đó hình thành các trục tăng trưởng liên thông, bền vững. Đây là thời cơ để thực hiện những điều mà khi còn chia tách, từng địa phương khó có thể làm được cả về quy mô, nguồn lực lẫn tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh đó, là sự đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, điều hành và các chính sách thu hút đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao Quyết địnhcủa Bộ Chính trị về thành lập Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao Quyết địnhcủa Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bìnhnhiệm kỳ 2020-2025
Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, chuyên nghiệp, trách nhiệm, đủ năng lực, bản lĩnh, dám hành động vì lợi ích chung. Ngoài ra, đổi mới trong phát triển các ngành kinh tế, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa và du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, Ninh Bình cũng phải đối mặt với không ít thách thức, như vấn đề hòa nhập về văn hóa, xã hội và tổ chức bộ máy. Song, tôi tin rằng với sự quyết tâm, đoàn kết, Ninh Bình sẽ vượt qua và biến những thách thức này thành cơ hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao Nghị quyếtcủa Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình; chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
T
rở thành cực tăng trưởng
của vùng
đồng bằng sông Hồng
- Là người đứng đầu Tỉnh ủy, ông có định hướng, kế hoạch cụ thể nào cho 6 tháng cuối năm và tầm nhìn chiến lược dài hạn tập trung triển khai trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào ba nhóm ưu tiên chính đó là: Hoàn thiện bộ máy và ổn định tổ chức chính trị - hành chính sau sáp nhập, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, bảo đảm hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu quả. Quyết tâm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên hai con số, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian phát triển mới, rà soát và tích hợp quy hoạch vùng, xác định các cực tăng trưởng chiến lược, đặc biệt là các hành lang kinh tế ven sông Hồng, các khu công nghiệp; đô thị lớn dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao Quyết địnhcủa Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Trương Quốc Huy trao Quyết định thành lập các Đảng bộ xã, phường của tỉnh Ninh Bình
Cùng với đó, tập trung thu hút, phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, gắn với chuỗi giá trị chế biến sâu để tạo ra các giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch, với trọng tâm là du lịch di sản, sinh thái, tâm linh. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đầu tư vào con người là yếu tố quyết định để phát triển bền vững.
Về lâu dài, xây dựng Ninh Bình không chỉ trở thành “địa phương hợp nhất”, mà phải trở thành “Trung tâm vùng”, mạnh về công nghiệp, dịch vụ, đột phá trong du lịch sinh thái, văn hóa, hiện đại trong giáo dục và y tế, vững chắc về nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Ninh Bình cũng sẽ đề xuất Trung ương đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đến thăm, động viên và trao quà Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Hoa Lư
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Trương Quốc Huy tặng hoa chúc mừng Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Trương Quốc Huy tặng hoa chúc mừng Thường trực HĐND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Ninh Bình
- Ông muốn gửi gắm điều gì đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh?
- Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam vì sự ủng hộ, đồng lòng trong quá trình sáp nhập. Chặng đường phía trước của tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Tỉnh Ninh Bình (mới) có 129 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 97 xã và 32 phường. Có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.942,61 km2, quy mô dân số hơn 4,4 triệu người, lớn thứ 6 cả nước. Tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế toàn vùng ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% khu vực Đồng bằng Sông Hồng và 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Vì vậy, tôi đề nghị cán bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đoàn kết chung sức, đồng lòng và quyết tâm hành động để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mới của tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng; thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo của cả nước và quốc tế; đóng góp xứng đáng vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Ninh Bình ngày 1/7/2025
Trọng Hiếu