Báo cáo “thiếu sót”
Ngày 11/2, theo tìm hiểu của PV, Đắk Lắk - 1 trong 30 địa phương bị Thủ tướng Chính phủ phê bình về việc chậm nộp báo cáo rà soát các dự án, đã có những giải trình liên quan. Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) tham mưu báo cáo. Ông Võ Ngọc Tuyên - Giám đốc Sở KH&ĐT, giải thích rằng đơn vị đã gửi báo cáo nhưng có thiếu sót, và đã giải trình để cập nhật.
Dự án tuyến đường tránh TP Bảo Lộc sụt lún do thiếu vốn
Theo ông Tuyên, một số dự án (DA) đang gặp vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ do khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB), công tác thẩm định, và gia hạn vốn. Các vướng mắc chủ yếu đến từ cơ chế và thể chế, còn lại cơ bản thuận lợi.
Đơn cử, các dự án ODA gặp vướng mắc về cơ chế vận hành vì phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc của nhà tài trợ. Luật Đầu tư công có một số bất cập, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị, trong đó có vấn đề về thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện DA đầu tư.
Trước đây, HĐND tỉnh chịu trách nhiệm gia hạn DA thuộc tỉnh, huyện, xã. Mới đây, Quốc hội đã điều chỉnh, bổ sung, và thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi. Theo đó, thẩm quyền gia hạn thuộc cấp nào thì HĐND cấp đó có quyền quyết định và chịu trách nhiệm.
Dự án đường giao thông tiếp nối với Tỉnh lộ 674
Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh này vừa gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ về việc rà soát, báo cáo thực hiện Công điện của Thủ tướng. Theo đó, Lâm Đồng hiện có 3 DA đầu tư công tồn đọng, dừng thi công, gồm: DA đầu tư xây dựng đường tránh TP Bảo Lộc phục vụ khai thác vận chuyển bôxit nhôm từ mỏ Tân Rai (huyện Bảo Lâm) ra Quốc lộ 20; DA xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét tại huyện Đức Trọng; DA xây dựng hồ nước Đông Thanh tại huyện Lâm Hà.
DA đầu tư xây dựng đường tránh TP Bảo Lộc có tổng mức đầu tư 1.248 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương (tỉnh hơn 249 tỷ đồng; Trung ương hơn 998 tỷ đồng).
Năm 2015, DA được bố trí vốn 55 tỷ đồng từ Trung ương, đã giải ngân hết vào việc chuẩn bị đầu tư và GPMB. Năm 2016, DA hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công, nhưng kể từ đó không được Trung ương tiếp tục bố trí vốn nên chưa khởi công và dừng cho đến nay.
Theo tìm hiểu, do DA chưa có tên trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngân sách Trung ương nên chưa có cơ sở tiếp tục bố trí vốn để thực hiện. Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương dừng thực hiện DA, giao chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ, trình thẩm định phê duyệt quyết toán đối với các công việc đã thực hiện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các đơn vị liên quan rà soát tất cả các DA đã triển khai và tháo gỡ những vướng mắc cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để thu hút thêm các nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch.
Gia Lai có 10 dự án lớn cần tháo gỡ
Dự án điện gió ở huyện Chư Prông (Gia Lai)
Trong khi đó, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã có công văn về việc báo cáo rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các DA trên địa bàn gửi Bộ KH&ĐT.
Qua rà soát, Gia Lai hiện có 10 DA đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai cần tháo gỡ. Trong đó, có 5 DA điện gió, gồm: Nhà máy điện Chơ Long, Nhà máy điện gió Yang Trung, Nhà máy điện gió Ia Pếch, Nhà máy điện gió Phát triển miền núi, Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên đã hoàn thành công trình xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành thương mại.
Theo tìm hiểu của PV, các DA này nằm trong Thông báo kết luận số 263 ngày 19/7/2024 của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai có 5 DA điện mặt trời với tổng công suất 663MWp đã có chủ trương đầu tư, nhưng chưa được bổ sung, cập nhật vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, do vậy chủ đầu tư chưa có cơ sở thực hiện.
Đối với các DA điện gió đang vướng mắc, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm kiểm tra công tác nghiệm thu và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Đối với các DA điện mặt trời, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt bố sung 5 DA trên vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Gia Lai chậm gửi báo cáo do có nhiều DA lớn, liên quan tới kết luận của Thanh tra Chính phủ nên cần thời gian để rà soát lại thật kỹ, phải chắc chắn mới gửi Chính phủ”, một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai trả lời Tiền Phong.
“Tính đến nay, DA đã dừng hoạt động hơn 3 năm để xử lý các vướng mắc, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Thời gian dài máy móc không hoạt động gây gỉ sét, hao mòn. Đặc biệt là khoản vay phải đóng lãi. Doanh nghiệp thiệt thì Nhà nước thiệt. Bởi vậy, doanh nghiệp rất mong muốn được cơ quan cấp tỉnh, Trung ương tạo điều kiện để DA sớm tháo gỡ, đi vào hoạt động”, đại diện chủ đầu tư DA Nhà máy điện gió Phát triển miền núi nói.
Ngoài ra, chủ đầu tư của DA trên khẳng định công tác đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tất cả nguồn vốn đầu tư của DA trên đều sử dụng nguồn vốn góp chủ sở hữu 30% và vốn vay của công ty mẹ 70%, không vay ngân hàng trong nước. Hiện DA không còn khiếu nại, khiếu kiện nào của người dân, được UBND các xã thuộc khu vực xác nhận.
Tại Kon Tum, DA đường giao thông tiếp nối tỉnh lộ 674 đến đường tuần tra biên giới xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) với chiều dài 21km được khởi công từ 19/3/2021-27/5/2023 hoàn thành (được gia hạn hợp đồng đến 31/12/2023). Dự án này có tổng mức đầu tư trên 249 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương trên 236 tỷ đồng và ngân sách huyện. Tuy nhiên, dù DA đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thể thanh quyết toán vì chưa bố trí đủ vốn hàng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Mặc dù đã được Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn sang năm 2024 và đảm bảo không còn vướng mắc, tuy nhiên đến 28/12/2024, DA mới được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điều này đã quá thời gian thực hiện điều chỉnh kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách Trung ương sang năm 2025 cho DA .
NHÓM PV TÂY NGUYÊN