Ung thư đại tràng là gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội có sự tư vấn của TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, cho biết, việc biết được người bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu sẽ giúp ích nhiều cho bệnh nhân, người thân của họ trong việc chủ động lập kế hoạch cho tương lai như điều trị bệnh, tài chính.
Đại tràng (hay còn gọi là ruột già, ruột kết) là ống dài hình chữ U lộn ngược về phía cuối đường tiêu hóa để loại bỏ chất thải trong cơ thể. Ung thư ruột kết có thể bắt đầu từ niêm mạc của ruột hoặc ở trực tràng.
Mặc dù ung thư đại tràng không được nhắc đến nhiều như các bệnh ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú nhưng đây thực sự là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả hai giới. Ước tính năm 2020 có khoảng 576.858 người bị ung thư đại tràng tử vong trên thế giới.
Ung thư đại tràng đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao.
Nguyên nhân gây ung thư đại tràng
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Đỗ Huy Hùng - khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện K cho biết, ung thư đại tràng là ung thư xuất phát từ phần chính của ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng. Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân và cơ chế gây ung thư đại tràng, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng như:
- Yếu tố di truyền, yếu tố gene. Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng.
- Người mắc các bệnh lý polyp đại tràng, u tuyến đại tràng, viêm đại tràng mãn tính, bệnh Crohn đại tràng… hoàn toàn là các yếu tố có thể phát triển lên thành ung thư.
- Ung thư đại tràng thường gặp ở người ngoài 50 tuổi.
- Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học như đồ nhiều dầu mỡ, ít ăn rau xanh, hút thuốc lá, béo phì.
Ung thư đại tràng sống được bao lâu?
Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội có sự tư vấn của TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư đại tràng ước tính trung bình khoảng 64%.
Nhiều thông số tiên lượng ảnh hưởng đến khả năng sống sót trong ung thư đại tràng. TS.BS Vũ Hữu Khiêm cho biết, theo nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Đài Loan (Trung Quốc) năm 2018 của Trung tâm Công nghệ sinh học Hoa Kỳ (NCBI), dấu hiệu xâm lấn thần kinh đáy chậu, di căn xa, tuổi tác, mức độ biệt hóa bệnh lý, tắc nghẽn và di căn hạch vùng là những yếu tố tiên lượng độc lập về thời gian sống và tiên lượng của bệnh nhân ung thư đại tràng.
Tình trạng xâm lấn dây thần kinh tầng sinh môn và di căn xa dường như là những yếu tố tiên lượng quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của người bệnh.
Do đó, việc phát hiện ung thư đại tràng sớm sẽ giúp cải thiện đáng kể về hiệu quả điều trị cũng như khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư đại tràng.
Hạ An (Tổng hợp)