BID-mô hình phát triển kinh tế trong tương lai của địa phương

BID-mô hình phát triển kinh tế trong tương lai của địa phương
7 giờ trướcBài gốc
BID-mô hình phát triển kinh tế trong tương lai của quận Hoàng Mai. Ảnh TA
TOD và BID (Khu phát triển thương mại và văn hóa) những khái niệm mới, mô hình chiến lược phát triển đô thị Hà Nội nói chung, quận Hoàng Mai nói riêng.
Thời cơ và điều kiện áp dụng
Theo Luật Thủ đô 2024 “Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch” và trong tương lai “Thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu”.
Dự án Khu đô thị Văn hóa - Thương mại - Du lịch Làng Sen Việt Nam (Dự án đạt giải thưởng VUPA 2020). Ảnh TA
Hiện tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu của quận Hoàng Mai khoảng 61.753 tỷ đồng. Mặc dù tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đã chiếm 57,93% nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội để phát triển lĩnh vực này còn nhiều.
“Sau hơn 2 thập kỷ, chủ yếu đón các nhà đầu tư BĐS, xây dựng các khu đô thị vừa và nhỏ, đã đến lúc quận Hoàng Mai kêu gọi các nhà đầu tư lớn các lĩnh vực khác đến cửa ngõ phía Nam Thành phố làm ăn. Hiện tổng diện tích tự nhiên quận Hoàng Mai là 4.019ha. Trong đó: Đất nông nghiệp: 803,81 ha; chiếm 20,0 % /; Đất phi nông nghiệp: 3.215,40 ha; chiếm 80,0 % tổng diện tích tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với quỹ đất phát triển kinh tế nói chung, phát triển theo mô hình BID của địa phương này còn lớn, vấn đề quan trọng lúc này là phải bám vào các khung pháp lý để xây dựng quy hoạch” - TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) khẳng định.
Gamuda City quy mô 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội có thể phát triển BID. Ảnh Gamuda City
Hiện chính quyền quận Hoàng Mai đang tiến hành lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 diện tích đất ngoài đê sông Hồng trên địa bàn các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở. Đây là thời điểm địa phương hoàn toàn có thể quy hoạch BID đủ tầm, thu hút các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế bởi diện tích ngoài bãi sông Hồng gần 1000ha.
“Theo quy hoạch, đoạn từ Cầu Thanh Trì đến Cầu Mễ Sở (đoạn R5) là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử. Gần 1000ha này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng, rất phù hợp để quận Hoàng Mai phát triển BID” Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng khẳng định.
Kinh nghiệm đi trước
Theo trình bày của Luật sư Nguyễn Hưng Quang tại Hội thảo về “Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa (BID) nhằm giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức ngày 22/1/2024, thì mô hình BID đã phát triển hơn 50 năm trên thế giới. Hoa Kỳ có hơn 1000 khu, Canada có hơn 80 khu, Vương Quốc Anh có hơn 300 khu. Như vậy có thế khẳng định, BID là mô hình không mới với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới với các quy mô, cách vận hành khác nhau để phù hợp với thực tế.
Thủ đô Singapore hiện nay phát triển 9 khu BID theo chương trình thử nghiệm từ năm 2017, trong khi đó khu BID đầu tiên của Thủ đô London được thành lập vào năm 2005 và đến nay đã có 75 khu BID được thành lập và hoạt động, trong đó có đến 65 khu nằm trong trung tâm thành phố.
Với hành lang pháp lý cho phép, Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng hoàn toàn có thể xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô theo đúng tinh thần Luật Thủ đô.
Với quận Hoàng Mai, nhiều nghề truyền thống đang bị mai một như nghề kim hoàn Định Công, làng nghề bánh cuốn (phường Thanh Trì), rượu Hoàng Mai, làng bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân (phường Hoàng Liệt) và hơn 100 di tích, trong đó có 37 di tích văn hóa Quốc gia là điều kiện quan trong để phát triển BID.
Quận Hoàng Mai có rất nhiều khu đô thị, cụm dân cư đông, điều kiện thích hợp để phát triển BID. Hiện nay, các phường Hoàng Liệt trên 94.000 dân, phường Đại Kim trên 55.000 dân, phường Mai Động trên 50.000 dân đều là những địa phương được coi là đủ điều kiện để phát triển kinh tế đêm.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai xác định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, phấn đấu tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội. BID sẽ là một mô hình phát triển kinh tế đô thị mà các nhà hoạch định chiến lược, các nhà quản lý của địa phương cần đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.
An Thanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bid-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-trong-tuong-lai-cua-dia-phuong.html