Ngược núi về bản
Suốt thời gian qua, những cơn mưa rả rích ngày đêm khiến con đường ngược núi về bản của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng trở nên trơn trượt, vất vả hơn. Đây là một trong số những đồn hiện còn duy trì nhiều trạm, chốt nhất của lực lượng biên phòng toàn tỉnh (5 trạm, chốt).
Qua khoảng thời gian ngắn ngủi trò chuyện cùng Trung tá Nguyễn Văn Trường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sen Thượng, chúng tôi được biết, hiện đơn vị đang quản lý 24km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Nhưng tính tổng diện tích địa bàn dân cư thì bán kính phải di chuyển lên tới gần 50km, là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông rất hiểm trở. Thực tế thực hiện nhiệm vụ của anh em đơn vị cũng vì thế mà gặp không ít khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa mưa.
Đồn Biên phòng Sen Thượng nằm cheo leo, biệt lập trên một quả đồi.
Để chúng tôi có góc nhìn khách quan và chân thực hơn, Trung tá Trường đề nghị đoàn tới thăm và trải nghiệm 1 ngày thường trực của cán bộ, chiến sĩ tại các trạm, chốt. “Đến được Đồn đã là vất vả rồi, nhưng muốn “thấm” được cái khó ấy thì phải đi trạm các đồng chí ạ!” - anh Trường nói.
Nhận lệnh chỉ huy, Đại úy Phan Văn Long, Chính trị viên phó chuẩn bị tư trang, dẫn chúng tôi lên đường về Tả Ló San - bản giáp biên nằm cách xa trung tâm xã hơn 20km. Để đảm bảo chuyến đi an toàn, Đại úy Long bố trí thêm cán bộ, xe gắn máy chở các thành viên trong đoàn. Anh bảo “Đường về bản khó khăn lắm, nếu không quen không thể đi được đâu, phóng viên để anh em chở cho yên tâm!”.
Do mấy ngày liên tiếp mưa, tuyến đường trở nên trơn trượt. Mặc dù một vài đoạn đã được bê tông hóa, song phần đa còn lại vẫn là đường đất và cấp phối. Cộng thêm với sương mù đặc quánh, nên dù có bật đèn xe thì tầm quan sát cũng bị hạn chế. Suốt dọc đường đi, anh Long bấm còi xe liên tục. Đây là cách báo hiệu quen thuộc để các xe đi ngược chiều biết mà giảm tốc độ và chủ động tránh nhau.
Chừng nửa chặng đường, đoàn dừng chân. Anh Long giới thiệu với chúng tôi về mốc biên số 12, tiếp giáp với Trung Quốc. Theo anh chia sẻ thì đây là mốc được mệnh danh đẹp nhất, nhì tuyến biên giới và đồn cũng thường hay tổ chức đưa các đoàn khách du lịch tới ghé thăm. Trung bình mỗi tháng, cán bộ Đồn bố trí vài 3 lần lên mốc kết hợp kiểm tra, nắm tình hình và dọn dẹp, vệ sinh.
Thiếu tá Trần Quang Đăng xuống bản nắm bắt tình hình kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống mưa bão.
Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi đặt chân đến Tả Ló San. Trạm biên phòng đặt ở vị trí gần như cao nhất bản, có thể nhìn xuống, quan sát toàn cảnh khu dân cư. Qua trao đổi nhanh được biết, cán bộ trạm hiện đang rà soát, nắm tình hình mưa gió và tuyên truyền, hỗ trợ dân bản chủ động phòng, chống thiên tai.
Là cán bộ kỳ cựu của trạm, Thiếu tá Trần Quang Đăng đồng thời cũng có thời gian gắn bó lâu nhất với bà con Hà Nhì ở Tả Ló San. Bởi thế, việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con. Từ theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để bố trí, tranh thủ canh tác, sản xuất hợp lý; đến đưa gia súc từ nương và trong rừng về nhà, gia cố lại hệ thống chuồng trại đảm bảo… Các phụ huynh cũng được dặn dò kỹ lưỡng về việc quản lý con em mình, không để trẻ đi chơi tự do hoặc ra ngoài khi trời mưa bão.
Bày tỏ sự tâm đắc trước những chia sẻ của cán bộ biên phòng, anh Pờ Xuân Mười, Trưởng bản Tả Ló San tậm sự: “Bộ đội biên phòng ở đây lâu cùng bà con nên hiểu. Cái gì cần cho dân thì cán bộ làm, cán bộ giúp đỡ. Các anh dạy bà con cách theo dõi thời tiết, để chủ động trong lao động, sản xuất và phòng tránh thiên tai. Không chỉ là kiến thức, cán bộ biên phòng còn trực tiếp giúp đỡ các gia đình gia cố nhà cửa, chuồng trại; đồng hành bảo vệ của người và tài sản cho Nhân dân”.
Từ Trạm Biên phòng Tả Ló San nhìn xuống bản trong một ngày mưa ảm đạm.
Ngoài “lo cho dân”, anh em trong trạm cũng chủ động đảm bảo an toàn nơi ăn, chốn nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ. Bởi lẽ, hiện nay toàn bộ khu nhà trạm đều là nhà gỗ, đã được xây dựng từ lâu, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Trước thời điểm đoàn lên thì anh em đã chủ động gia cố các vị trí có nguy cơ rồi. Đơn cử như phần mái, che chắn lại tường nhà để tránh gió, mưa lùa vào… May mắn là ở đây bà con giữ rừng rất tốt nên hạn chế rất nhiều sự cố thiên tai. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, mùa mưa anh em đơn vị lúc nào cũng trong trạng thái thường trực” - Thiếu tá Long chia sẻ.
Đi trước 1 bước
Để chủ động ứng phó với bão lũ năm 2025, Ban Chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch về “Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn” với phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo, Đồn Biên phòng Sen Thượng chủ động kiểm tra, rà soát bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch, sớm phát hiện dấu hiệu, nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai tại địa bàn phụ trách để tổ chức ứng cứu.
Công tác huấn luyện nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ của chỉ huy cũng như của cán bộ, chiến sĩ được duy trì thường xuyên, với việc phối hợp cùng địa phương chủ động diễn tập ứng phó sự cố, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng.
Đặc biệt, với phương châm “đi trước 1 bước”, ngay từ đầu mùa mưa, đơn vị đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương chủ động rà soát, nắm bắt các khu vực, địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời vận động, hỗ trợ nhân dân di chuyển đến nơi an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng cùng lực lượng dân quân phát quang, dọn dẹp, đảm bảo an toàn lưu thông cho các tuyến đường dân sinh.
Trung tá Nguyễn Văn Trường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sen Thượng khẳng định: “Là lực lượng sát dân, gần dân nhất, chúng tôi luôn xác định rõ vai trò nòng cốt trong phòng chống thiên tai tại địa bàn biên giới. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ huy đơn vị luôn quán triệt anh em cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tinh thần “đi trước một bước” để bảo vệ an toàn cho nhân dân”.
Tuyến đường biên giới dọc từ cột mốc số 9 - 16, những ngày mưa trơn như đổ mỡ. Nhiều hôm, xe gắn máy không thể vào đến chốt nên anh em chọn cách đi bộ mỗi lần nhận nhiệm vụ. Với tinh thần “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”, họ vẫn ngày đêm bám địa bàn, ứng trực 100% quân số để bảo vệ từng nóc nhà, từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc.
Chia tay các chốt, trạm biên phòng trên tuyến biên giới cực Tây dưới ánh nắng chiều muộn, tôi lại nhớ như in hình ảnh nụ cười rạng rỡ của người lính biên phòng giữa làn mưa xối xả. Một hình ảnh thay cho vạn lời nói, rằng mưa có thể khiến nhiệm vụ của các anh thêm phần vất vả, nhưng không thể xóa nhòa quyết tâm bảo vệ vẹn toàn sự bình yên cho đồng bào và từng tấc đất biên cương.
Hà Linh