Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tại châu Âu tăng thêm 4 độ C

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tại châu Âu tăng thêm 4 độ C
6 giờ trướcBài gốc
Người dân tránh nóng bên đài phun nước tại Vienna, Áo, ngày 3/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu châu Âu Copernicus thực hiện, phân tích dữ liệu nhiệt độ từ 12 thành phố trong khoảng thời gian từ ngày 23/6 - 2/7 khi đợt nóng đầu Hè đã khiến nhiệt độ một số nơi tăng lên quá 40 độ C, kích hoạt những cảnh báo về sức khỏe. Kết quả cho thấy, nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại các thành phố này sẽ mát hơn từ 2 - 4 độ C, từ đó giảm thiểu rủi ro tử vong liên quan đến nắng nóng.
Châu Âu vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, đặc biệt tại các nước Tây Âu, khiến nhiều nơi phải đóng cửa trường học và các điểm du lịch. Trong khi đó, ở miền Nam châu Âu có hiện tượng "đêm nhiệt đới", khi nhiệt độ ban đêm không giảm xuống đủ mát để cơ thể có thể phục hồi.
Nghiên cứu cũng ước tính có khoảng 2.300 ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở 12 thành phố trên trong 10 ngày, trong đó có hơn 1.500 ca có thể đã tránh khỏi nếu không có tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học nhấn mạnh nhiệt độ chỉ cần tăng thêm vài độ C cũng đã có thể trở thành “kẻ giết người thầm lặng” và trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với người già, trẻ nhỏ, người bệnh, những lao động ngoài trời và cư dân đô thị. Hiệu ứng đô thị thường làm tăng nhiệt độ, do mặt đường và bề mặt các tòa nhà hấp thụ nhiệt gây ra "bản đồ nhiệt" khổng lồ, làm trầm trọng thêm nguy cơ gây tử vong.
Trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ bề mặt biển Địa Trung Hải cũng tăng lên mức kỷ lục, cao hơn mức trung bình khoảng 5 độ C ở một số nơi và chạm mốc 27 độ C vào ngày 30/6. Nhiệt độ bề mặt biển tăng cao làm giảm khả năng làm mát vào ban đêm và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển.
Trên phạm vi toàn cầu, dữ liệu của Copernicus cho thấy ít nhất 790 triệu người trên khắp thế giới đã trải qua các ngày nắng nóng kỷ lục trong tháng 6. Nhiều trạm khí tượng của Mỹ và Trung Quốc đã ghi được mức nhiệt trên 40 độ C, khiến nhiệt độ tháng 6 năm nay chỉ đứng sau mức nhiệt của tháng 6 năm 2023 và 2024.
Nắng nóng và nhiệt độ tăng cao đã gây ra nhiều vụ cháy rừng dữ dội tại Canada và miền Nam châu Âu, hay lũ lụt tại Nam Phi, Trung Quốc và Pakistan. Các hiện tượng này phản ánh rõ rệt xu hướng tăng nhiệt toàn cầu, xuất phát từ lượng khí thải nhà kính gia tăng do hoạt động của con người khiến nhiệt độ trung bình của Trái Đất ngày càng cao hơn.
Lan Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-doi-khi-hau-khien-nhiet-do-tai-chau-au-tang-them-4-do-c-20250709221556323.htm