Biến động chính trị tại hàng loạt quốc gia trong năm 2024

Biến động chính trị tại hàng loạt quốc gia trong năm 2024
14 giờ trướcBài gốc
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng tác động sâu sắc tới không chỉ nước Mỹ mà cả trên bình diện toàn cầu
Những tác động sâu rộng từ “năm siêu bầu cử”
Truyền thông quốc tế đã phải dùng tới từ “lịch sử” khi nói về hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2024 này như “2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử” hay “2024 - năm siêu bầu cử” (tựa bài viết phân tích trên Statista, “2024 là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử… Sở dĩ như vậy là do có hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng với các cường quốc và trung tâm chính trị lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu diễn ra trong năm 2024 này, từ châu Á tới châu Âu, châu Mỹ như bầu cử Tổng thống tại Nga và Mỹ, bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ, bầu cử chọn người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu-EU).
Điều đáng nói nữa là các cuộc bầu cử có ảnh hưởng sâu rộng trên lại diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều bất ổn, diễn biến phức và khó lường. Các điểm nóng xung đột quân sự chi phối toàn cầu như Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn phức tạp, gay gắt.
Theo thống kê, có khoảng 60 cuộc bầu cử lớn nhỏ trên toàn cầu trong năm 2024 với tổng số dân hơn 3 tỷ người (trong đó có hơn 2 tỷ cử tri) tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chiếm hơn 60% tổng GDP toàn cầu. Kết quả bầu cử, đặc biệt tại các cường quốc toàn cầu, đã tác động lớn tới tình hình chính trị và kinh tế thế giới, tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với trật tự quốc tế, cán cân địa - chính trị cũng như các cuộc xung đột, khủng hoảng và quan hệ kinh tế, thương mại toàn cầu.
Sự khác nhau rất lớn trong nhiều chính sách đối nội và đối ngoại giữa Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump, chiến thắng ấn tượng của vị tỷ phú sẽ mang đến những thay đổi lớn với nước Mỹ và thế giới. Với thế giới, sự trở lại của ông Donald Trump chắc chắn sẽ làm thay đổi lớn tới cán cân quyền lực toàn cầu. Tổng thống Mỹ đắc cử cam kết thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là việc nhanh chóng giải quyết xung đột tại Dải Gaza và khôi phục các thỏa thuận hòa bình như Thỏa thuận Abraham. Đặc biệt, vị Tổng thống đắc cử của Mỹ tuyên bố muốn sớm kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine, điều khiến những ngày qua các bên liên quan tới cuộc xung đột này đã phải liên tục nhắc tới cũng như tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump được cho cũng sẽ làm căng thẳng trở lại mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương quanh vấn đề ngân sách quốc phòng cũng như căng thẳng trong nền thương mại thế giới, nhất là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Cục diện địa - chính trị quốc tế khó lường
Tại châu Âu, kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu với sự trỗi dậy mạnh của phe cực hữu đã làm rung chuyển không chỉ chính trường các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), tác động sâu sắc tới nhiều chính sách của liên minh 27 thành viên này, từ các vấn đề di cư, biến đối khí hậu… đến an ninh, bao gồm cả chính sách đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bất ổn chính trị ở Đức và Pháp - hai quốc gia có ảnh hưởng lớn tại châu Âu, có thể dẫn đến sự dịch chuyển quyền lực sang các quốc gia thành viên EU khác.
Nước Đức vừa trải qua những biến động lớn trên chính trường khi Thủ tướng Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn, dự kiến vào ngày 23-2-2025. Chưa rõ từ nay tới ngày bầu cử sẽ còn diễn ra những gì và tác động ra sao tới cuộc bầu cử, nhưng điều chắc chắn là sẽ khó có 2 đảng nào có thể giành quá bán để lập liên minh cầm quyền (trừ trường hợp đảng Dân chủ Xã hội (SPD) liên minh với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Như vậy, việc thành lập chính phủ ở Đức sẽ còn phức tạp và khó đoán định.
Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tháng 12 vừa qua, khiến Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt với vô vàn áp lực. Chính phủ mới được bổ nhiệm không có được sự ủng hộ đa số tại cơ quan lập pháp, đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và khó khăn trong việc thực hiện các chính sách quan trọng. Trong bối cảnh này, các đảng phái như đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và đảng Cánh tả cũng đang gia tăng sức ảnh hưởng. Sự bất ổn có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm trong năm 2025 nếu tình hình không được cải thiện.
Những bất ổn ở Đức và Pháp, với vai trò là hai nền kinh tế lớn nhất trong EU, có thể có những tác động dây chuyền tới toàn khu vực cũng như quan hệ với các nước lớn trên thế giới, nhất là với cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Nếu không có một chiến lược rõ ràng để giải quyết các vấn đề như cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề người di cư hay năng lượng, EU khó lòng duy trì được vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.
Việc các đảng dân túy và cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ tại Đức và Pháp có thể tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân túy gia tăng tại các quốc gia khác trong EU, trong đó có thể là tại Italia, Hungary hay Ba Lan - nơi mà các phong trào này đã có sẵn lực lượng chính trị mạnh mẽ. Việc các đảng dân túy tiếp tục giành được sự ủng hộ có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc chính trị châu Âu, ngoài ra có thể khuyến khích các phong trào tương tự ở những nơi khác trên thế giới, kéo theo xu hướng chống lại toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương.
Tại châu Á, hai quốc gia có ảnh hưởng là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn có những biến động, bất ổn. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sau khi bất ngờ ban hành lệnh thiết quân luật vào tối 3-12 vừa qua đã tạo cơn sóng gió chính trị lớn tại nước này. Bản thân ông Yoon Suk-yeol đang đứng trước thách thức chính trị nghiêm trọng khi phải đối mặt với một phiên tòa luận tội tại tòa án Hiến pháp.
Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với giai đoạn thiếu ổn định, nhất là sau thất bại của đảng Dân chủ Tự do (LDP) không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện gần đây. Với việc liên minh cầm quyền lần đầu tiên sau 30 năm chỉ chiếm thiểu số tại Hạ viện, các hoạt động đối nội và đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ gặp không ít khó khăn. Những biến động này có thể dẫn đến thay đổi trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế của quốc gia.
Có thể thấy, thế giới trong năm 2024 đã chứng kiến nhiều xáo trộn, biến động chính trị ở một loạt quốc gia, ảnh hưởng sâu sắc đến bối cảnh chính trị và kinh tế, tác động mạnh mẽ tới các trục quan hệ và cục diện địa-chính trị quốc tế không chỉ năm nay mà còn các năm tiếp theo.
Hoàng Tuấn
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/bien-dong-chinh-tri-tai-hang-loat-quoc-gia-trong-nam-2024-post599324.antd