NIM co hẹp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 12/3, tín dụng tăng 1,24% so đầu năm nay. PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, nếu giữ vững được tăng trưởng xuất khẩu 8-10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, thì tín dụng sẽ tăng mạnh, song NIM (biên lãi ròng) khó kỳ vọng tăng.
Theo ông Huân, tăng trưởng tín dụng được dự báo là động lực chính cho lợi nhuận của ngân hàng năm 2025, chứ không phải là biên lãi thuần. Hiện tại, thu nhập từ hoạt động ngoài lãi của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với thu nhập từ hoạt động tín dụng (năm 2024 chiếm trên 78% lợi nhuận các ngân hàng niêm yết). Động lực tăng trưởng thu nhập từ hoạt động tín dụng chủ yếu đến từ hai yếu tố là biên lãi thuần và tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất ít biến động và chủ trương không tăng lãi suất cho vay, NIM khó có khả năng tăng mạnh. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng, cùng với xu hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng khiến NIM khó có thể bứt phá.
Theo nhận định của giới phân tích tài chính, NIM năm 2025 khó tăng, mà chỉ kỳ vọng không giảm. Các yếu tố trên cho thấy, NIM sẽ không tạo ra động lực tăng trưởng lợi nhuận đáng kể. Vì thế, trong hai yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng sẽ là yếu tố mấu chốt trong năm 2025.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcap nhận định, tín dụng năm 2025 vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn sẽ có vị thế tốt để tăng trưởng trong năm 2025.
Tuy nhiên, NIM khó tăng mạnh do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp vì áp lực thanh khoản và tỷ giá. Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, NIM ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối quốc doanh đạt 2,77% (tăng 0,05 điểm %) và khối cổ phần đạt 4,24% (giảm 0,07 điểm %). Lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 17,4%.
Tăng thu ngoài lãi
Đứng trước xu hướng thu hẹp NIM và tỷ suất sinh lời trong dài hạn, các ngân hàng đã có những giải pháp để chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận, phấn đấu đạt mục tiêu đưa ra. Thế nhưng, phần lớn tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng Việt Nam vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Các mảng ngoài lãi chỉ chiếm khoảng 20% và có xu hướng giảm dần.
Vì thế, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, phải tiết giảm chi phí quản lý, chi phí vận hành để tối ưu Tỷ lệ Chi phí trên thu nhập (CIR), đẩy lợi nhuận đi lên. Đồng thời, phải tăng sản phẩm số, đẩy mạnh dịch vụ số thay cho dịch vụ truyền thống, từ đó giúp thúc đẩy tỷ lệ CASA.
Theo nhận định của PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, dù NIM của ngân hàng đã giảm so với giai đoạn trước, nhưng lợi nhuận vẫn tăng. Các ngân hàng đang cố gắng điều chỉnh NIM theo hướng giảm dần để hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí hy sinh một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, tín dụng tăng kéo theo thu ngoài lãi.
Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14-15%, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn được dự báo tăng 10-20% trong năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%.
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank nêu quan điểm, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tổng quy mô tín dụng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng, ngân hàng phải tiết giảm chi phí và chấp nhận giảm NIM để đưa nguồn vốn giá rẻ ra thị trường, kích cầu tín dụng, từ đó đẩy mạnh thu ngoài lãi.
Vân Linh