'Biển này là của ta, đảo này là của ta'

'Biển này là của ta, đảo này là của ta'
5 giờ trướcBài gốc
Sau 36 giờ rẽ sóng trùng khơi, Trường Sa hiện lên trước mắt chúng tôi, sừng sững, xanh rì. Suốt hải trình, nhiều người mệt mỏi vì những cơn say sóng, có phóng viên lúc tàu thả neo vẫn còn chưa biết, cứ nghĩ mình đang lênh đênh trên biển. Nhưng khi nghe đồng nghiệp vui mừng thông báo “tới Trường Sa rồi”, họ bật ngay dậy như một cái lò xo, bởi họ và cả tôi đã mong chờ điều này từ lâu lắm.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa
“Ôi! Trường Sa đây sao? Đẹp quá!”, nhiều người đã thốt lên như vậy ngay khi thấy hòn đảo thân yêu này. Chúng tôi trêu nhau về cơn say sóng “giả bộ”, bởi có đồng chí mới nằm bẹp dí dưới sàn tàu mà giờ phấn khởi, tươi tắn lạ thường. Ngay cả những cán bộ, chiến sĩ đã đến Trường Sa rất nhiều lần cũng không giấu nổi vẻ tự hào thì huống gì chúng tôi, những người lần đầu đến đảo. Chúng tôi tất bật chuẩn bị trang phục, ai cũng diện những bộ quần áo nghiêm trang, lịch sự, ý nghĩa như áo dài, áo in cờ Tổ quốc, bởi chúng tôi biết mình sắp đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng.
Đứng đón chúng tôi nơi cầu cảng là hàng người nghiêm trang gồm cán bộ, chiến sĩ, người dân. Tôi thấy lạ, bởi những người kia "không máu mủ ruột rà" nhưng có cảm giác rất thân thiết, nhiều người cũng tâm trạng như tôi. Có chị phóng viên nói “vì đó là đồng bào”, ai cũng gật đầu cho là đúng. Thượng tá Mai Quang Tiên - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, dẫn đầu Đoàn công tác đặt bước chân đầu tiên lên Trường Sa với tiếng vỗ tay nồng nhiệt.
Trung tá Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, cho chúng tôi biết nhiều thông tin về đảo. Đảo Trường Sa là một đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh; có UBND và các hộ dân sinh sống. Đảo có âu tàu, cầu cảng dài 150m, làng chài để ngư dân vào tránh, trú bão, sửa chữa tàu khi hỏng hóc. Đảo có những công trình quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh như sân bay, trạm thu phát tín hiệu truyền hình, điện thoại vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, Nhà khách Thủ Đô, chùa Trường Sa, nhà thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống năng lượng sạch, bệnh xá,... Những công trình này đã nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển KT-XH trên các vùng biển và hải đảo của Đảng và Nhà nước.
Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, nhiều tàu đánh bắt xa bờ thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam,... đến khai thác. Chính điều kiện trên đã làm mảnh đất nơi đây in đậm dấu chân của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử và pháp lý đanh thép để khẳng định quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, củng cố niềm tin, sức mạnh cho những người lính giữ đảo, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông ta để lại.
Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo được bảo đảm khá tốt. 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị tivi, có hệ thống thu tín hiệu vệ tinh; hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại được trang bị đến các cụm chiến đấu. Trên đảo còn có phòng đọc sách, báo với gần 4.800 đầu sách và 28 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ ngư dân trên vùng biển, đảo quản lý, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân.
Đến Trường Sa lần này là lần thứ 2 nhưng cảm xúc của anh Lê Hữu Phúc - phóng viên Báo Bình Thuận, vẫn vẹn nguyên. Anh Phúc chia sẻ: “Vinh dự lắm, tự hào lắm khi tôi được đến hòn đảo thân yêu, xinh đẹp này! Tôi nhận thấy Trường Sa ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân ngày càng tốt hơn”.
Đảo Trường Sa được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ thi đua (2019-2023);...
Trung tá Cấn Ngọc Sơn khẳng định: “Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân và dân trên đảo Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân - dân. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Chúng tôi ở Trường Sa lâu nhất trong các điểm đảo, tiếp xúc chiến sĩ, người dân, ai cũng cùng quan điểm, quyết tâm như trên. Khối đoàn kết ấy giúp Trường Sa của ta mãi hiên ngang, sừng sững giữa biển trời./.
Châu Thanh
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/bien-nay-la-cua-ta-dao-nay-la-cua-ta-a189806.html