Biến phòng cháy thành thói quen

Biến phòng cháy thành thói quen
12 giờ trướcBài gốc
Tháo dỡ “chuồng cọp”, mở “cửa thoát”
Sáng 9-7, nắng sớm len qua từng ô cửa lưới sắt đã gỉ màu tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TPHCM). Tiếng cắt kim loại lách cách vang giữa dãy hành lang vốn từng chật ních những công trình cơi nới. Không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu những tấm khung sắt kia đã từng là “lồng an toàn” cho bao gia đình, giờ thành “lồng tử thần” trong cơn hỏa hoạn.
Lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH tuyên truyền an toàn PCCC cho cư dân một chung cư tại TPHCM. Ảnh: CẨM TUYẾT
Căn hộ của gia đình bà Huỳnh Thị Kim Xuyến chỉ cách hai căn hộ bị thiêu rụi hoàn toàn trong đám lửa tối 6-7 vài bước chân. Gia đình bà chăm chú dõi theo từng tia lửa bắn ra từ máy cắt, với những đôi mắt không giấu nổi vẻ trĩu nặng. Cạnh đó, bà Trần Thị Kim Trong đứng bần thần bên hiên nhà, ánh mắt chăm chú nhìn sang phía căn hộ bà Xuyến đang tháo dỡ “chuồng cọp”.
“Ngày trước, nhiều cư dân ở đây làm “chuồng cọp” đề phòng trộm cắp, nhưng bây giờ không thể giữ nữa. Mạng người là quan trọng nhất”, bà Trong nói. Dù không phải là hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng hình ảnh những chiếc cáng cứu thương, tiếng gào khóc trong đêm hôm đó vẫn ám vào giấc ngủ của người phụ nữ tuổi xế chiều này.
Cư xá Độc Lập được xây dựng cách đây nhiều năm, theo mô hình cư xá cũ với hành lang chung và nhiều lối thoát hiểm. Tuy nhiên, theo thời gian, những lối đi ấy bị thu hẹp lại bởi các công trình tự phát (“chuồng cọp”, thậm chí cả nhà kho, nơi chứa xe, bếp nấu...) vì “chút tiện”, “chút an tâm”.
Trước thực trạng đáng lo ngại, những ngày qua, toàn bộ 33 đội khu vực Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an TPHCM đồng loạt ra quân, phối hợp chính quyền 168 phường, xã, đặc khu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp” tại các chung cư, cư xá cũ, mở lối thoát nạn thứ 2.
Xử lý nghiêm vi phạm tại chung cư không đảm bảo an toàn
Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là đảm bảo an toàn PCCC-CNCH. UBND TPHCM giao UBND các xã, phường, đặc khu phối hợp lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại chung cư không đảm bảo an toàn; tổ chức tuyên truyền, vận động cư dân và ban quản lý chung cư tháo dỡ các công trình vi phạm, lấn chiếm lối thoát hiểm, làm mất mỹ quan đô thị và mất an toàn PCCC. Các đơn vị báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 10-8.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương tổ chức 270 lớp huấn luyện, với khoảng 79.571 người tham gia. Bên cạnh đó, Công an TPHCM đã tổ chức 1.488 lượt kiểm tra, lập 1.408 biên bản và xử phạt hành chính các vụ vi phạm PCCC với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Tại phường Bình Quới, 9 tổ công tác được thành lập, trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm và giới thiệu các mô hình an toàn PCCC.
Trực tiếp tham gia công tác vận động, ông Mai Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Quới, cùng lực lượng PCCC-CNCH đã đến từng nhà, giải thích về mức độ nguy hiểm của “chuồng cọp”. Ông cũng thông tin, trên địa bàn có 23 chung cư, trong đó có khoảng 1.000 hộ có lắp “chuồng cọp”. “Chúng tôi nỗ lực vận động 100% hộ dân có lắp đặt “chuồng cọp” thực hiện việc tháo dỡ, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình”, ông Mai Quang cho hay.
Sau khi được vận động, nhiều hộ dân, trong đó có gia đình bà Lê Thùy Linh, sống tại cư xá Thanh Đa đồng ý tháo dỡ “chuồng cọp”. Cách đây hơn 10 năm, bà Linh thuê thợ làm rào chắn bằng sắt ngoài ban công để phòng trộm cắp. “Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, đặc biệt là vụ cháy ở cư xá Độc Lập, khiến ai cũng sợ nên nhà tôi tháo dỡ ngay”, bà Linh nói.
Tại chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh), Đội chữa cháy-CNCH khu vực 1 cũng đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn PCCC. Chung cư này được xây dựng gần 30 năm trước. Trong hơn 100 hộ dân đang sinh sống tại đây, phần lớn căn hộ có lắp “chuồng cọp”. Ông Cao Sơn Hà, cư dân chung cư, cho biết: “Qua hoạt động tuyên truyền, bà con đã nhận thức rõ hơn về những nguy cơ do cháy nổ gây ra và tác hại khi không có lối thoát hiểm phù hợp”.
An toàn bắt đầu từ từng hành động nhỏ
Những ban công bị che kín bằng lồng sắt, những góc hành lang bị biến thành “kho chứa tạm”, dây điện bện như mạng nhện… là hình ảnh quen thuộc ở hàng trăm khu chung cư cũ khắp TPHCM.
Tặng bình chữa cháy, các trang thiết bị PCCC cho người dân chung cư 518 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, TPHCM. Ảnh: CẨM TUYẾT
Theo thống kê, TPHCM hiện có 1.132 chung cư, trong đó có 239 chung cư và 341 khối nhà xây trước năm 1975. TPHCM cũng có hàng trăm căn khác được xây dựng từ năm 1975 đến năm 2001. Trong số này, rất nhiều nơi đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, một trong những khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt về PCCC, ở những chung cư cũ này là thiếu quỹ bảo trì và kinh phí cải tạo. “Các chủ đầu tư hoặc ban quản lý không có quỹ bảo trì hay nguồn kinh phí cố định để duy trì, cải tạo, sửa chữa chung cư. Nhiều cư dân là người lao động, có thu nhập thấp, nên việc huy động đóng góp kinh phí để sửa chữa gặp nhiều khó khăn”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Công an TPHCM, nghiêm trọng nhất hiện nay là việc cơi nới, che chắn trái phép đang rất phổ biến ở các chung cư cũ. Nhiều người dân tự ý cơi nới, mở rộng diện tích sinh hoạt, làm tăng nguy cơ cháy và cản trở công tác chữa cháy, cứu nạn. Thời gian qua, lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền PCCC, trong đó ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quy định liên quan đến công tác PCCC đối với chung cư, song tình trạng này vẫn còn tồn tại.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra các vụ cháy để có ý thức quản lý tốt nguồn nhiệt, nguồn lửa và các chất dễ cháy trong sinh hoạt. Trong đó, cần lưu ý việc cơi nới, che chắn trái phép, vì đây là một vấn đề nghiêm trọng, gây cản trở lối thoát hiểm và gia tăng nguy cơ cháy lan. Người dân cần có sẵn các thiết bị PCCC cơ bản và lối thoát hiểm rõ ràng tại nơi ở, nơi làm việc; đặc biệt lưu ý đến các vật liệu dễ cháy như mạng nhện, bụi tích tụ và tranh ảnh trang trí...
TPHCM đã và đang đầu tư nguồn lực không nhỏ cho công tác PCCC. Xe chữa cháy được đầu tư mới; nhân lực được đào tạo chuyên sâu, phản ứng nhanh, chuyên nghiệp hơn; trang thiết bị ngày càng hiện đại... Thế nhưng, nếu người dân vẫn còn thờ ơ với chính an nguy của bản thân và gia đình, vẫn bàng quan trước các đường dây diện chằng chịt quá tải trong phòng ngủ, phòng bếp, xem các lối thoát hiểm bị khóa là chuyện bình thường... thì mọi nỗ lực sẽ trở nên quá muộn khi sự cố xảy ra.
Đồng thời, để việc phòng cháy thực sự ăn sâu vào nếp sống, cần khởi đầu từ những hành động đơn giản, kiên trì lặp lại mỗi ngày. Một chiều tháng bảy, trong con hẻm nhỏ 803 đường Huỳnh Tấn Phát, cán bộ Công an phường Phú Thuận nhẹ nhàng gõ cửa từng phòng trọ, trao tận tay tờ rơi và trò chuyện với người dân về an toàn PCCC: “Phòng cháy không phải là việc của riêng ai, không phải một phong trào ngắn hạn, mà là thói quen chúng ta cần xây dựng trong đời sống hàng ngày. Và văn hóa ấy cần bắt đầu từ từng hành động nhỏ mỗi ngày. Chỉ cần tắt thiết bị điện trước khi rời nhà, xem lại bếp núc... cũng đủ để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, chập điện, giữ gìn sự an toàn, bình yên cho từng mái ấm”.
Đại biểu Quốc hội TÔ THỊ BÍCH CHÂU, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TPHCM:
Giám sát chặt các công trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở
Tôi cho rằng cần phải phân định rõ ràng mức độ và nguy cơ cháy nổ tại các chung cư, khu dân cư để công bố công khai, minh bạch danh sách những địa điểm tiềm ẩn rủi ro cao. Nhiều căn hộ, căn nhà, khu trọ được rào kín như “chuồng cọp” là cực kỳ nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ. Việc tháo dỡ cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên kết cấu kiến trúc của từng căn hộ, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn tổng thể của công trình. Yếu tố an toàn tính mạng người dân phải được đặt lên hàng đầu trong mọi quyết định.
Trong quá trình triển khai các giải pháp, cần tạo điều kiện về mặt thời gian để người dân có thể tiến hành sửa chữa, tháo dỡ các hạng mục mất an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh TPHCM đang vận động người dân tháo bỏ các “chuồng cọp” - những cấu trúc lồng sắt bao kín ban công hoặc cửa sổ, gây cản trở lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC để nâng cao nhận thức và hình thành ý thức tự giác của người dân. Khi người dân được trang bị kiến thức, được nhắc nhở thường xuyên và hiểu rõ mối nguy hiểm, họ sẽ dần hình thành thói quen sinh hoạt an toàn, từ đó góp phần xây dựng một văn hóa sống đô thị có trách nhiệm và chủ động với an toàn PCCC.
Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát ngay từ đầu đối với các công trình xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, khu nhà trọ... để đảm bảo ngay từ thiết kế ban đầu đã tuân thủ đầy đủ các quy định về PCCC. Chỉ khi nào việc đảm bảo an toàn PCCC trở thành ý thức thường trực trong cộng đồng thì chúng ta mới có thể giảm tối đa những hậu quả đáng tiếc do cháy nổ gây ra.
VĂN MINH ghi
CẨM TUYẾT - THU HOÀI
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/bien-phong-chay-thanh-thoi-quen-post803906.html