Biến phụ phẩm nha đam bỏ đi thành cao thành phẩm

Biến phụ phẩm nha đam bỏ đi thành cao thành phẩm
5 giờ trướcBài gốc
Giải quyết thách thức nông nghiệp
Vỏ nha đam thường bị thải bỏ trong quá trình sản xuất gel nha đam, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Trong khi đó, nấm Fusarium là một trong những tác nhân chính gây bệnh trên cây trồng, làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Với mục đích giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao giá trị kinh tế của loại "rác thải" này, nhóm đã tận dụng vỏ nha đam để chiết xuất các hoạt chất sinh học, tạo ra một sản phẩm sinh học có khả năng kháng nấm Fusarium hiệu quả.
Bảo Chân (thành viên nhóm) cho biết: “Việc tận dụng vỏ nha đam để tạo cao chiết kháng nấm Fusarium không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn giúp nâng cao giá trị kinh tế của vỏ nha đam. Đồng thời, nghiên cứu còn phát triển các chế phẩm sinh học mới, hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững”.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Lan Anh cho biết, ý tưởng này bắt nguồn từ nhu cầu trong việc xử lý phế phẩm nông nghiệp và giảm thiểu tác động tiêu cực của nấm Fusarium trong canh tác.
Ba thành viên nhóm nghiên cứu.
“Theo số liệu từ nhà máy sản xuất gel nha đam, mỗi ngày, lượng vỏ nha đam khoảng 10 – 20 tấn được thải ra môi trường, gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Nhóm nhận thấy, số lượng vỏ nha đam này cần được xử lý một cách có hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và áp dụng các phương pháp chiết xuất để thu được cao giàu hoạt chất sinh học”, Lan Anh chia sẻ.
Bằng cách sử dụng dung môi và kỹ thuật cô quay chân không, nhóm đã chiết xuất thành công cao nha đam, sau đó, kiểm nghiệm khả năng kháng nấm Fusarium thông qua các thí nghiệm trong phòng lab. Kết quả cho thấy, cao chiết có khả năng ức chế sự phát triển của nấm Fusarium, mở ra tiềm năng phát triển sản phẩm sinh học thay thế hóa chất bảo vệ thực vật.
Nhóm đã xuất sắc giành giải Nhất, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2024, lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, nhóm đã tiến hành thu thập vỏ nha đam và thực hiện các phương pháp chiết xuất để thu được cao chiết giàu hoạt chất. Sau đón cao chiết được phân tích bằng các kỹ thuật để xác định các thành phần hoạt tính, để kiểm chứng và đánh giá được khả năng đối kháng nấm Fusarium của cao chiết này, nhóm sử dụng các thí nghiệm in vitro (trong phòng thí nghiệm) để đánh giá khả năng ức chế của cao chiết đối với sự phát triển của nấm Fusarium. Kết quả được đo lường thông qua tỷ lệ ức chế dựa vào đường kính phát triển của tản nấm qua 6 ngày và so sánh với các mẫu đối chứng.
Tiềm năng ứng dụng và mong muốn tương lai
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đối mặt với không ít khó khăn như hạn chế về kinh phí, khó khăn trong việc thu thập nguồn nguyên liệu đồng nhất giữa các lô vỏ nha đam (do đặc tính hoạt chất trong vỏ nha đam có thể thay đổi theo mùa), đặc biệt là nghiên cứu cần thêm thời gian để kiểm nghiệm thực tế và đánh giá hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ nhà trường và giảng viên hướng dẫn, nhóm đã vượt qua mọi thách thức, hoàn thiện dự án.
Dự án không chỉ mang lại giải pháp tái chế phụ phẩm nông nghiệp mà còn mở ra tiềm năng thương mại hóa cao chiết từ vỏ nha đam. Trong tương lai, nhóm dự định sẽ tối ưu hóa quy trình chiết xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Kiểm nghiệm thực tế trên nhiều loại cây trồng khác nhau để khẳng định hiệu quả. Phát triển mô hình sản xuất công nghiệp và xây dựng kế hoạch kinh doanh và thử nghiệm khả năng kháng nấm trong điều kiện thực địa, hướng đến ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp hữu cơ.
Các thành viên trong nhóm mong muốn sớm hoàn thiện và mở rộng dự án.
Nhóm hy vọngn dự án sẽ được phát triển thành sản phẩm sinh học hoàn chỉnh, đóng góp vào mục tiêu giảm sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Với tiềm năng ứng dụng rộng rãi, nhóm tin tưởng rằng, cao chiết từ vỏ nha đam sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững của Việt Nam và thế giới.
Ngọc Ánh
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/bien-phu-pham-nha-dam-bo-di-thanh-cao-thanh-pham-post1711004.tpo