Biến 'rác nâu' thành 'vàng xanh': Nút gỡ cho nông nghiệp bền vững

Biến 'rác nâu' thành 'vàng xanh': Nút gỡ cho nông nghiệp bền vững
11 giờ trướcBài gốc
Tái sinh phụ phẩm, tối ưu chi phí từ mô hình kinh tế tuần hoàn
Thành lập từ năm 2010, Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức (Hà Nội) luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững, bắt đầu từ vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm đến đổi mới công nghệ và tổ chức sản xuất. Cột mốc quan trọng là năm 2015, công ty áp dụng thành công công nghệ "con tằm tự dệt" - một bước đột phá giúp giảm 75% nhân công, tiết kiệm 80% điện năng, tối ưu chi phí sản xuất và đặc biệt là hạn chế phát sinh chất thải, khí thải so với quy trình truyền thống.
Nông nghiệp tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa
Không dừng lại ở đó, năm 2021, công ty tiếp tục tạo dấu ấn khi nghiên cứu và triển khai sản xuất sợi tơ sen - một trong những loại sợi cao cấp, quý hiếm trên thế giới. Việc chế biến thành công tơ sen không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành nghề truyền thống, mà còn giúp Việt Nam bước đầu khẳng định vị thế trong phân khúc cao cấp của ngành hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu.
Định hướng kinh tế tuần hoàn được thể hiện rõ nét khi công ty chủ động tận dụng toàn bộ phế phẩm trong quá trình sản xuất. Những gì từng bị vứt bỏ như: Phân tằm, cành lá dâu cuối vụ, nhộng tằm, tằm đực, cọng sen, lá sen thải loại... nay đều được phân loại, chế biến và đưa vào chuỗi giá trị mới.
Cụ thể, lá, rễ dâu sau cải tạo vườn, cùng phân tằm, nhộng tằm và tằm đực được bán cho các hiệu thuốc đông y làm dược liệu hoặc cung cấp cho cơ sở nuôi đông trùng hạ thảo. Chỉ riêng công đoạn tái sử dụng này đã giúp doanh nghiệp tăng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất tơ sen, vốn phát sinh gần 200 tấn rác hữu cơ/năm như cọng sen, lá sen sau khai thác, công ty đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, quay lại phục vụ vùng nguyên liệu sen. Nhờ đó, không chỉ tiết giảm chi phí đầu vào mà còn thu về gần 300 triệu đồng/năm từ phân phối sản phẩm ra thị trường.
"Trước đây, hàng trăm tấn rác thải từ tơ sen phải đốt hoặc chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nay, chúng tôi biến chúng thành phân hữu cơ, quay lại nuôi chính cây sen, đúng tinh thần khép kín, không lãng phí của kinh tế tuần hoàn", Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp khoảng 150 triệu tấn mỗi năm, riêng ngành trồng trọt chiếm khoảng 94 triệu tấn. Trong số này, rơm rạ chiếm 47% trong lĩnh vực trồng trọt và khoảng 30% phụ phẩm đã được tái sử dụng và vẫn còn đến 70% bị bỏ, đốt ngoài đồng hoặc thải ra môi trường. Những phương pháp lỗi thời không chỉ gây lãng phí đất đai, nguồn lực mà còn làm trầm trọng thêm ô nhiễm đất, nước, không khí.
Thế giới và Việt Nam đang đối mặt với loạt thách thức nghiêm trọng mang tính hệ thống, trong đó nổi bật là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái. Nếu được xử lý theo hướng kinh tế tuần hoàn, rác thải không còn là gánh nặng môi trường mà sẽ trở thành tài nguyên.
Cần hoàn thiện chính sách và thể chế hỗ trợ
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường nhận định, kinh tế tuần hoàn tạo ra điều kiện thuận lợi để Việt Nam từng bước tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu có tính bền vững cao. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận môi trường, kiểm soát khí thải và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Những doanh nghiệp sớm áp dụng mô hình tuần hoàn sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng cao cấp, nơi sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài lợi ích thương mại, việc thực hành mô hình còn nâng cao năng lực thương hiệu quốc gia, giúp Việt Nam được nhìn nhận là nền kinh tế có trách nhiệm và sẵn sàng thích ứng với các xu hướng toàn cầu.
Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Việc này đến từ yếu tố kỹ thuật hay tài chính và bắt nguồn từ chiều sâu văn hóa, thói quen đã định hình lâu dài. Năng lực công nghệ của nền kinh tế nội địa chưa theo kịp các yêu cầu của mô hình tuần hoàn.
Bên cạnh đó, môi trường chính sách chưa thực sự tạo thành bộ khung vững chắc để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển theo hướng bền vững. Dù các chiến lược quốc gia và các văn bản định hướng đã được ban hành, tính cụ thể hóa vẫn còn hạn chế. Tính liên kết giữa các tác nhân trong nền kinh tế vẫn còn rời rạc.
Từ nghề truyền thống tưởng chừng đã mai một, Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã chứng minh rằng: Với sáng tạo, tư duy bền vững và tinh thần đổi mới, kinh tế tuần hoàn hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều gần gũi nhất, từ con tằm, cây dâu, cây sen… nơi làng quê Việt Nam. Dù đạt được nhiều thành quả, bà Phan Thị Thuận cho biết, để mở rộng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn này, rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước và các bộ ngành liên quan.
Theo đó, Chính phủ, TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm triển khai hiệu quả Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời, cần có các cơ chế tài chính, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề chuyển đổi bền vững.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ khuyến nghị, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần bắt đầu bằng cải tổ hệ thống chính sách và pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch. Các quy định mâu thuẫn cần được loại bỏ, nội dung cụ thể cho từng ngành cần được bổ sung. Chuẩn mực kỹ thuật về thiết kế, nguyên liệu và khả năng tái chế phải được xác lập rõ ràng. Cơ chế giám sát chất lượng cần gắn liền với trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Tính thống nhất giữa trung ương và địa phương giữ vai trò quan trọng trong triển khai hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là Điều 142, cùng Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã hình thành nền tảng pháp lý đầy đủ để triển khai kinh tế tuần hoàn ở cả cấp quốc gia và địa phương. Đặc biệt, theo Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng chiến lược để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết khí hậu của Việt Nam đến năm 2050.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bien-rac-nau-thanh-vang-xanh-nut-go-cho-nong-nghiep-ben-vung-411708.html