BIẾN TƯỚNG MỚI TRONG NGÀNH Y (*): Bộ Y tế tức tốc vào cuộc

BIẾN TƯỚNG MỚI TRONG NGÀNH Y (*): Bộ Y tế tức tốc vào cuộc
6 giờ trướcBài gốc
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh biến tướng mới trong ngành y liên quan đến việc lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng từ ngữ, đặc biệt là chữ "bệnh viện" trên biển hiệu nhằm đánh lận quy mô và chất lượng dịch vụ, Bộ Y tế đã tức tốc vào cuộc.
Hậu quả nặng nề
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM), Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định các cơ sở y tế phải được cấp giấy phép hoạt động và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Việc một số phòng khám tư nhân sử dụng tên gọi có từ "bệnh viện" đã gây nhầm lẫn cho người dân, dẫn đến nhiều rủi ro về chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh. Điều kiện cấp phép cho "bệnh viện" và "phòng khám" có sự khác biệt rõ ràng về quy mô, cơ sở vật chất và nhân sự. Nếu một cơ sở y tế sử dụng sai tên gọi hoặc không có giấy phép hoạt động, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Các hình thức xử lý có thể bao gồm phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động từ 12 đến 24 tháng hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề. Nếu vi phạm nghiêm trọng dẫn đến hậu quả nặng nề, người vi phạm có thể phải chịu án tù từ 1 đến 5 năm.
Tình trạng các cơ sở hoạt động "chui", không có giấy phép hành nghề hay đặt tên gây nhầm lẫn tuy đã có chế tài nhưng hiện tại vẫn chưa kiểm soát được. Việc thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn. Vẫn tồn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt theo quy định...
Nhiều bệnh viện lớn đã không ít lần kêu cứu về sự giả mạo và mập mờ của các phòng khám tư. Ảnh: HẢI YẾN
Đáng chú ý, các cơ sở này không có chức năng hoạt động khám, chữa bệnh nhưng vẫn quảng cáo hoạt động khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ bằng các hình thức quảng cáo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Việc xử lý các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa (các dịch vụ làm đẹp tiêm các chất đầy môi, mắt, má; cắt mí mắt...) còn lúng túng, bất cập. "Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại lâu là do địa bàn rộng, các loại hình hành nghề y, dược tư nhân đa dạng, số lượng cơ sở hành nghề lớn, hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân chủ yếu ngoài giờ hành chính" - luật sư Hùng nhấn mạnh.
Việc kêu cứu của bệnh nhân rất gian nan, vất vả bởi nhiều phòng khám không trả tiền.
Đặc biệt, nhiều cơ sở nằm ở các khu chung cư, thôn, xóm, phân tán nên khó khăn cho việc kiểm soát thường xuyên. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân còn thiếu, tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ, năng lực của một số cán bộ y tế phụ trách lĩnh vực hành nghề cấp xã còn hạn chế nên kết quả công tác giám sát, kiểm tra chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, một số cá nhân hành nghề ngoài giờ tại nhà riêng vào buổi tối, không đăng ký cấp phép hoặc một số cá nhân hoạt động hành nghề dưới dạng phục vụ tại nhà người bệnh (tiêm truyền dịch, khám bệnh, cấp thuốc...). Hình thức này thường không có địa điểm cố định, không có biển hiệu quảng cáo... nên khó kiểm soát, gây khó khăn trong công tác kiểm tra.
Cùng đó, ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập chưa cao, mang tính đối phó khi có đoàn kiểm tra tới làm việc; việc kiểm tra tại cấp xã, phường chủ yếu dừng lại ở việc hướng dẫn, nhắc nhở chưa phát huy rõ rệt vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập. "Chúng tôi đã từng tiếp nhận nhiều đơn thư về việc khiếu nại của người bệnh sau khi gặp biến chứng tại các phòng khám hoạt động sai phạm. Các đơn thư, khiếu nại và tư vấn cho rất nhiều khách hàng với nhiều nguyên nhân. Cụ thể như các cơ sở, phòng khám thẩm mỹ do thiếu giấy phép, bị xử phạt tạm ngưng hoạt nhưng vẫn hoạt động; khám, phẫu thuật sai quy trình, thiếu trách nhiệm; tư vấn, hứa kết quả nhưng làm không được. Điều này đã để lại nhiều hậu quả cho bệnh nhân tổn hại về thể xác và tinh thần. Đặc biệt, việc khiếu nại kêu cứu của bệnh nhân rất gian nan, vất vả bởi nhiều phòng khám không trả tiền hoặc trả không đầy đủ gây bức xúc cho bệnh nhân" - luật sư Hùng nhấn mạnh.
Hoạt động "chui", bất chấp danh nghĩa
Trước thực trạng trên, luật sư Hùng đề xuất các bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên "bệnh viện". Từ đó tạo hành lang pháp lý và xây dựng chế tài phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt tiền, tăng thời gian tước giấy phép khi vi phạm, cấm đảm nhiệm hành nghề trong thời gian dài.
Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh mạo danh bệnh viện. Ảnh: NGỌC DUNG
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh này, luật sư Hùng đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, cần có quy định rõ về việc đặt tên cơ sở y tế, tránh tình trạng các doanh nghiệp sử dụng danh nghĩa "bệnh viện" khi không đủ điều kiện. Thứ 2, cần kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở có tên không đúng hình thức tổ chức.Thứ 3, tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm soát và xử lý vi phạm một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; Thứ 4, nâng cao năng lực cán bộ quản lý. Cần đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đủ năng lực và trách nhiệm trong công tác quản lý.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân, việc quản lý và giám sát các phòng khám mập mờ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Người bệnh cần được bảo vệ khỏi những rủi ro tiềm ẩn từ các cơ sở không bảo đảm chất lượng. Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự nâng cao ý thức của các phòng khám, tình trạng này sẽ được cải thiện trong tương lai.
Khẩn cấp chấn chỉnh
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên "bệnh viện". Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan, sở đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch địa phương) xem xét, siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1 điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể là đối với các doanh nghiệp xin đăng ký tên có ngành hoạt động không phải là bệnh viện nhưng đặt tên có cụm từ "bệnh viện". Đồng thời, kiến nghị việc các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên là "bệnh viện", trong trường hợp không đủ phạm vi hoạt động đầy đủ là một bệnh viện thì thực hiện việc điều chỉnh tên và không tiếp tục sử dụng từ "bệnh viện" trong tên gọi.
Theo Bộ Y tế, tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, quảng cáo không trung thực về chuyên môn và chất lượng dịch vụ đáng báo động. Nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động "chui", thậm chí mạo danh các bệnh viện lớn để lừa dối khách hàng. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy cho người tiêu dùng, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cơ sở này.
TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho hay về Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ E-star (59 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1, TP HCM) quảng cáo và thực hiện trái phép dịch vụ khám, cục đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Y tế TP HCM chỉ đạo có báo cáo làm rõ thông tin nêu trên, xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, đơn vị liên quan theo đúng quy định. Trước đó, cục đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn. Nhiều cơ sở thẩm mỹ dùng những tên gọi, dịch vụ thẩm mỹ như "Thẩm mỹ viện", "Viện thẩm mỹ", "Trung tâm thẩm mỹ" nhằm tăng sự tin tưởng và lừa dối khách hàng.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các sở y tế cấp tỉnh, thành phố tăng cường triển khai công tác quản lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác quản lý giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh và giấy phép hành nghề của người hành nghề theo thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh (nếu có). "Những cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động "chui" cần bị xử lý triệt để để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực cho xã hội và ngành y tế, bảo đảm sức khỏe cộng đồng" - ông Đức nhấn mạnh.
Xem xét xử lý hình sự
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cảnh báo người dân tuyệt đối không tin theo các hướng dẫn chữa trị không có cơ sở khoa học, những quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội để từ đó mua thuốc trị bệnh. Theo quy định, hành vi bán thuốc bằng cách mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp thực hiện hành vi gian dối mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế để nhận tiền, tài sản của bệnh nhân rồi chiếm đoạt, đối tượng này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-10
NGỌC DUNG - HẢI YẾN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/bien-tuong-moi-trong-nganh-y-bo-y-te-tuc-toc-vao-cuoc-196241030214246841.htm