Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu/TTXVN
Vỏ bọc hoàn hảo
Đặc thù của Biệt động Sài Gòn là ngăn cách và bí mật, tức là đảm bảo bí mật thân phận, nên những lớp ngụy trang như “ông chủ thầu khoán”, “vợ bé” mới có thể giúp các chiến sĩ “xuất quỷ nhập thần”, thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.
Dưới vỏ bọc của một chủ thầu khoán làm nội thất cho Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Lai (biệt hiệu Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.Som) và “vợ bé” là bà Đặng Thị Thiệp (tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai) cùng hoạt động cách mạng và đi vào lịch sử Biệt động Sài Gòn với nhiều chiến công; trong số đó có việc xây dựng căn hầm bí mật chứa hơn 2 tấn vũ khí phục vụ tấn công Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) và một số cơ quan đầu não của chính quyền chế độ cũ trong chiến dịch vang dội Xuân Mậu Thân năm 1968.
Năm 1965, với nhiệm vụ xây dựng các hầm vũ khí chiến lược trong nội thành để chuẩn bị cho kế hoạch lớn khi có thời cơ, ông Trần Văn Lai cùng các cán bộ khác nhận lệnh đào hầm, vận chuyển vũ khí từ căn cứ về và cất giấu trong hầm. Để tạo vỏ bọc cho chồng, bà Đặng Thị Thiệp (tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai) đã chịu mang tiếng "vợ bé" suốt nhiều năm. Khi đó bà Đặng Thị Thiệp mới 18-19 tuổi, được chồng chở đi khắp Sài Gòn để tìm mua nhà cho “vợ bé” với yêu cầu căn nhà nhỏ trong hẻm để tránh bị vợ lớn phát hiện. Thực chất các căn nhà được mua là để đào hầm chứa vũ khí phục vụ các trận đánh theo yêu cầu của cấp trên. Mua xong nhà, cùng chung tay làm nhiệm vụ, hai vợ chồng bà đã đào hầm, vận chuyển và cất giấu thành công hơn 2 tấn vũ khí tại ba căn nhà liền kề ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3 hiện nay). Khi ấy, dù được tổ chức chấp thuận cho kết hôn, nhưng bà tiếp tục giữ “vai” vợ bé để cùng chồng hoạt động cách mạng. Bà đã hết lòng hy sinh, chịu đựng mọi oan trái, hiểm nguy trong lòng địch để bảo vệ cho chồng và đồng đội hoạt động bí mật.
Từ những năm 1960, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định liên tiếp có những trận đánh có tiếng vang ngay trong lòng đô thị Sài Gòn. Trong mỗi chiến công vang dội của lực lượng có đóng góp quan trọng của những người tạo vỏ bọc để hợp pháp hóa lực lượng này vào nội thành hoạt động bằng các giấy tờ giả như căn cước, giấy tùy thân, giấy công vụ… của chính quyền khi đó. Người được nhắc đến trong nhiệm vụ này là ông Lâm Quốc Dũng (Dũng Râu). Năm 1965, ông được phân công về bộ phận Quân báo để cùng thực hiện nhiệm vụ làm giấy tờ giả. Trong suốt nhiều năm làm nhiệm vụ đến ngày giải phóng, ông Dũng không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu tấm căn cước, giấy tờ giả khác cho bao nhiêu đồng chí, đồng đội hoạt động ngay trong nội thành.
Ông Lâm Quốc Dũng cho biết, theo kế hoạch, riêng trong đợt tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 có khoảng 200 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Để đưa các chiến sĩ vào được trung tâm Sài Gòn, qua được các trạm gác gắt gao của địch, không phải đơn giản. Yêu cầu đầu tiên là phải có giấy tờ tùy thân. Khi ấy, Việt cộng làm sao có được giấy tờ. Ông nhận nhiệm vụ làm giả các giấy tờ tùy thân, đặc biệt là căn cước để trang bị cho lực lượng Biệt động Sài Gòn vào nội thành.
Khó khăn nhất trong làm các loại giấy tờ giả là phần ký tên giả. Ông phải tập ký rất nhiều lần bên ngoài rồi mới ký vào căn cước, có khi ký 10 tờ mới được 1 tờ. Bởi chữ ký rất quan trọng, nếu bị nghi ngờ, đồng đội của mình sẽ bị bắt. “Anh em đánh trận nào đều có đóng góp của mình trong đó. Đó là phần thưởng, là động lực lớn nhất thôi thúc tôi làm nhiệm vụ dù có khó khăn, hiểm nguy”, ông Dũng Râu tự hào chia sẻ.
Niềm tin chiến thắng
“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”, niềm tin về thắng lợi cuối cùng như trong lời chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền động lực to lớn cho các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, cùng hành động quả cảm trong các trận đánh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Ngày 1/2/1968, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát
Một trong 5 mục tiêu chiến lược mà lực lượng Biệt động Sài Gòn tiến đánh trong Tết Mậu Thân năm 1968 là Dinh Độc lập. Đội 5, F100 Biệt động Sài Gòn – Gia Định gồm 15 người, chỉ huy là đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), được giao nhiệm vụ này, thay vì mục tiêu là một khu quân sự ở Quận 5 như kế hoạch trước đó.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) cho biết, những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động được yêu cầu tập trung để chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Sáng 29 Tết, 15 chiến sĩ biệt động của Đội 5 được lệnh lên đường đi vào nội đô bằng các con đường khác nhau. Đến 16 giờ cả đội tập trung đến nhà của ông Năm Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) đợi lệnh. Chỉ vài tiếng trước khi xuất quân, một căn hầm bí mật ngay dưới nền nhà ông Năm Lai mở ra, bên dưới có hàng tấn vũ khí, đạn dược các loại. Toàn đội nhận lệnh tấn công Dinh Độc Lập.
Trận đánh đó cũng là một ký ức không quên đối với bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chín Nghĩa) - người phụ nữ duy nhất tham gia trận đánh Dinh Độc Lập. Bà Nghĩa kể lại, khi nhận nhiệm vụ, tất cả 15 chiến sĩ Đội 5 đều ngỡ ngàng bởi mục tiêu mới này lớn gấp nhiều lần so với mục tiêu được giao trước đó cũng như so với lực lượng hiện có của đội. Tuy nhiên, sau đó, cả đội đồng thanh báo cáo thủ trưởng nhận nhiệm vụ và hứa rằng sẽ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, dù có hy sinh.
Gần 2 giờ sáng mùng 2 Tết, các chiến sĩ biệt động tiến đánh mục tiêu Dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào... Trước sự chống trả dữ dội của quân địch và sự tiếp ứng bằng trực thăng, thiết xa, xe tăng, các chiến sĩ biệt động không thể vào được bên trong Dinh mà triển khai chiến đấu ngay bên đường Nguyễn Du.
Tại góc đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân, các chiến sĩ bám trụ trong căn nhà 5 tầng đang xây dở dang, chống trả các đợt tấn công của địch, chờ tiếp viện. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày, vượt kế hoạch được giao. Tám người trong số họ đã hy sinh, những người còn lại bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Người thủ trưởng của bà Nghĩa cũng đã ngã xuống tại Dinh Độc Lập.
“Vết thương anh nặng lắm không cùng các em đi đến đoạn đường cuối cùng. Các em phải bám trận địa chờ lực lượng đến tiếp viện, không được rút lui. Đây là mệnh lệnh. Thủ trưởng ngã trên vai tôi và tắt thở. Chúng tôi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, bà Vũ Minh Nghĩa rưng rưng nhớ lại.
Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt địch tại Sài Gòn, đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 (đêm 1, rạng ngày 2 Tết). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Lê Hồng Quân), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng, đối mặt với kẻ thù, đánh trả quyết liệt, song tình thế ngày càng khắc nghiệt, bà quyết định lệnh cho đơn vị rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. Trước yêu cầu cần người lanh lẹ ở lại để chủ động lộ điểm đánh lạc hướng địch cho đồng đội chuyển ra ngoài, hai đồng đội cùng bà đang bị thương tình nguyện ở lại. Khi chủ động lộ điểm, toàn thân bà là những vết thương, mảnh đạn găm vào, giây phút ấy bà tự cắt lìa cánh tay bị thương của mình rồi tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Chứng kiến nhiều trận đánh của đồng đội ở các lực lượng khác nhau, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63 vẫn nhớ như in về trận đánh của Đội 5, F100 - Biệt động Sài Gòn – Gia Định vào mục tiêu Dinh Độc Lập. Khi ấy, ông ở căn nhà số 136B đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, Quận 1) - nhà của cô Tám Thảo, một điệp viên của cụm Tình báo H.63, cách mục tiêu Dinh Độc Lập khoảng 200m; trực tiếp chứng kiến trận đánh, Tổ biệt động chiến đấu rất dũng cảm, không nao núng.
Từ cửa sổ căn nhà, quan sát trận địa, ông Tư Cang phán đoán đạn dược và cả sức lực đơn vị bạn đã cạn dần, ông nghĩ phải cứu anh chị em, kéo thêm thời gian, trời sắp tối, đó là thời cơ để rút. Vị trí Sở Chỉ huy của địch được đặt trên sân thượng một nhà lầu ở góc đường ngang với cửa sổ đang hé mở là nơi mà ông và cô Tám Thảo đang ngồi để nhìn qua trận địa, chỉ cách nhau trên dưới 50 mét. Vốn được trang bị cho 2 khẩu súng ngắn K.54, hé cửa sổ ngó qua, ông rút súng lên đạn bắn phụ mấy viên. Tối hôm đó, anh chị em biệt động lần theo các mái nhà lân cận rút đi, nhưng tất cả đều bị thương và kiệt sức nên không đi nhanh và đi xa được nên đã bị địch bắt hết lại.
Trải qua đủ đòn tra tấn của địch và bị giam khắp các nhà tù, nhưng các chiến sỹ biệt động không khai bất cứ thông tin gì của tổ chức. Đến năm 1973, khi được trả tự do (Hiệp định Paris được ký kết), nhiều người tiếp tục được phân công công tác ở các đơn vị khác nhau. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, một số người như bà Vũ Minh Nghĩa được lệnh tham gia đánh vào Dinh Độc Lập, nhưng trên đường hành quân thì hay tin cách mạng đã giành được chiến thắng. “Giây phút ấy, mọi người đều vỡ òa sung sướng”, bà Minh Nghĩa vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử đó.
Bài cuối: 'Sợi dây' nối dài truyền thống
T.Hoài – H.Chung (TTXVN)