Ngồi trên chiếc ghế tựa, ông Dũng kể về những năm tháng hào hùng bằng giọng nói trầm ấm. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông có một tinh thần minh mẫn, trí nhớ tinh tường. Nghe ông Dũng kể, tôi như được sống lại một thời oanh liệt, thời kỳ mà cả dân tộc chung sức, chung lòng vì độc lập, tự do.
Hồi trước, trong kháng chiến, ông Dũng có gần 10 năm bám trụ chiến đấu ở nội, ngoại thành Mỹ Tho; trong đó, có nhiều năm Đại tá Lê Dũng đã chiến đấu ở xã Đạo Thạnh, chỉ cách thị xã Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho) bởi dòng sông nhỏ mang tên Bảo Định. Trong nhiều trận đánh, ông nhớ nhất là những trận đánh táo bạo vào thành phố Mỹ Tho.
Phường 5 là nơi địch tập trung lực lượng mạnh nhất, ác ôn nhất, nơi đó đặt nhiều trụ sở như Chi cuộc Cảnh sát quốc gia, Phân chi Khu quân sự, lực lượng Phòng vệ xung kích vũ trang, lực lượng Cảnh sát dã chiến do tên Sáu Lắm, nổi tiếng ác ôn chỉ huy.
Đại tá Lê Dũng thời trẻ
Các trụ sở của chúng ở đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc, chúng đã tổ chức canh gác cẩn thận, các hàng rào kẽm gai vây kín nhiều vòng, nhiều lớp nhằm ngăn cản lực lượng của ta ném lựu đạn hoặc đặt mìn định hướng.
Năm 1973, Đại tá Lê Dũng, lúc đó là Đại đội bậc trưởng đảm nhiệm Đội trưởng Đội Biệt động thành phố Mỹ Tho, đã nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của chúng, chúng thường lơ là, chủ quan vào buổi trưa và ông quyết định tổ chức đánh vào trụ sở địch giữa ban ngày. Đại đội cử 3 chiến sĩ gồm Đắc, Thái và Phùng mặc trang phục học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tay mang cặp đựng quả bộc phá C4 nặng 3 kg, dấu khẩu súng ngắn trong người.
Đúng 11 giờ trưa, các anh đi bộ đến mục tiêu, tên gác cổng đưa khẩu súng AR15 chặn lại, bất ngờ các anh rút súng ngắn bắn tiêu diệt tên gác cổng, rồi lao tới điểm hỏa bộc phá, ném quả bộc phá thẳng vào trụ sở địch. Một tiếng nổ “ầm” to lớn, đánh sập trụ sở, bụi khói bốc lên mù mịt. Mấy tên địch xung quanh chạy đến hỗ trợ, các anh bình tĩnh bắn hạ mấy tên nữa, rồi ném tiếp mấy quả bộc phá hơi, chỉ nổ ầm ầm chứ không sát thương.
Đường Nguyễn Tri Phương người và xe bị ách tắc một đoạn dài, ai nấy lao nhao trước cách đánh "xuất quỷ, nhập thần" của “Việt cộng”. 3 chiến sĩ biệt động thành của ta nhanh chóng rút khỏi hiện trường và trở về căn cứ an toàn.
Đại đội Biệt động thành phố Mỹ Tho có nhiều sáng tạo trong cách đánh. Một trong những trận đánh khác đáng nhớ là vào năm 1974, sau khi điều nghiên Ty Bình định của địch tại ngã ba đường Học Lạc, Lộ Ma, nay là đường Thái Sanh Hạnh, nơi Trường Cao Đẳng nghề Tiền Giang tọa lạc.
Lực lượng bình định của địch là một lực lượng nguy hiểm, chuyên môn khủng bố, đánh phá ác liệt nông thôn ở ven vùng giải phóng, gây cho ta nhiều thiệt hại. Lực lượng này trang phục toàn đồ bà ba đen, với vũ khí gọn nhẹ như carbine, súng ngắn, tại trụ sở có thêm đại liên.
Chúng tuyển mộ những thanh niên có trình độ tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, tương đương lớp 9 bây giờ gia nhập vào lực lượng này và huấn luyện về cách tuyên truyền mị dân, cài cắm gián điệp, tổ chức dụ dỗ những người nhẹ dạ, thiếu lập trường tư tưởng ra chiêu hồi, tổ chức phản gián.
Ở tất cả các ấp, xã đều có lực lượng bình định của địch, chúng chia thành từng nhóm nhỏ từ 3 tới 5 tên, ngày đêm đến từng nhà dân để dụ dỗ, lôi kéo, hăm dọa, đánh phá cơ sở bí mật của ta ngày đêm. Trước tình hình đó, Đại tá Lê Dũng quyết tâm tìm phương án đánh vào cơ quan đầu não cấp tỉnh của chúng là Ty Bình định. Ông Dũng cùng Ban Chỉ huy cho anh em nội thành nghiên cứu kỹ về địa hình, bố trí lực lượng canh gác và quy luật hoạt động của chúng.
Ông Dũng trực tiếp cùng hơn 10 đồng chí trinh sát bên ngoài của đơn vị biệt động chuyển xuống căn cứ Tân Mỹ Chánh để tiếp cận gần mục tiêu. Qua một thời gian nghiên cứu, Đội Biệt động biết rõ trụ sở của ty là một khu đất rộng, có ba dãy nhà làm việc lợp tole và một dãy nhà của bọn chỉ huy lợp ngói. Cửa chính quay ra đường Lộ Ma.
Ban đêm địch phòng ngự cẩn mật, nhưng ban ngày lại lỏng lẻo, tuy nhiên ban ngày lại là thời điểm chúng có đầy đủ lực lượng cũng như bọn chỉ huy đến làm việc. Từ tình hình đó, Ban Chỉ huy đơn vị đã có ngay phương án sẽ cải trang thành lính địch, đánh địch táo bạo vào ban ngày và đơn vị đã báo cáo xin ý kiến với ông Mười Quỳ, là Thành đội phó phụ trách biệt động lúc đó và ông đồng ý ngay.
Từ nơi Đại đội Biệt động đóng quân, muốn đến Ty Bình định phải đi qua một cánh đồng trồng lúa đã thu hoạch, gốc rạ lõm chõm, đất khô nứt nẻ, xung quanh lưa thưa vài bụi trâm bầu, rộng chừng 3 cây số. Mỗi sáng có một toán lính lùng sục qua cánh đồng, rồi rút về trụ sở xã Tân Mỹ Chánh, ngay sát Quốc lộ 50 ngày nay.
Ban Chỉ huy trận đánh phân công như sau: Mỗi dãy nhà trong Ty Bình định sẽ bố trí một tổ 4 người, 3 chiến sĩ mang súng Tiểu liên và 1 chiến sĩ mang ba lô đựng 20 kg thuốc nổ TNT. Ngoài ra, còn có một tổ chốt chặn đầu, một tổ chi viện phía sau. Lúc đó, lực lượng ta không đủ người nên ông Mười Quỳ điều thêm lực lượng Đại đội 3 của Thành đội tăng cường.
Khó nhất là tìm cho đủ 30 bộ đồ lính địch, 20 khẩu Tiểu liên AR15 của Mỹ. Ngay trong đêm, ông Mười Quỳ đã chỉ đạo xã Tân Mỹ Chánh và Mỹ Phong là hai xã ven Ty Bình định vận động tìm quân phục lính trong dân và vũ khí của anh em du kích. Tới sáng hôm sau, đã gom dư cơ số để trang bị cho toàn đơn vị.
Chỉ huy trận đánh hôm ấy có ông Mười Quỳ là chỉ huy cấp trên, chỉ huy trực tiếp trận đánh có ông Lê Dũng, ông Năm Rậm là Chính trị viên Đội, ông Tư Vịt và các ông cán bộ chỉ huy Đại đội 3. Ông Mười Quỳ cũng cùng tham gia trận đánh nên anh em rất phấn khởi.
Theo phương án, chị Hồng, cán bộ biệt động sẽ ra đồng nắm tình hình, khi thấy ổn thì bộ đội xuất phát. Đi trước đội hình là chiến sĩ Quân, ăn mặc như học trò đi học, làm nhiệm vụ trinh sát cho tốp đi đầu do Tân chỉ huy. Tốp đầu sẽ chốt chặn ngã ba Học Lạc, Lộ Ma. Tốp thứ hai do Thái chỉ huy đánh vào nhà chỉ huy địch. Các tốp khác do Bình, Phùng, Đắc chỉ huy đánh vào ba dãy nhà làm việc của địch. Ngoài ra, còn có lực lượng chốt chặn hướng Bắc và dự bị nữa.
Đến giờ G, chị Hồng đi trước, ngang qua khu vực nhà dân cách mí vườn bộ đội đang tập kết vài trăm mét thì bỗng nhiên chạm một tốp lính ba bốn chục tên đi tuần buổi sáng. Chị Hồng nhanh chân bước vào nhà một người dân để tránh địch, nhưng bọn địch chạy theo và bắt chị dẫn về trụ sở Tân Mỹ Chánh.
Trước tình huống bất ngờ, Ban chỉ huy hội ý và nhận định: Chị Hồng là một cán bộ trung kiên, trải qua nhiều thử thách nên không dễ dàng gì đầu hàng và khai báo. Do đó, kế hoạch đánh địch vẫn theo phương án như cũ.
Đợi bọn lính đi khỏi, Đội trưởng Lê Dũng cho anh em xuất phát. Cả đội hình bình tĩnh hăng hái đi thẳng vào cửa Ty Bình định. Mấy tên lính gác thấy bộ đội tới, tưởng là bọn lính ngụy đi tuần về nên không phản ứng gì. Khi tổ đi đầu vừa tới ngã ba Học Lạc, Lộ Ma, tổ thứ hai quẹo ngay vào cổng gác, các chiến sĩ ta nổ súng hạ mấy tên gác cổng, rồi cả đội hình ập vào bên trong tiến công theo nhiệm vụ được phân công. Đội trưởng Lê Dũng đứng ngay cổng và quan sát thấy anh em đánh đúng theo kế hoạch. Bọn địch hoàn toàn bất ngờ nên không một chút kháng cự.
Bộc phá nổ vang trời, nóc nhà bằng tole bị hất tung cao hàng chục mét. Quả bộc phá cuối cùng đánh vào nhà kho chứa đạn dược và quân trang, một cột khói cao cuộn lên, cháy mãi đến suốt đêm hôm đó, mục tiêu đã hoàn toàn bị tiêu hủy.
Chỉ hơn mười phút chiến đấu, hàng chục tên địch bị tiêu diệt, hàng chục tên khác bị bắt sống nhưng bộ đội chỉ giáo dục bọn này tại chỗ rồi thả ngay tại trận địa. Ngoài ra, bộ đội còn thu được nhiều chiến lợi phẩm như hàng chục khẩu súng, có cả đại liên, súng phóng lựu M79 và 2 máy đánh chữ mới toanh, to đùng cùng nhiều tài liệu khác của địch.
Đơn vị rút ra ngoài chừng hai cây số thì bọn địch phản kích. Chúng bắn pháo 105 ly vào địa hình. Đơn vị về cách địa hình chừng nửa cây số, chỉ huy cho anh em lợi dụng địa hình, địa vật là những bờ mẫu có rặng trâm bầu tạm nghỉ, mặc cho đạn pháo bay xè xè, rít rít qua đầu. Lúc đó, bọn địch còn điều thêm mấy chiếc xe thiết giáp M113 ra lộ 24, tức đường về Gò Công, chúng bắn xối xả vào địa hình, bộ đội ung dung ngồi tán gẫu về trận đánh chớp nhoáng vừa rồi, vì biết rằng địch có cho vàng chúng cũng không dám mò vô truy kích.
Khi pháo địch yên ắng, bộ đội rút về địa hình xã Tân Mỹ Chánh, sau đó về xã Đạo Thạnh, tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh. Anh em rất phấn khởi vì cả đơn vị an toàn, không hy sinh mất mát. Riêng chị Hồng thì bị địch dẫn giải về quận Châu Thành. Chị có giấy tờ hợp pháp và không phát hiện được tang vật gì khác trong người, nên chúng thả chị ra. Chỉ mấy hôm sau, đơn vị được thông báo: Cấp trên quyết định tặng thưởng cho đơn vị Huân chương Chiến công Giải phóng hạng III.
Những tháng đầu năm 1975, vùng giải phóng xung quanh thành phố Mỹ Tho được mở rộng ra, các đồn bót xã ven bị bức hàng, bức rút, chỉ còn các đồn bót trên trục lộ giao thông. Ta gây áp lực mạnh, nhiều lúc còn đánh thọc sâu vào nội thành.
Ở Đạo Thạnh, ta giải phóng hoàn toàn phía bờ Bắc sông Bảo Định. Bộ đội Thành đội từ căn cứ Hốc Đùn xuống ở hẳn ấp 1 và 2, vận động nhân dân rào làng, xây dựng căn cứ. Riêng ở phường 5 có toán phòng vệ xung kích rất hung hăng. Ban ngày chúng mang súng Đại liên M60 ra bờ sông bắn sang ấp 2, xã Đạo Thạnh để phá rối vùng giải phóng.
Chúng thường xuyên xét nhà, hoành hành, đe dọa nhân dân trong phường 5. Vì vậy, đơn vị Biệt động của Đại tá Lê Dũng lên kế hoạch tiêu diệt bọn ác ôn này. Qua công tác điều nghiên quy luật hoạt động của bọn chúng, bộ đội ta biết chúng thường tụ tập ở đường Nguyễn Tri Phương mỗi đầu hôm.
Hôm đó, Đội trưởng Lê Dũng phân công hai chiến sĩ mặc thường phục cầm lựu đạn đi đầu, phía sau là đơn vị Biệt động và Đại đội 2 thành đội tiến ra đường nơi bọn phòng vệ tụ tập. Hai chiến sĩ rút bốn quả lựu đạn ném thẳng vào tốp phòng vệ.
Bốn quả lựu đạn nổ ầm ầm, khói bay mịt mù. Bọn địch hoảng loạn, đứa chết, đứa bị thương kêu la inh ỏi. Bộ đội ta phía sau xông lên nổ súng cấp tập. Bọn địch còn lại tháo chạy, bỏ lại hơn chục khẩu súng, trong đó có hai khẩu Đại liên mà chúng thường mang ra bờ sông bắn bừa bãi sang xã Đạo Thạnh hằng ngày, cùng mấy tên chết và bị thương.
Các chiến sĩ bộ đội triển khai làm chủ một đoạn đường Nguyễn Tri Phương (đường Ấp Bắc ngày nay) vừa làm công tác tuyên truyền vũ trang cho đồng bào, vừa bắt được hơn một chục tên lính mặc quân phục trong khu vực này. Trong tốp lính bắt được, có một tên mập mạp, trắng trẻo, mặc thường phục, nhưng có lối nói năng hơi khác biệt, bộ đội sinh nghi là sĩ quan ngụy nên đưa hắn về vùng giải phóng để phân loại trước khi thả.
Anh em đưa tên này về gặp Đội trưởng Lê Dũng. Sau nhiều giờ hỏi han, tên này một mực khai tên là A Lỳ, ở Chợ Lớn, làm nghề uốn tóc, mấy hôm nay về Mỹ Tho thăm bạn bè. Nghe những câu trả lời giống như học thuộc bài có chuẩn bị sẵn, Đội trưởng Lê Dũng cũng sinh nghi và anh em giữ lại để điều tra tiếp.
Hôm sau qua tin cơ sở ở nội thành, Đội trưởng Lê Dũng nắm được lai lịch chính xác của tên này. Sáng hôm đó, đội trưởng kêu tên này ra gặp một lần nữa. Trong một khoảng sân rộng ở Đạo Thạnh, Đội trưởng Lê Dũng ngồi trên chiếc thùng đạn liên, đối diện với tên này ngồi trên chiếc ghế đôn bằng cây. Đội trưởng Lê Dũng mở lời:
- Anh có biết ông Phan… là Trưởng ty điền địa Định Tường không?
Tên này gương mặt hơi biến sắc: - Dạ…
Đội trưởng hỏi tiếp: - Anh có biết ông Hương Cả… ở Tân Thới không?
Tên này ấp úng, mồ hôi rịn ra trên trán: - Dạ thưa, vậy các ông đã biết…
Đội trưởng cười mỉm: - Anh cầm đầu băng du côn Hoàng P. ở trường Nguyễn Đình Chiểu, đúng không?
Lúc này tên mặt trắng lắm lét: - Dạ, tại mấy thằng bạn xưng tụng em là đầu đảng, chứ em không có băng đảng gì đâu. Các ông đã biết hết về em rồi, em…
Đội trưởng Lê Dũng nói câu cuối cùng: - Anh đang là Trung úy Cảnh sát, phụ trách đội tình báo tổng quát, chuyên tìm cách đánh phá cách mạng trong thành thị, phải không?
Tên mặt trắng run lẩy bẩy: - Em xin khai hết, khai hết, các anh tha cho em tội chết!
Đội trưởng Lê Dũng nghiêm mặt: - Nếu anh thật thà khai báo, biết ăn năn hối cải, chấp hành sự quản lý của cách mạng, thì cách mạng sẽ khoan hồng. Ngược lại, nếu anh ngoan cố thì bị cách mạng trừng trị, thì không ai cứu được anh đâu. Anh làm trong nghề tình báo của cảnh sát thì chắc anh đã hiểu trừng trị là gì, phải không?
Trưởng Ty điền địa Định Tường là cha ruột của P., ông Hương Cả ở Tân Thới là ông nội của P., P. không thể ngờ ông Đội trưởng Biệt động lại biết rõ về thân thế gia đình của hắn như vậy. P. chỉ biết cúi đầu khai nhận sự thật về hoạt động của mình.
Sau cuộc phỏng vấn, ông Lê Dũng lập hồ sơ, biên bản của tên P. trước khi chuyển P. đi qua bộ phận Công an, rồi nói với P.: - Nhớ ăn năn hối cải, chấp hành tốt quy định của trại giam sẽ được sống trở về với gia đình, vợ con.
Một buổi chiều năm 1977, hai năm sau giải phóng, Đại tá Lê Dũng đang làm việc tại đơn vị Thành đội đóng quân trong nội thành thành phố Mỹ Tho thì có chiến sĩ báo cáo có người cần gặp. Đại tá Lê Dũng tiếp một người đàn ông cao to, da ngăm đen. Ông ấy nói: - Ông còn nhớ tôi không? Tôi là P. nè. Ông đã cứu mạng tôi.
Đại tá Lê Dũng chỉ nhớ lại sau khi ông ấy kể đầu đuôi câu chuyện được Đại tá tha mạng gửi qua Công an lúc còn trong thời chiến tranh ác liệt.
Đại tá Lê Dũng cười: - Anh đã tự cứu mình đó chứ. Chính sự hối cải thật thà cải tạo của anh mới được cách mạng khoan hồng.
Ông P. xúc động: - Nếu không có sự giải thích và sự tha thứ của ông khi tôi ngoan cố nói dối về thân phận của mình, thì tôi chắc chắn sẽ chết, không có cơ hội trở về với vợ con và đến để cảm ơn ông.
Tôi nghe những câu chuyện kể về thời chiến tranh chống Mỹ của Đại tá Lê Dũng, tôi hình dung đến những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh. Nhìn đôi mắt ông Dũng hướng ra ngoài phố chợ, người xe tấp nập bán buôn, tôi biết ông đang nghĩ về những người đồng đội đã yên nghỉ, đã hy sinh tính mạng để nhân dân mình được sống trong hòa bình.
Ông Dũng nhớ về những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" của đơn vị Biệt động thành, những đêm dài đằng đẵng ẩn mình vùng ven thành phố Mỹ Tho để chiến đấu giải phóng quê hương. Giờ đây, khi đất nước đã bình yên, tôi cảm nhận được nền hòa bình hiện tại là vô giá.
Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện tên tù Cảnh sát tình báo do Đại tá Lê Dũng kể, tôi hiểu để có được hòa bình, hòa giải dân tộc sau chiến tranh như thế thì có nhiều con đường lắm, một trong những con đường đó là sự bao dung, tha thứ, bằng trái tim rộng mở đầy tính nhân đạo của người chiến sĩ cách mạng. Thế hệ trẻ hôm nay nếu hiểu về quá khứ, hiểu về những mất mát, hy sinh của cha ông, thì chắc chắn mọi người sẽ đồng lòng cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Chia tay Đại tá Lê Dũng, tôi mong ông luôn mạnh khỏe, để hằng năm có dịp kể về những câu chuyện quá khứ hào hùng. Ông là một nhân chứng sống trong lịch sử của thành phố Mỹ Tho thân yêu.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Dũng.