Vượt qua khó khăn, những giáo viên xung phong đi biệt phái góp phần giúp nhiều trường học giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, học sinh yên tâm học tập.
Giáo viên hướng dẫn các em học sinh tại trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Năm học 2023 - 2024, cô Ngô Thị Tú Anh, giáo viên dạy Lịch sử, Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Hồ Tùng Mậu (xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) xung phong đi biệt phái tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sơn Hồng nằm ở xã biên giới Sơn Hồng của huyện Hương Sơn. Chồng cũng là giáo viên, gia đình neo người nhưng cô Tú Anh luôn vượt lên khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô chia sẻ, thấu hiểu khó khăn của ngành Giáo dục, nhất là việc thiếu giáo viên, vì vậy, cô xung phong đi biệt phái. Năm học này là năm thứ hai cô gắn bó với ngôi trường vùng biên. Cô được nhà trường, đồng nghiệp sẻ chia, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên, các giáo viên biệt phái với tinh thần nhiệt huyết và lòng yêu nghề của mình truyền lửa kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng tại trường học vùng cao.
Nhận nhiệm vụ biệt phái tại Trường Trung học cơ sở Tây Sơn (huyện Hương Sơn), cô giáo Đinh Thị Thuận (giáo viên Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Trần Kim Xuyến) còn đảm nhận thêm vai trò dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Văn và ôn luyện cho học sinh lớp 9. Vượt lên khó khăn, áp lực, với tinh thần tận tâm cống hiến, cô Thuận góp sức cùng nhà trường và đồng nghiệp đưa bộ môn Ngữ văn đạt nhiều thành tích, tại Kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp huyện, đội tuyển Trường Trung học cơ sở Tây Sơn có 4 em tham gia đều đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì và 3 giải Ba.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn, việc điều động biệt phái một số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu được xem là chủ trương hợp lý nhằm tạo điều kiện cho giáo viên đã công tác lâu năm tại trường miền núi, xa trung tâm về công tác gần nhà hơn. Ngoài ra, giúp cân đối chuyên môn giữa các trường, góp phần đưa chất lượng giáo dục của trường vùng khó khăn huyện Hương Sơn tiến gần với chất lượng các trường thuận lợi. Từ đó tạo được niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận trong ngành và cộng đồng.
Được biết, hiện nay, đội ngũ giáo viên các cấp học ở huyện Hương Sơn cơ bản đủ theo quy định; tuy nhiên, có sự thừa, thiếu cục bộ do bất cập về cơ cấu bộ môn. Ở cấp Tiểu học, huyện còn thiếu 20 giáo viên văn hóa và 9 giáo viên Tin học - Công nghệ..., trong khi đó, lại thừa 16 giáo viên Mỹ thuật, 7 giáo viên Âm nhạc. Còn ở cấp Trung học cơ sở, huyện thiếu giáo viên Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học... nhưng thừa giáo viên Toán, Ngữ văn.
Những năm qua, nhằm đảm bảo tỉ lệ giáo viên dạy học ở các trường khó khăn, huyện Hương Sơn làm tốt công tác tuyên truyền, động viên giáo viên đang công tác ở vùng thuận lợi lần lượt đến nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường xa trung tâm, vùng khó khăn của huyện. Thời gian biệt phái từ 2 - 3 năm tùy khoảng cách đường đi của mỗi người nhằm đảm bảo sự công bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên biệt phái. Trong năm học 2024-2025, huyện bố trí 13 giáo viên biệt phái đến các trường còn thiếu, trong đó có 1 giáo viên Tiểu học, 12 giáo viên Trung học cơ sở.
Cùng với sự chủ động của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024 - 2025, ở bậc Trung học phổ thông, để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên các bộ môn, đáp ứng nhu cầu dạy học, ngành Giáo dục Hà Tĩnh điều động 53 giáo viên từ các trường Trung học phổ thông ở địa bàn này đến các trường Trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở địa bàn khác.
Nhờ thực hiện tốt việc khảo sát hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên với phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi biệt phái; đến nay, chủ trương biệt phái tại Hà Tĩnh nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, giáo viên biệt phái yên tâm công tác, cống hiến.
Tin, ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)