Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh ở Tây Ninh

Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh ở Tây Ninh
2 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (ảnh Hải Triều)
Qua đó, giúp người dân Tây Ninh và du khách có dịp thưởng thức loại hình nghệ thuật được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình giao lưu di sản văn hóa đặc sắc
Sáng 26.10, tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các nghệ sĩ, nghệ nhân trong đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh biểu diễn dân ca quan họ, giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Đội văn nghệ của Sun World Baden mountain giao lưu các tiết mục biểu diễn trống Chhay dăm và múa mâm vàng.
Tiết mục ca cổ do nghệ sĩ tỉnh Tây Ninh và nghệ sĩ tỉnh Bắc Ninh trình bày (ảnh: Yến Nhi)
Buổi tối cùng ngày, tại hội trường A Tỉnh ủy, diễn ra chương trình giao duyên hai miền di sản Tây Ninh - Bắc Ninh. Tại chương trình này, các ca sĩ, nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh trình bày những tiết mục hát, múa, ca cổ về vùng đất phương Nam, vùng đất Tây Ninh như “Nắng gió phương Nam”, “Về thăm Tây Ninh quê em”, “Tây Ninh miền đất tôi yêu”, múa “Hương Tây Ninh”, hát - múa “Hoa trăng đất Trảng”- dân ca Tây Ninh v.v…
Các nghệ sĩ Nhà hát quan họ tỉnh Bắc Ninh đáp lại bằng những làn điệu dân ca quan họ, những câu hát trao duyên đậm chất Kinh Bắc, như “Tương phùng tương ngộ”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Trầu cau quan họ”, “Người ơi người ở đừng về”… Đặc biệt, chương trình có tiết mục ca cổ “Duyên tình Tây Ninh - Bắc Ninh”, do nghệ sĩ Đông Dương- TTVH tỉnh Tây Ninh và nghệ sĩ Thanh Quý- Phó Giám đốc Nhà hát quan họ tỉnh Bắc Ninh trình bày.
Ngay sau khi chương trình giao duyên hai miền di sản Tây Ninh - Bắc Ninh vừa kết thúc, nghệ sĩ Thanh Quý- Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh tâm sự, khi Nhà hát nhận được nhiệm vụ của tỉnh giao mang dân ca quan họ Bắc Ninh quảng bá tại Tây Ninh, các nghệ sĩ của Nhà hát nói chung, bản thân Thanh Quý nói riêng cảm thấy rất vui và tự hào khi mình được mang dân ca quan họ Bắc Ninh đến với miền đất rất xa xôi, với những người thậm chí chưa được nghe dân ca quan họ. Đến Tây Ninh, chúng tôi rất vui và rất tình cảm khi được cùng tập hát ca cổ với các nghệ sĩ ca cổ Tây Ninh. Ngược lại, các nghệ sĩ ca cổ Tây Ninh tập hát dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, hai loại hình nghệ thuật đã quyện vào nhau và cho thấy có sự bảo tồn, phát triển của hai loại hình nghệ thuật ở hai tỉnh.
Hiểu biết thêm về di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ sĩ Thanh Quý cho biết, hiện nay, 100% người dân Bắc Ninh đều hát được dân ca quan họ. Làn điệu dân ca này đã ngấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bắc Ninh. Ở Bắc Ninh, không chỉ những người nghệ sĩ đi hát quan họ, mà người dân được học dân ca quan họ từ thuở bé. Trong lời câu hát ru của mẹ cũng có những câu dân ca quan họ, vì vậy, người dân được ngấm quan họ từ bé. Dân ca quan họ được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng theo kiểu cha truyền con nối. Thậm chí trong gia đình có đến 3-4 thế hệ đi hát quan họ. Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đang đưa quan họ vào dạy trong trường học, để các em em học sinh gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. “Bản thân tôi biết hát quan họ từ khi còn bé và đi hát quan họ chuyên nghiệp 20 năm nay”, nữ nghệ sĩ cho biết thêm.
Biểu diễn hát dân ca quan họ Bắc Ninh của các nghệ sĩ Nhà hát quan họ tỉnh Bắc Ninh tại Tây Ninh.
Theo nghệ sĩ Thanh Quý, việc tổ chức chương trình giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh với ca cổ của Tây Ninh, đây là sự gắn kết của hai tỉnh, sự giao thoa rất mềm mại giữa hai loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Thanh Quý rất tự hào khi mình là người truyền lửa dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh đến người dân phương Nam, đặc biệt là người dân Tây Ninh. Thanh Quý rất mong bà con Tây Ninh sẽ tìm hiểu và yêu dân ca quan họ Bắc Ninh”, Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh nói.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang- công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh cũng bộc bạch, thông qua chương trình giao lưu di sản văn hóa của hai tỉnh, các nghệ sĩ Tây Ninh học hỏi được rất nhiều về di sản văn hóa cũng như những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Đến với chương trình này, các nghệ sĩ Tây Ninh có những bản tài tử giao lưu với nghệ sĩ Bắc Ninh và ngược lại, các nghệ sĩ Bắc Ninh cũng có nhiều bài dân ca quan họ tặng lại Tây Ninh. Qua đó, hai tỉnh học hỏi lẫn nhau trong việc giữ gìn, phát huy hai loại nghệ thuật di sản văn hoánh phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đông đảo khán giả thích thú theo dõi chương trình giao duyên hai miền di sản Tây Ninh - Bắc Ninh.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang cho hay, để chuẩn bị cho chương trình giao lưu hôm nay, đoàn nghệ sĩ Bắc Ninh đến Tây Ninh sớm trước một ngày để cùng với đội văn nghệ của Trung tâm Văn hóa Tây Ninh tập luyện với các tiết mục Bắc Ninh hát tài tử của Tây Ninh và Tây Ninh hát những làn điệu Dân ca quan họ của Bắc Ninh. Qua thời gian làm quen với Dân ca quan họ Bắc Ninh, bà Trang cảm nhận: “Đối với tôi, những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh rất du dương và tạo cho mình một cảm giác thích thú, yêu thích”.
Bà Trang cho cho hay, trung tuần tháng 11 sắp tới, tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa Tây Ninh sẽ có một chuyến giao lưu di sản văn hóa tại Bắc Ninh. Dự kiến, Tây Ninh đem đến Bắc Ninh chương trình đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể là những bản tài tử của Tây Ninh.
Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành và phát triển trên vùng Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua, được gọi là "dòng sông quan họ". Ngày 30.9.2009, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Hiện nay, dân ca quan họ Bắc Ninh có nhiều hình thức diễn xướng khác nhau như hát Thờ, hát Canh, hát Hội (hay còn gọi là hát giao duyên). Theo các nhà nghiên cứu, dân ca quan họ Bắc Ninh có 213 giọng và hơn 700 lời ca khác nhau, được hình thành, lưu giữ trong 44 làng quan họ gốc và hàng trăm làng quan họ thực hành ở tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, ngoài nhiệm vụ bảo tồn vốn cổ được lưu truyền lại, quan họ đã được thể nghiệm, phát triển bằng nhiều hình thức và phong cách biểu diễn khác nhau cho gần hơn với hơi thở đương đại.
BOX: Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành miền Nam là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Ngày 5.12.2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Năm 2018, Tây Ninh có 185 câu lạc bộ đờn ca tài tử cải lương đang được duy trì sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, 36 gia đình, 30 nghệ nhân là các hạt nhân nòng cốt của nghệ thuật đờn ca tài tử, trong đó có hai nghệ nhân vinh dự được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú là nghệ nhân Đỗ Văn Trượng (nghệ danh Đỗ Thanh Hiền) và nghệ nhân Huỳnh Hữu Trí.
Đại Dương
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/bieu-dien-dan-ca-quan-ho-bac-ninh-o-tay-ninh-a180975.html