Biểu hiện nào cho thấy trẻ bị trầm cảm?

Biểu hiện nào cho thấy trẻ bị trầm cảm?
5 giờ trướcBài gốc
Trẻ mắc trầm cảm phổ biến ở tuổi dậy thì
Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ bị trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn bã, trầm cảm ở trẻ còn biểu hiện dưới nhiều hình thức khác như tự ti, khó hòa nhập xã hội, rối loạn giấc ngủ, chán ăn hoặc ăn uống quá mức. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể xuất hiện suy nghĩ tiêu cực về cái chết hoặc hành vi tự tử.
Ảnh: minh họa
Phân tích của các chuyên gia cho thấy trầm cảm ở trẻ em phổ biến nhất ở lứa tuổi dậy thì, với các triệu chứng như buồn bã kéo dài, mất hứng thú trong các hoạt động yêu thích, mệt mỏi, khó tập trung, cảm giác vô giá trị, suy nghĩ tiêu cực.
Những trẻ từ 6 - 10 tuổi có những rối loạn tâm trạng hỗn hợp, thường biểu hiện qua sự khó chịu, cáu gắt, nóng giận vô cớ, đôi khi có xu hướng làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Triệu chứng kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ, như mệt mỏi, buồn bã, khó ngủ, bi quan.
Theo một chuyên gia tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM), trầm cảm ở trẻ em là một vấn đề tâm lý phức tạp, có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa và đa dạng. Trong đó, áp lực học tập là một yếu tố thường thấy, khi trẻ bị so sánh thành tích hay phải gánh chịu những kỳ vọng quá lớn từ gia đình, chúng dễ rơi vào cảm giác mệt mỏi, tự ti và bế tắc.
Bạo lực học đường cũng là một nguyên nhân âm thầm nhưng đầy tổn thương – những lời trêu chọc, sự cô lập hay hành vi bắt nạt từ bạn bè có thể để lại vết hằn sâu trong tâm hồn non nớt.
Trong gia đình, nếu cha mẹ thường xuyên xung đột, thiếu quan tâm hoặc không thể hiện tình yêu thương đúng cách, trẻ dễ cảm thấy lạc lõng và không an toàn. Những biến cố lớn như cái chết của người thân, cha mẹ ly hôn hay các trải nghiệm lạm dụng càng khiến tâm lý trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò không nhỏ, nếu trong gia đình có người từng mắc trầm cảm, nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng sẽ cao hơn.
Dấu hiệu sớm nhận biết trầm cảm ở trẻ
Vậy để các bậc phụ huynh có thể nhận biết sớm con mình có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm là gì? Theo chuyên gia tâm lý trẻ em, những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em thường hiện lên một cách âm thầm nhưng rõ nét.
Theo đó, trẻ buồn bã kéo dài, mất hứng thú với những điều từng yêu thích; khả năng tập trung giảm sút, kết quả học tập theo đó cũng đi xuống; giấc ngủ trở nên thất thường, hoặc trằn trọc khó ngủ, hoặc ngủ mê mệt không tỉnh táo, kèm theo sự mệt mỏi triền miên; trẻ có thể chán ăn, hoặc ăn quá nhiều, khiến cân nặng thay đổi bất thường. Đặc biệt, trong sâu thẳm bên trong của trẻ là cảm giác tự ti, vô dụng, những suy nghĩ tiêu cực bủa vây… và nguy hiểm hơn cả, là ý định hoặc hành vi tự làm tổn thương bản thân.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, phần lớn nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ bắt nguồn từ chính những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống thường ngày.
Vì vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể góp phần ngăn ngừa trầm cảm cho con bằng những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Cụ thể, cha mẹ cùng con duy trì một lối sống khoa học, tích cực vận động thể chất mỗi ngày; hướng dẫn trẻ cách xây dựng và giữ gìn những mối quan hệ lành mạnh, biết nói “không” với những tương tác độc hại; chọn lựa môi trường học đường an toàn, thân thiện để con cảm thấy được tôn trọng và bảo vệ; giúp trẻ cân bằng thời gian học, chơi, nghỉ ngơi – tránh để áp lực trở thành gánh nặng.
Ngoài ra, phụ huynh cần phải đảm bảo cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi để cơ thể và tinh thần trẻ cùng phát triển khỏe mạnh.
Trong trường hợp trẻ có các triệu chứng trên kéo dài trên hai tuần hoặc có xu hướng tự gây tổn thương bản thân, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên gia tâm lý. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp các em vượt qua khó khăn và phát triển lành mạnh.
Bình Thuận
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/bieu-hien-nao-cho-thay-tre-bi-tram-cam-232496.html