Tại hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (thay thế), Bộ Tài chính cho biết Luật Thuế TNCN hiện hành quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế.
Biểu thuế rút từ 7 bậc còn 5 bậc
Tuy nhiên, thực tế có quan điểm cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Bộ Tài chính cũng cho biết qua nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp.
Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi Biểu thuế. Cụ thể, phương án 1 như sau:
Phương án 2:
Số thuế phải nộp của người dân đều được giảm
Ở cả hai phương án, số bậc trong biểu thuế đều giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc và mức thuế suất cao nhất đều là 35%.
Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số lượng bậc thuế sẽ góp phần đơn giản hóa công tác quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho việc kê khai, tính thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới. Thực hiện theo phương án 1 và phương án 2 đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai phương án là khác nhau.
Với phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì cá nhân đang có thu nhập ở bậc 1 đều được giảm thuế. Còn các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay.
Biểu thuế lũy tiến 7 bậc theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Đồ họa: MINH TRÚC
Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu/tháng sẽ được giảm 850.000/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...
Với phương án 2, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương phương án 1 và đối với cá nhân có thu nhập tính thuế trên 50 triệu đồng/tháng thì mức độ giảm sẽ nhiều hơn phương án 1.
Vì vậy số thu ngân sách nhà nước ở phương án 2 sẽ giảm nhiều hơn phương án 1.
22 loại thu nhập được miễn thuế
Ngoài ra, tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất danh mục các khoản thu nhập được miễn thuế, không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Đó là các khoản thu nhập từ chuyển nhượng, thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa người thân trong gia đình; thu nhập từ chuyển nhượng nhà, đất ở duy nhất của cá nhân; thu nhập từ quyền sử dụng đất do Nhà nước giao; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa chế biến; sản xuất muối; lợi tức hợp tác xã và các chương trình nông nghiệp liên kết có thể được miễn thuế.
Ngoài ra là thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp, lãi trái phiếu Chính phủ, tiền gửi, bảo hiểm nhân thọ, kiều hối và tiền công làm đêm, làm thêm giờ; lương hưu và học bổng từ ngân sách hoặc tổ chức trong, ngoài nước cũng được cân nhắc không tính thuế.
Các khoản bồi thường theo quy định, bao gồm bảo hiểm, tai nạn lao động, bồi thường nhà nước và thu nhập từ quỹ từ thiện, viện trợ nhân đạo có thể được miễn thuế.
Thu nhập của thuyền viên Việt làm việc cho tàu nước ngoài hoặc tàu Việt vận tải quốc tế, thu nhập từ đánh bắt xa bờ và chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh lần đầu.
Thu nhập từ lương, công của cá nhân làm nhiệm vụ khoa học, xây dựng pháp luật, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước.
Hay thu nhập của nhà đầu tư, chuyên gia, sáng lập viên khởi nghiệp, người góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm; thu nhập từ quyền tác giả, chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp khởi nghiệp và thu nhập sau thuế của doanh nghiệp do cá nhân làm chủ, đều được đề xuất miễn thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo có thể được giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại, không vượt quá số thuế phải nộp.
Người Việt làm việc tại cơ quan Liên Hợp quốc ở Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tham gia dự án ODA không hoàn lại hoặc dự án phi chính phủ được đề xuất miễn thuế TNCN với thu nhập từ lương, công.
Chuyên gia, nhà khoa học tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu hoặc tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có thể được miễn thuế 2 năm đầu, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.
Nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có thể được giảm 50% thuế TNCN.
MINH TRÚC