Trụ sở Meta tại Menlo Park, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Giới vận động hành lang kỳ vọng chính quyền Trump sẽ sớm có động thái đáp trả, đặc biệt là với Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU.
Theo tờ Politico, Apple bị Ủy ban châu Âu phạt 500 triệu euro, còn Meta bị phạt 200 triệu euro trong loạt biện pháp đầu tiên được triển khai theo DMA - bộ quy định cạnh tranh kỹ thuật số có hiệu lực từ năm 2024. Ngoài án phạt, cả hai tập đoàn cũng bị yêu cầu thay đổi mô hình kinh doanh. Các quy định mới bị phía Mỹ chỉ trích là nhắm không công bằng vào các doanh nghiệp công nghệ lớn của nước này.
Ngay sau khi các án phạt được công bố, đại diện Meta cùng các nhóm vận động hành lang công nghệ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Meta gọi đây là hình thức thuế quan gián tiếp - một cách diễn giải gây tranh cãi về mặt pháp lý nhưng được cho là nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump. Ông Joel Kaplan - Giám đốc phụ trách toàn cầu của Meta - cho rằng các biện pháp này tương đương với việc áp thuế hàng tỷ USD lên công ty, đồng thời buộc Meta cung cấp dịch vụ với chất lượng thấp hơn.
Ông Kay Hazemi-Jebelli, Giám đốc cấp cao tại tổ chức vận động Chamber of Progress - được Apple tài trợ một phần - cho rằng đây là sự leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương và vấn đề này cần được đưa vào chương trình nghị sự của chính quyền Mỹ.
Phản ứng trước diễn biến trên, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ra tuyên bố gọi các mức phạt của EU là “một hình thức cưỡng ép kinh tế mới” và khẳng định sẽ không chấp nhận. Phát ngôn viên Brian Hughes nhấn mạnh rằng các quy định ngoài lãnh thổ nhằm vào doanh nghiệp Mỹ đang làm suy yếu đổi mới và đe dọa xã hội dân sự tự do, đồng thời kêu gọi chấm dứt “vòng xoáy điều tiết” từ phía Brussels.
Bà Katie Harbath, cựu Giám đốc chính sách công của Meta, nhận định việc Meta mô tả các quy định của EU là “thuế quan” là nỗ lực nhằm gắn vấn đề này với cuộc chiến thương mại dưới thời ông Trump. Theo bà, nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp tương tự lên các tập đoàn công nghệ khác như X (trước đây là Twitter), chính quyền Mỹ có thể cân nhắc biện pháp trả đũa, bao gồm cả khả năng áp thuế.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính quyền Trump và các tập đoàn công nghệ vẫn được đánh giá là khó lường. Dù nhiều CEO công nghệ từng công khai tiếp cận ông Trump, chính phủ Mỹ vẫn đang theo đuổi các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Meta, Apple và các tập đoàn công nghệ lớn khác.
Hiện chưa có thông tin chính thức về việc chính quyền Mỹ có đưa DMA của EU vào nội dung đàm phán thương mại song phương trong thời gian tới hay không.
Về phía doanh nghiệp, người phát ngôn của Apple từ chối trả lời câu hỏi liệu công ty có mong muốn đưa vấn đề này vào bàn đàm phán hay không, nhưng cho biết các yêu cầu mới từ phía EU đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền riêng tư và an ninh của người dùng, đồng thời ép buộc Apple phải chia sẻ công nghệ cốt lõi một cách miễn phí.
Phía Meta dẫn báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố tháng trước, trong đó DMA được xếp vào dạng “rào cản thương mại phi thuế quan” và khẳng định tập đoàn này sẽ không ngần ngại đề nghị chính phủ Mỹ hành động để bảo vệ lợi ích của ngành công nghệ Mỹ.
Theo kế hoạch, ngày 25/4, ông Valdis Dombrovskis - Ủy viên phụ trách kinh tế của EU - sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Washington, trong bối cảnh căng thẳng chính sách công nghệ và thương mại giữa hai bên tiếp tục gia tăng.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc