Hàng nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ đã bị cuốn bay. Ảnh: Independent.
Phố Wall khởi đầu tuần mới đầy tiêu cực khi thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc sau đợt bán tháo lịch sử cuối tuần trước, cuốn bay hàng nghìn tỷ USD khỏi giá trị cổ phiếu do ảnh hưởng từ các biện pháp áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump.
Chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm 1.250 điểm (-3%), trong khi S&P 500 mất gần 4%, còn Nasdaq lao dốc tới 5%.
Nhóm “Magnificent 7” gồm 7 công ty công nghệ lớn của Mỹ là Apple, Microsoft, Nvidia, Alphabet, Amazon, Meta và Tesla - những cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong vài năm qua - cũng đã bốc hơi gần 2.000 tỷ USD vốn hóa chỉ trong vài ngày, theo AP.
Các cổ phiếu thuộc ngành hàng không vũ trụ, nông nghiệp, thiết bị hạng nặng là những lĩnh vực có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng, hàng không và vốn hóa nhỏ tại Mỹ cũng nằm trong diện giảm mạnh. Các doanh nghiệp bán lẻ, thời trang và nhà hàng ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Trong hai ngày sau thông báo tăng thuế của ông Trump, chỉ số S&P 500 đã mất 10,5%, tương đương 5.000 tỷ USD vốn hóa, mức giảm mạnh nhất trong hai ngày kể từ tháng 3/2020. Tính từ mức đỉnh lịch sử hôm 19/2, S&P 500 hiện đã giảm hơn 17%.
Theo thống kê của Bespoke Investment Group, nếu thị trường kết thúc phiên thứ Hai ở quanh mức giá thấp này, đây sẽ là đợt bán tháo kéo dài 3 ngày tồi tệ nhất kể từ “cú sập” năm 1987 của chứng khoán Mỹ.
Trước tình hình này, Evercore ISI hôm 6/4 đã hạ dự báo chỉ số S&P 500 cuối năm xuống còn 5.600 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức 6.800 điểm đưa ra trước đó, do lo ngại những bất ổn kéo dài từ các chính sách thuế quan toàn diện của Nhà Trắng với đối tác thương mại.
Tâm lý bi quan bao trùm Phố Wall khi nỗi sợ suy thoái gia tăng. Các chuyên gia của AP nhận định thuế quan thực chất là “thuế doanh nghiệp” được chuyển sang người tiêu dùng. Nếu giá hàng hóa và dịch vụ tăng, người tiêu dùng có thể phải thắt chặt chi tiêu, từ đó kéo giảm nhu cầu tiêu dùng, vốn chiếm khoảng 70% GDP Mỹ. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, tăng nguy cơ suy thoái.
JPMorgan dự báo gói thuế quan mới sẽ làm tăng gánh nặng thuế của người Mỹ thêm 660 tỷ USD/năm, mức cao chưa từng có trong thời gian gần đây và đẩy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng thêm 2%, khiến lạm phát vốn đã cao càng thêm căng thẳng.
Nếu các mức thuế mới được duy trì, JPMorgan cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu trong năm 2025 là rất lớn. Ngân hàng này đã nâng xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lên 60%, trong khi Goldman Sachs cũng tăng dự báo khả năng suy thoái trong 12 tháng tới lên khoảng 35%.
Hồng Nhung