Bình dân học vụ số: 'Đi tắt đón đầu' để bước vào kỷ nguyên mới

Bình dân học vụ số: 'Đi tắt đón đầu' để bước vào kỷ nguyên mới
3 ngày trướcBài gốc
Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.
Các chuyên gia nhìn nhận, đây là bước đột phá trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Vận dụng từ phong trào bình dân học
PGS.TS Đỗ Văn Hùng. Ảnh: USSH
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là điểm mới bởi hiện chúng ta chưa có văn bản pháp lý quy định về năng lực số; đồng thời là bước đột phá của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Mục tiêu của Thông tư là giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số và là nền tảng cho việc học tập suốt đời. Qua đó, giúp người dạy xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển năng lực số nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học. Đồng thời, tạo điều kiện cho tất cả người học có cơ hội tiếp cận và phát triển năng lực số, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 nêu rõ: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Có thể thấy, để đạt mục tiêu này, chúng ta cần nguồn nhân lực có năng lực số để thực thi 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Việc ban hành thông tư này cũng là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nguồn nhân lực số, tạo điều kiện cơ bản cho chuyển đổi số thành công. So với các khung năng lực hiện nay đã ban hành trên thế giới, dự thảo Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bổ sung thêm miền năng lực trí tuệ nhân tạo tạo sinh - đây là điểm cập nhật của Khung. Với sự phát triển và tác động ngày càng mạnh mẽ của AI như hiện nay, việc bổ sung năng lực này cần thiết và có tính chiến lược.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tốp đầu về tỷ lệ người biết đọc, viết. So với bây giờ, chúng ta thuận lợi hơn nhiều và hoàn toàn có thể triển khai thành công “Bình dân học vụ số” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, chúng ta có thể học hỏi từ phong trào Bình dân học vụ trước đây. Cụ thể:
Thứ nhất, huy động toàn dân: Khuyến khích thúc đẩy phong trào phát triển năng lực số từ gia đình, nhà trường, công sở, doanh nghiệp. Huy động nguồn lực Nhà nước và xã hội để thúc đẩy phát triển năng lực số cho mọi người. Chúng ta có gia đình số, bố mẹ số, ông bà số, công sở số, trường học số, doanh nghiệp số, công nhân số....
Thứ hai, sách giáo khoa, nền tảng học tập và tài liệu: Chính phủ, Bộ GD&DT chủ trương xây dựng và phát hành tài liệu đơn giản, dễ hiểu, các học liệu số chia sẻ dùng chung, các nền tảng học tập miễn phí… để mọi đối tượng có thể sử dụng.
Thứ ba, phương pháp giáo dục: Áp dụng phương pháp dạy học thực tiễn, dễ tiếp cận, nhấn mạnh tính thực hành hơn lý thuyết, áp dụng công nghệ số vào giảng dạy, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ: Các chính sách khuyến học như động viên tinh thần, tuyên dương tập thể và cá nhân đạt thành tích tốt hoặc có sáng kiến trong thúc đẩy phát triển năng lực số cho người học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ.
TS Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội: Phản ánh sự tiến bộ và yêu cầu của thời đại số
TS Trương Tiến Tùng. Ảnh: HOU
Dự thảo “Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân” mang đến nhiều điểm mới quan trọng, phản ánh sự tiến bộ và yêu cầu của thời đại số. Tôi cho rằng, có một số điểm nổi bật như:
Cấu trúc 6 miền năng lực tích hợp AI. Lần đầu tiên, Khung năng lực số tại Việt Nam tích hợp khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) vào hệ thống giáo dục. Điều này phản ánh xu hướng toàn cầu về ứng dụng AI trong học tập và làm việc.
Cách tiếp cận toàn diện và liên thông. Khung năng lực số không chỉ tập trung vào kỹ năng sử dụng công nghệ mà còn mở rộng sang các khía cạnh như giao tiếp, sáng tạo nội dung, an toàn mạng và giải quyết vấn đề trong môi trường số. Đề xuất 24 năng lực thành phần được chia thành 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia, giúp người học phát triển từng bước một cách hệ thống.
Hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế. Dự thảo tham chiếu từ Khung năng lực DigComp 2.2 của châu Âu, đảm bảo tính hội nhập quốc tế nhưng vẫn điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Giảm khoảng cách số và mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ. Mục tiêu giảm chênh lệch giữa các vùng miền và tạo cơ hội bình đẳng để mọi học sinh, sinh viên có thể tiếp cận và phát triển năng lực số.
Tăng cường hướng dẫn và ứng dụng thực tiễn. Khung này được dùng làm căn cứ để thiết kế chương trình học, tài liệu giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá. Đồng thời, nó có thể tích hợp vào đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên.
Tôi cho rằng, những cải tiến này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu và thế giới số hóa.
Để tích hợp năng lực số vào chương trình đào tạo hiện có trong các nhà trường, theo tôi cần tiếp cận toàn diện và có hệ thống, bao gồm các bước chính sau:
Một là, xây dựng kế hoạch tích hợp rõ ràng. Theo đó, cần đánh giá hiện trạng, bao gồm: Xác định mức độ năng lực số hiện tại của học sinh, giáo viên và các tài nguyên số sẵn có trong trường học. Ngoài ra, áp dụng các chuẩn như dự thảo Khung năng lực số để làm căn cứ phát triển chương trình. Cùng đó, liên kết với mục tiêu giáo dục như: Đảm bảo năng lực số phù hợp với yêu cầu của từng cấp, ngành học và mục tiêu của chương trình hiện hành.
Học sinh Trường THCS Trung Đô (Nghệ An) tham gia cuộc thi robot do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Hai là, điều chỉnh và tích hợp vào chương trình học; trong đó cần tập trung vào các chủ đề như: Tích hợp nội dung số. Cụ thể, chúng ta có thể đưa các chủ đề liên quan đến kỹ năng số vào các môn học hiện có, chẳng hạn như: Khai thác dữ liệu và thông tin trong môn Ngữ văn hoặc giao tiếp số trong môn Ngoại ngữ.
Ngoài ra, phát triển các môn học mới tập trung vào công nghệ thông tin, an toàn mạng và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, cần cập nhật tài liệu giảng dạy, gồm: Sử dụng học liệu số và công nghệ như video, bài giảng trực tuyến để bổ trợ.
Ba là, đào tạo và nâng cao năng lực cho giáo viên. Theo đó, chúng ta có thể tổ chức các khóa bồi dưỡng trang bị cho giáo viên kỹ năng sử dụng công nghệ và dạy học theo phương pháp tích hợp số. Đồng thời, hỗ trợ công cụ và tài nguyên bằng cách cung cấp các nền tảng công nghệ, hướng dẫn để giáo viên áp dụng trong giảng dạy.
Bốn là, triển khai hạ tầng công nghệ. Cụ thể, cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư vào thiết bị, kết nối Internet và phần mềm phục vụ học tập. Mặt khác, ứng dụng công nghệ số thông qua việc sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến, phần mềm quản lý học tập (LMS) và công cụ AI để hỗ trợ giảng dạy.
Năm là, kiểm tra, đánh giá và cải tiến liên tục thông qua đo lường hiệu quả như: Sử dụng các công cụ đánh giá để kiểm tra năng lực số của học sinh theo từng cấp độ. Bên cạnh đó, chúng ta cần cải tiến nội dung và phương pháp. Dựa trên phản hồi và kết quả đánh giá, chúng ta có thể điều chỉnh phù hợp.
Sáu là, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Theo đó, cần kết nối với các công ty công nghệ để đưa công nghệ hiện đại vào giảng dạy và tổ chức các buổi thực hành; đồng thời thúc đẩy tham gia dự án quốc tế thông qua tham khảo các mô hình thành công từ nước ngoài để áp dụng tại Việt Nam. Các bước này cần được thực hiện linh hoạt và đồng bộ để bảo đảm chương trình đào tạo vừa giữ được bản sắc, vừa đáp ứng yêu cầu của thời đại số.
Hiện, khối phổ thông có nhiều dự án hay như: Lớp học không biên giới của nhiều thầy, cô giáo đã kết nối vùng miền, trong nước với nước ngoài để học sinh không bị “đóng khung trong 4 bức tường”. Theo đó, các em được giao lưu, học hỏi bạn bè trên khắp năm châu. Ngoài ra, còn có phong trào hỗ trợ nhau học tiếng Anh giữa các tỉnh cho học sinh vùng cao...
Như vậy, kỹ năng số đã len lỏi vào giáo viên, học sinh và các trường. Nếu chúng ta có môi trường học tập số thì học sinh vùng cao, khó khăn sẽ được học với các thầy, cô giáo giỏi ở thành phố. Muốn vậy, cần có môi trường, lộ trình cụ thể để học sinh, giáo viên được tích lũy ý thức khai thác môi trường số của xã hội phục vụ cho học tập, giảng dạy.
Nhìn chung, Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân là hợp lý. Nên chăng, cần có khung năng lực công dân số quốc gia tương đồng với quốc tế để công dân Việt Nam dễ dàng hội nhập với thế giới (công dân toàn cầu). Trên cơ sở đó, mỗi ngành, địa phương sẽ tham chiếu để có thể chi tiết hơn, phù hợp với ngành, địa phương.
Có như vậy mới có thể thực hiện được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Bình dân học vụ số”. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, muốn thành công chuyển đổi số hãy có “công dân số”, “xã hội số”. Rõ ràng “Bình dân học vụ số” là con đường nhanh nhất giúp chúng ta “đi tắt đón đầu” để bước vào kỷ nguyên mới.
Thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế): Cần có văn bản hướng dẫn hoặc chương trình chung
Thầy Hoàng Minh. Ảnh: USSH
Tới đây, Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn hoặc chương trình chung để các cơ sở giáo dục trên toàn quốc triển khai đồng bộ về Khung năng lực số. Hiện, nhiều địa phương còn khó khăn về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất cho việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Do đó, cần có sự đánh giá chung để ban hành khung chương trình thực hiện chung cho toàn quốc.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã có chế tài yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giờ học và cho học sinh sử dụng điện thoại thì nên có các quy định để đảm bảo quá trình tiếp thu bài của các em được tốt nhất.
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Tập đoàn EMG Group, Chủ tịch ICDL Việt Nam: “Để đảm bảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau khi được ban hành) triển khai thành công ở tất cả cấp, bậc học, việc đầu tiên chúng ta phải đào tạo và đánh giá Khung năng lực số của những người tham gia công tác quản lý, giảng dạy về công nghệ thông tin, năng lực số. Tôi cho rằng, khi xây dựng Khung năng lực số, nội dung giáo trình nên là học liệu mở, nhằm chia sẻ, tái sử dụng các kiến thức một cách rộng rãi…”.
Minh Phong (Thực hiện)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/binh-dan-hoc-vu-so-di-tat-don-dau-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post713147.html