Bình Định 'đánh thức' tiềm năng du lịch đường sắt

Bình Định 'đánh thức' tiềm năng du lịch đường sắt
2 ngày trướcBài gốc
Đó là chia sẻ của ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - tại hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa" diễn ra tại Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào sáng 31/3.
Đây cũng là một những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975-31/3/2025).
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thu Dịu
Tạo một trải nghiệm mới mẻ cho du khách
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định - cho hay, du lịch đường sắt là một sản phẩm mới giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của các vùng miền. Đây là một sản phẩm du lịch bắt đầu được du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế ưa thích.
Khách du lịch đến Bình Định bằng đường tàu hỏa bắt đầu tăng. Ảnh: Thu Dịu
Điểm thuận lợi của Bình Định đó là nằm trên cung đường sắt Bắc – Nam, có ga Diêu Trì là điểm dừng chân của các chuyến tàu. Việc tính toán khai thác các chuyến tàu chapter/toa tàu chapter để phục vụ du khách rất thuận lợi. Có tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì dài 10km là tuyến đường nhánh hiện hằng ngày chỉ tổ chức chạy một đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn – Quy Nhơn), do đó rất phù hợp tổ chức khai thác các chuyến tàu du lịch.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Dịu
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh chia sẻ, để khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương.
Trong khi đó, trao đổi tại hội thảo, ông Hà Trọng Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Việt Nam - cho rằng, tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì rất phù hợp để khai thác các chuyến tàu du lịch. Đơn vị đề nghị tỉnh và các đơn vị lữ hành nghiên cứu phương án tổ chức chạy hằng ngày 2-3 đôi tàu du lịch Quy Nhơn – Diêu Trì; xây dựng các điểm check-in, đường hoa... để du khách trải nghiệm. Về phía Công ty CP Vận tải Đường sắt, tiếp tục nâng cao chất lượng, cải thiện chất lượng các toa tàu; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định để xây dựng các tour trọn gói phục vụ du khách.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, khách du lịch đến Bình Định lựa chọn phương tiện đường sắt qua các ga Diêu trì, ga Quy Nhơn, ga Phú Yên có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Sở cho thấy, hằng ngày, lượng khách đi tàu đến ga Diêu Trì và Quy Nhơn gần 600 khách, đặc biệt Bình Định đã đưa vào khai thác 2 chuyến tàu hỏa du lịch hạng sang tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn; Nha Trang – Quy Nhơn.
Phải xây dựng kế hoạch bài bản, tour tuyến phù hợp
Trao đổi tại hội thảo, ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định - cho rằng, ngành đường sắt phải có thông tin công khai, cụ thể về giá tour, giá vé tàu cho du khách (bao gồm cả khách đoàn và khách lẻ) khi mua tour tàu chapter về Bình Định. Bởi vì theo ông Trần Việt Anh, có nhiều đơn vị lữ hành, du khách đã đặt vấn đề giá vé của những đơn vị nhỏ, lẻ mua cao hơn so với mua qua những đơn vị lớn. Điều này làm ảnh hưởng tới lựa chọn của du khách.
Cùng với giá vé, dịch vụ, chất lượng phục vụ trên các chuyến tàu du lịch là vấn đề được quan tâm. Thông qua trải nghiệm trong hoạt động famtrip vừa qua tại Bình Định, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết, chất lượng trên các toa tàu chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách (ẩm thực, nghỉ dưỡng và các sinh hoạt chung...).
Du khách tham khảo thông tin tại Ga Quy Nhơn khi đặt chân tới ga. Ảnh: Trung Nguyễn.
Đưa ra góp ý với hội thảo, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch bằng đường tàu hỏa là một sản phẩm rất thú vị. Nhưng để làm được một tour du lịch bằng tàu hỏa về Bình Định, ngành du lịch tỉnh, các đơn vị lữ hành, các hiệp hội liên quan cần phải ngồi lại với nhau; bàn giải pháp và xây dựng kế hoạch bài bản.
"Ngoài việc nâng cao chất lượng đoàn tàu phục du khách, trải nghiệm đường sắt cũng nên nâng cấp dịch vụ, chất lượng các toa tàu cũng phải cải thiện. Đối với cước phí vận chuyển phải cạnh tranh để thu hút được du khách. Ngành vận tải đường sắt phải có cam kết cụ thể, mức giá, tour... phải rõ ràng. Ở đây chúng ta bàn câu chuyện liên kết phát triển, do vậy chúng ta phải nỗ lực. Chẳng hạn, như Công ty CP Vận tải Đường sắt đề xuất tỉnh đầu tư nâng cấp các toa tàu, điều này là không phù hợp tinh thần hợp tác win-win, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các đường hoa, điểm dừng chân check –in; việc nâng cấp sản phẩm thì doanh nghiệp nỗ lực, phải lấy ngắn nuôi dài. Nhà nước sẽ hỗ trợ đồng hành, từ đó mới tạo ra được sản phẩm du lịch mới", ông Giang cho hay.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Dịu
Tương tự, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch đường sắt là loại hình có nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, chạy qua nhiều vùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng núi, ven biển; du lịch bằng đường sắt được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá về tiềm năng du lịch bằng đường sắt của Bình Định. Ảnh: Thu Dịu
Bình Định là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt nhờ vào vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch hấp dẫn; có ga Diêu Trì – một trong những ga lớn nhất khu vực miền Trung, đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường sắt; ga Quy Nhơn là một nhánh của tuyến đường sắt, thuận tiện cho du khách di chuyển vào trung tâm thành phố và đến các điểm du lịch ven biển.
Đường sắt đi qua khu vực gần biển là cơ sở để khai thác các chuyến tàu ngắm cảnh ven biển, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, những bãi biển tuyệt đẹp có thể kết nối với ga tàu thông qua hệ thống xe trung chuyển. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa Chăm cùng những địa danh gắn liền với lịch sử Tây Sơn – Nguyễn Huệ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình du lịch bằng tàu hỏa đến với Bình Định.
Sơn Tùng – Thu Dịu
Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa" nhằm tăng cường hợp tác giữa các công ty lữ hành quốc tế tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, khai thác tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch từng địa phương, hình thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là khai thác tuyến đường sắt liên kết giữa các địa phương trong khu vực. Đồng thời liên kết các nguồn khách du lịch từ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đến Bình Định và các tỉnh, thành trong khu vực; cũng như giới thiệu các chương trình kích cầu và sản phẩm du lịch mới của Bình Định.
Lễ ký kết giữa một số Hiệp hội du lịch, Chi hội lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành với Bình Định về liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Ảnh: Thu Dịu
Trong khuôn khổ Hội thảo, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm dịch vụ; ký kết giữa một số Hiệp hội du lịch, Chi hội lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành với Bình Định về liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/binh-dinh-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-duong-sat-204250331150936156.htm