Trong báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, UBND tỉnh Bình Định đề cập, hiện nay, tỉnh đang xúc tiến triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp Phù Mỹ với diện tích khoảng 820 ha được định hướng tập trung phát triển, hình thành các phân khu chuyên ngành lĩnh vực hóa chất như dự án hydrogen xanh, amoniac xanh…
Đáng chú ý, tại khu công nghiệp này, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ dự kiến đầu tư Dự án Sản xuất hydrogen xanh với công suất giai đoạn 1 từ 450 đến 500 MW (thí điểm 50 MW) từ năm 2026 – 2030; giai đoạn 2 có công suất 2.000 MW từ năm 2030 - 2035.
Sản lượng hydrogen tạo ra khoảng 20.000 tấn hydrogen/năm trong giai đoạn 1 và và 160.000 tấn hydrogen/năm trong giai đoạn 2. Dự kiến, dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị từ nhà cung cấp Siemens Energy và các nước G7.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, dù “doanh nghiệp dự kiến đầu tư trong tương lai” nhưng có các khó khăn vướng mắc như chi phí đầu tư bộ điện phân và điện gió ngoài khơi hiện còn cao; chưa làm chủ được công nghệ, giá thành sản xuất hydrogen xanh cao, khó khăn về tính cạnh tranh; các thiết bị sử dụng hydrogen xanh trong nước chưa phổ biến dẫn đến khó khăn về nhu cầu đầu ra tiêu thụ tại chổ; dự án cần nguồn vốn rất lớn…
Do đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Công thương có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án sản xuất hydrogen xanh; cần có chính sách để thu hút vốn đầu tư.
Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ là doanh nghiệp có văn bản đăng ký việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp, chuyên dụng phục vụ Khu công nghiệp Phù Mỹ. Công ty này do 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Mandala, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt và Công ty cổ phần Đầu tư Cảng biển Việt Nam.
Trước đó, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt và các đối tác (Green Tech, Tre Việt…) cũng đang tìm hiểu nghiên cứu khảo sát Dự án Tổ hợp sản xuất hydro, Cảng tổng hợp và Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ, vốn đầu tư dự kiến là 21.000 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Định, liên quan đến ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã thu hút 19 dự án, cơ sở sản xuất với tổng vốn đầu tư 269,9 tỷ đồng; có 125 doanh nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất với tổng vốn đầu tư 2.115,6 tỷ đồng (118 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 1.879,5 tỷ đồng và 7 dự án đang triển khai với vốn đầu tư 236,1 tỷ đồng).
Đối với ngành hóa được, Bình Định có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc và chưa triển khai sản xuất nguyên liệu hóa dược. Trong đó, 4 nhà máy hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.143,7 tỷ đồng; 2 dự án của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định đang triển khai xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A (gồm Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ vốn đầu tư 840 tỷ đồng và Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non –Betalactam vốn đầu tư 350 tỷ đồng).
UBND tỉnh này đánh giá, tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp sản xuất hóa dược, sản xuất các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao, quy mô lớn. Nguyên nhân là việc đầu tư, hình thành các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn đòi hỏi quỹ đất đủ lớn, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (nhất là công trình hạ tầng bảo vệ môi trường) ở cách xa khu dân cư, có yêu cầu cao về công tác quản lý, kiểm soát an toàn hóa chất nên gặp khó khăn tìm kiếm địa điểm.
Do đó, Bình Định kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ địa phương xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất hóa dược công nghệ cao theo tiêu chuẩn GMP-EU; sản xuất hydrogen/amoniac xanh.
Nguyễn Toàn