Ngày 25-5, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030.
Theo quyết định này, UBND tỉnh Bình Định giao Trường Đại học Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đề án trong tháng 5-2025.
Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định tổ chức họp đánh giá công tác điều hành chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTTĐT.
Trước đó, ngày 15-5, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ thực hiện mô hình thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đề án 06 và Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng.
Theo đó, các sở, ngành liên quan sẽ triển khai thực hiện 57 nhiệm vụ theo Nghị quyết 57; 13 nhiệm vụ nhóm chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng và 37 nhiệm vụ đề án 06.
Cụ thể, một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng phong trào thi đua trong toàn tỉnh; xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; xây dựng các đề án, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch… Đồng thời, triển khai xây dựng các nhóm hạ tầng, công nghệ, an ninh, an toàn; nhóm dữ liệu, nhóm nguồn lực; nhóm phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo…
Đưa Bình Định thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.
Theo đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025-2030 vừa mới ban hành, sẽ định hướng thúc đẩy Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung và cả nước.
UBND tỉnh Bình Định đánh giá đề án là bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu thế phát triển công nghệ cao. Mục tiêu đào tạo 7.500 kỹ sư, cử nhân, kỹ sư thực hành và nhân lực trình độ cao, góp phần xây dựng nền tảng nhân lực vững chắc.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm AI tại Long Vân.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ bổ sung Trường Đại học Quy Nhơn vào danh sách các cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở, phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù khi thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng cho các trường đại học, cao đẳng tại Bình Định.
Đề nghị Bộ Tài chính có chính sách tăng hạn mức cho tỉnh tiền vay đối với người học các lĩnh vực bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng.
Về phía địa phương, tỉnh sẽ có các chính sách miễn tiền thuê đất đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng.
Tỉnh cũng sẽ miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, phát triển nhà ở phục vụ đối với các chuyên gia về công tác tại tỉnh về lĩnh vực liên quan đến đề án này. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.
LÊ KIẾN