Trúng mỏ nhưng không thể khai thác
Được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu thông thường tại sông Kim Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) từ tháng 11/2022, nhưng hiện Công ty TNHH đầu tư xây dựng tổng hợp Hoàng Phát vẫn không thể khai thác mỏ hợp pháp này như bình thường.
Trên địa bàn huyện Hoài Ân có 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát tại sông Kim Sơn nhưng lại không thể triển khai khai thác do người dân cản trở.
Thậm chí, sau khi được UBND tỉnh gia hạn giấy phép khai thác và cho công ty thuê đất để khai thác cát làm vật liệu thông thường tại sông Kim Sơn xã Ân Hữu từ ngày 24/1/2025, nhưng khi chủ mỏ đưa phương tiện, thiết bị san lấp, đắp đường để khai thác cát liền bị "đứng bánh".
Nguyên nhân bởi một số hộ dân ở các địa phương khác (xã Ân Tường Tây, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) tập trung ngăn cản không cho Công ty khai thác. Toàn bộ diện tích được cấp phép khai thác 2ha với trữ lượng tiếp tục được khai thác là hơn 39.000 m3 cát địa chất im ắng không giống một điểm mỏ. Trong khi thời gian khai thác chỉ được gia hạn đến ngày 15/9/2026.
Bà Hoàng Thị Lam Giang, Phó giám đốc Công ty Hoàng Phát cho hay, công ty được cấp phép khai thác cát tại khu vực này từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác được, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Cùng trên địa bàn huyện Hoài Ân, các mỏ trúng đấu giá của Công ty TNHH Tổng hợp Dũng Linh (xã Ân Nghĩa) và Công ty TNHH TMDV Tổng hợp Thương Tín (xã Ân Tường Tây) cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Cả ba doanh nghiệp đều trong thế bị động, không thể triển khai bất kỳ hoạt động khai thác nào.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, trong khoảng 3 năm trở đây, tại một số xã như Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa xuất hiện tình trạng một số người dân tụ tập, phản đối hoạt động khai thác khoáng sản hợp pháp. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2025, một số người dân đã sử dụng mạng xã hội để livestream, phát ngôn sai lệch, có hành vi cản trở quyết liệt khiến doanh nghiệp không thể thi công, dù đã được cấp phép đầy đủ.
Có ba doanh nghiệp đã "trúng mỏ nhưng không thể đào", gồm: Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tổng hợp Hoàng Phát (xã Ân Hữu), Công ty TNHH TMDV Tổng hợp Thương Tín (xã Ân Tường Tây) và Công ty TNHH Tổng hợp Dũng Linh (xã Ân Nghĩa). Nguyên nhân phản đối chủ yếu xuất phát từ lo ngại của người dân rằng hoạt động khai thác cát ven sông sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Một số người dân dựng bạt, cản trở hoạt động tại bãi cát của Công ty Hoàng Phát.
Kiến nghị điều tra, xử nghiêm
Ông Nguyễn Xuân Biên, Phó chủ tịch UBND xã Ân Hữu cho biết: ban đầu, khi tham vấn ý kiến cộng đồng, người dân đồng tình ủng hộ cho doanh nghiệp khai thác cát. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động lại gặp sự phản đối của một số người dân, thậm chí một số người không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng tham gia phản đối vì bị kích động.
"Dù xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động và mời người dân đến đối thoại, lãnh đạo địa phương cũng đứng ra cam kết nhưng người dân vẫn không đồng tình tình hình vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Hiện xã đã có báo cáo với huyện về quá trình diễn biến vụ việc và có đề xuất huyện báo cáo tỉnh để có giải pháp "thấu tình đạt lý", bà con nhân dân hiểu rõ và đồng thuận cho doanh nghiệp hoạt động đúng theo pháp luật", ông Biên cho hay.
Dù đã lắp đặt đầy đủ thiết bị nhưng doanh nghiệp vẫn không thể vận hành.
Bà Hoàng Thị Lam Giang, Phó giám đốc Công ty Hoàng Phát cho biết: trước khi được cấp phép, các đơn vị chức năng đã đi kiểm tra và đánh giá tác động môi trường, công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cũng như đã ký và nộp quỹ bảo vệ môi trường để nếu có tình trạng sạt lở thì sẽ dùng quỹ đó để khắc phục ngay. Tuy nhiên, đây là quỹ để người dân an tâm, chứ thực tế mỏ cát nằm xa khu dân cư và đã được đánh giá tác động môi trường của ngành chức năng.
"Việc người dân lo ngại là điều chúng tôi thấu hiểu, nhưng hoạt động của doanh nghiệp hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường. Nếu tiếp tục bị cản trở, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thiệt hại rất lớn", bà Giang nói.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay, hiện giá khoáng sản thông thường ngày càng tăng cao, các đối tượng lợi dụng việc tăng giá cát nên bất chấp khai thác trái phép, có dấu hiệu vi phạm có tổ chức, có người cầm đầu, lôi kéo các đối tượng không liên quan phản đối, ngăn chặn việc khai thác hợp pháp; có dấu hiệu của việc thao túng, chi phối giá khoáng sản làm vật liệu thông thường.
Không được khai thác, các doanh nghiệp tổn thất nặng về tài chính.
Trước tình hình này, UBND huyện Hoài Ân đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định, đề nghị các sở ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ địa phương ổn định tình hình. Đồng thời, đề xuất Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, làm rõ các đối tượng cầm đầu kích động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo trật tự và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, thu mua khoáng sản trái phép không rõ nguồn gốc, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng thao túng, chi phối thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Trước đó, Báo Xây dựng (ngày 27/1/2024) đã có bài viết "Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu", phản ánh về thực trạng một số doanh nghiệp khai thác cát ở huyện Hoài Ân mặc dù trúng đấu giá, hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng vẫn không thể khai thác khoáng sản.
Thu Loan