Bình Định tăng cường rà soát, hỗ trợ dự án triển khai sớm đi vào hoạt động

Bình Định tăng cường rà soát, hỗ trợ dự án triển khai sớm đi vào hoạt động
3 giờ trướcBài gốc
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp khoảng 60%
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 2.850 ha, bao gồm: KCN Phú Tài diện tích 339,9 ha, KCN Long Mỹ 117,7 ha, KCN Nhơn Hòa 282 ha, KCN Nhơn Hội A 394,1 ha, KCN Nhơn Hội B 451,9 ha, KCN Hòa Hội 266,1 ha, KCN Becamex 1.000 ha. Trong đó 2 KCN (Phú Tài, Long Mỹ) và 3 KCN trong Khu kinh tế Nhơn Hội đã được lấp đầy.
Tính đến tháng 10/2024, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt khoảng 60%. Hiện tại, có 233 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh (trong đó có 224 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và 09 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn), tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 24.000 lao động; tốc độ tăng trưởng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, tính đến nay, các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh cũng đã thu hút 19 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (bình quân 105 tỷ đồng/dự án); lũy kế đến nay, đã thu hút 380 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư là 738,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 80%. Đây là những con số đáng khích lệ, phản ánh sự phát triển và thu hút đầu tư mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt khoảng 60%. Ảnh: Nguyễn Lạc.
Theo ông Nguyễn Bay – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Bình Định, bối cảnh hiện nay cho thấy, tình hình địa chính trị trên thế giới đang có những biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình mở rộng hoặc đầu tư mới, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2024, tính đến nay tỉnh chỉ mới có thêm 2 dự án FDI.
Nhìn chung, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ. Một số ngành sản xuất thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào. Một số sản phẩm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU. Hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phát huy hết dư địa sẵn có nên sự phát triển đa dạng, tỷ trọng các lĩnh vực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Để Bình Định trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc phát triển sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế là việc cần thiết. Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và công trình khác thuộc khu bay.
"Thêm một thách thức nữa hiện nay đó là thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Việc thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung, trong đó có Bình Định" - ông Bay chia sẻ.
Ông Nguyễn Bay cho biết thêm, hiện nay, tỉnh đang hướng đến việc phát triển kinh tế đi kèm với yếu tố bền vững, theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt ra mục tiêu 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không), phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
"Do đó, chúng tôi đang đàm phán với 4 – 5 nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn, hiện đang chuẩn bị các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, có thể cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian gần. Một số dự án mang tầm siêu dự án, quy mô đẳng cấp quốc tế như: Taxi bay, thủy phi cơ, quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí âm nhạc, nhà máy sản xuất hydrogen,…" - ông Bay cho biết.
Nhiều khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Ông Nguyễn Bay chia sẻ, khó khăn đầu tiên phải nói đến là sự thay đổi và cập nhật liên tục của các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc nắm bắt và tuân thủ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật thông tin và điều chỉnh kế hoạch đầu tư cho phù hợp. Nhiều dự án ở giai đoạn chuyển giao phải thực hiện lại các thủ tục pháp lý để đồng bộ và triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Tiếp đến là thủ tục hành chính còn nhiều điểm nghẽn, mặc dù tỉnh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nhưng vẫn còn một số quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai dự án.
"Một số dự án gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do vướng mắc về quyền sử dụng đất và sự đồng thuận của người dân. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự phối hợp này chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, kéo theo chậm tiến độ triển khai dự án và tăng chi phí đầu tư" - ông Bay nhấn mạnh.
Bình Định tăng cường rà soát, hỗ trợ dự án triển khai sớm đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyễn Lạc
Cũng theo ông Bay, hiện nay một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt là dư địa sau dịch Covid ảnh hưởng đến khả năng tài chính của doanh nghiệp, hệ quả dẫn đến việc triển khai dự án bị đình trệ.
Để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khai thác quỹ đất có hiệu quả, tỉnh Bình Định luôn rà soát và kiểm tra hiện trường các dự án có vị trí trọng điểm nhưng chậm triển khai; đồng thời nhắc nhở và tìm hiểu khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Dành quỹ đất tốt cho các nhà đầu tư tiềm năng
Với những vướng mắc có thể khắc phục ngay, các sở, ngành, cơ quan liên quan sẽ tập trung lực lượng và phối hợp trong thời gian ngắn nhất. Đối với các dự án có dấu hiệu “chây ì”, tỉnh chủ trương thanh tra, kiểm tra, xem xét kỹ và kiên quyết chấm dứt nếu dự án không có tiến triển, dành quỹ đất tốt cho các nhà đầu tư tiềm năng. Với những nỗ lực này, các dự án chậm triển khai sẽ sớm được khắc phục và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Lạc Nguyên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-dinh-tang-cuong-ra-soat-ho-tro-du-an-trien-khai-som-di-vao-hoat-dong-161909.html