Chiều 26-4, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và Ban Thường vụ tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị triển khai chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Hội nghị tập trung thảo luận và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định; nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ; việc thành lập Ban chỉ đạo hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định; cùng với việc thành lập các tiểu ban phục vụ đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới.
Dự kiến thời gian họp kéo dài hai ngày 26 và 27-4.
Ban Thường vụ tỉnh ủy hai tỉnh Bình Định và Gia Lai họp về sáp nhập hai tỉnh. Ảnh: TD.
Thông tin sơ bộ, sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai (mới) sẽ có diện tích 21.576 km2, dân số gần 3,6 triệu người, dự kiến có 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường).
Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Gia Lai (mới) dự kiến đặt tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định hiện nay).
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho hay đây là buổi làm việc thứ 2 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy của hai địa phương đã trao đổi và đồng thuận, thống nhất cao với các nội dung được đưa ra tại hội nghị này.
"Chúng ta thống nhất để làm sao khi sắp xếp xong thì sẽ tạo một sự đoàn kết nhất trí, tạo một sức mạnh mới, động lực mới của tỉnh Gia Lai mới. Chúng ta sẽ phát triển tốt hơn trở thành một trong những cực tăng trưởng của đất nước", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cho biết đề án sắp xếp đơn vị hành chính của hai tỉnh nhập lại thành một tỉnh cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã được thống nhất rất cao về chủ trương từ trung ương cũng như việc lấy ý kiến của các tổ chức cấp xã, cấp huyện và đến cấp tỉnh.
“Ban thường vụ hai tỉnh cũng đã có trao đổi và thống nhất. HĐND tỉnh Gia Lai cũng đã có nghị quyết về việc thống nhất chủ trương sáp nhập này rồi. Hôm nay, Ban thường vụ hai tỉnh cho ý kiến lần cuối đối với các nội dung cụ thể của đề án; rồi sau đó sẽ ký gửi Trung ương theo quy định", ông Niên nói.
Việc sáp nhập hai tỉnh nhằm mục tiêu tạo ra một tỉnh mới lớn mạnh hơn, phát huy tiềm năng và lợi thế của cả hai địa phương, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết và hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.
LÊ KIẾN