Bình Định và Gia Lai thống nhất phương án sáp nhập

Bình Định và Gia Lai thống nhất phương án sáp nhập
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 26/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Định và Gia Lai tổ chức phiên họp thứ 2 về việc cho ý kiến phương án sáp nhập đơn vị hành chính hai tỉnh.
Ban Thường vụ hai tỉnh cơ bản thống nhất việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn được thực hiện theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động.
Việc sáp nhập Gia Lai và Bình Định dựa trên sự cộng hưởng toàn diện về địa lý, kinh tế, văn hóa, chính trị và quốc phòng - an ninh.
Quang cảnh cuộc họp lần 2 của Ban thường vụ hai tỉnh Bình Định - Gia Lai về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cũng tại cuộc họp, Ban thường vụ 2 tỉnh bàn bạc về Báo cáo xin ý kiến nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ; Báo cáo xin ý kiến thành lập Ban chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai- Bình Định; Báo cáo xin ý kiến thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội đảng bộ tỉnh Bình Định.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, đây là phiên họp thứ 2 của hai Ban thường vụ 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Trước đó, 2 bên bàn bạc và thống nhất những nội dung cơ bản tiến tới cuộc họp hôm nay.
Ngoài việc thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và Bình Định, Ban thường vụ 2 tỉnh sẽ thống nhất, cho ý kiến về công tác sắp xếp bộ máy và phân công cán bộ.
"Việc sáp nhập 2 tỉnh có tính chiến lược và ý nghĩa lịch sử sâu sắc; không chỉ mang lại lợi ích về tổ chức hành chính mà còn tạo không gian phát triển mới quy mô lớn hơn. Đồng thời đảm bảo các đơn vị ngay khi sáp nhập phải vận hành hiệu quả để tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh mới", ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Cũng tại cuộc họp, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai cơ bản thống nhất các ý kiến và tham gia định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
"Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và Bình Định nhận được sự đồng thuận cao của cử tri Gia Lai. Ban thường vụ 2 tỉnh tiếp tục bàn bạc và cho ra đề án hoàn chỉnh nhất, trong đó có việc phân công cán bộ, trước khi trình Bộ Nội vụ vào ngày 1/5 tới", ông Hồ Văn Niên thông tin.
Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) sẽ là trung tâm hành chính mới của hai tỉnh Bình Định - Quy Nhơn sau sáp nhập.
Ban Thường vụ hai tỉnh kỳ vọng, việc sáp nhập sẽ hình thành không gian phát triển thống nhất, kết hợp giữa thế mạnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa, về phát triển kinh tế biển, cảng biển – logistics, ứng dụng khoa học công nghệ của Bình Định với tiềm năng tài nguyên – sinh thái nông nghiệp sinh thái nhân văn cao nguyên nguồn lao động dồi dào của tỉnh Gia Lai.
Theo phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh mới sau hợp nhất 2 tỉnh sẽ lấy tên Gia Lai, diện tích tự nhiên khoảng 21.576 km², dân số hơn 3,1 triệu người, có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Tỉnh đặt trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn (Bình Định) hiện nay.
Nguyễn Gia
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/binh-dinh-va-gia-lai-thong-nhat-phuong-an-sap-nhap-ar940101.html