Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính công. Ảnh: Diễm Phúc.
Cải tạo nhà công vụ
UBND tỉnh Bình Định và UBND tỉnh Gia Lai đã thống nhất trình Chính phủ, Bộ Nội vụ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đề án, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ có tên Gia Lai, trung tâm hành chính đặt tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định hiện nay).
Tỉnh Gia Lai mới có quy mô dân số khoảng 3,5 triệu người, diện tích hơn 21.576 km², gồm 135 đơn vị hành chính cấp xã (110 xã và 25 phường). Việc hợp nhất hai tỉnh kỳ vọng tạo ra lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó mở ra dư địa phát triển đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh mới.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, các bên đã thống nhất nguyên tắc phối hợp triển khai đề án. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò đầu mối xây dựng đề án hợp nhất UBND hai địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị: “Các đồng chí giám đốc từng sở, ngành của tỉnh Bình Định phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh Gia Lai để xây dựng đề án của sở mình, bố trí con người, phòng ban, trụ sở”.
TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Diễm Phúc.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai đề nghị phối hợp xây dựng phương án sắp xếp, hợp nhất các cơ quan, đơn vị thuộc UBND hai tỉnh. Tỉnh Bình Định đề nghị phía Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp phối hợp chặt chẽ với những đơn vị đồng cấp ở Bình Định để cùng xây dựng và hoàn thiện phương án tổ chức bộ máy sau sáp nhập, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Đồng thời, tỉnh giao Sở Nội vụ làm đầu mối thường xuyên liên lạc, cập nhật tiến độ, rà soát vướng mắc và đề xuất giải pháp phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương phối hợp với các cơ quan đồng cấp tại Gia Lai để hoàn thiện các nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức, nhân sự, vị trí đặt trụ sở chính và cơ sở phụ, cũng như xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận sau khi hợp nhất.
Bình Định xây dựng phương án rà soát, bố trí và sử dụng lại các tài sản sau sáp nhập
Trong giai đoạn chuyển tiếp, một số lượng lớn cán bộ, công chức từ các địa phương có thể sẽ được điều động, luân chuyển về trung tâm hành chính mới tại TP Quy Nhơn. Từ đó, nhu cầu về nhà ở công vụ cũng được dự báo tăng cao. Tại kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII vừa qua, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo Nhà khách Thanh Bình (số 06 Lý Thường Kiệt, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) thành khu nhà ở công vụ phục vụ cho cán bộ, công chức trong quá trình sáp nhập.
Dự án này sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Quy mô công trình gồm 5 khối nhà: khu A và B cao 5 tầng; các khu C, D, E cao 2 tầng; tổng diện tích xây dựng hơn 1.817 m², diện tích sàn hơn 7.429 m². Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025, đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho cán bộ trong giai đoạn cao điểm sau sáp nhập.
Xây dựng phương án xử lý tài sản công
Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ dừng lại ở tổ chức bộ máy, mà còn đặt ra yêu cầu lớn trong quản lý, bố trí và sử dụng tài sản công một cách hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí. Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ còn 58 đơn vị hành chính cấp xã sau khi tổ chức lại, bao gồm 41 xã và 17 phường. Để việc xử lý tài sản công được thực hiện đúng quy định và phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án rà soát, bố trí và sử dụng lại các tài sản sau sáp nhập.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp tiến hành kiểm kê, phân loại và lập danh sách tài sản công hiện có. Kết quả kiểm kê được chuyển về cấp huyện để thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với trụ sở làm việc và cơ sở sự nghiệp, tỉnh Bình Định chủ trương ưu tiên bố trí lại cho các đơn vị hành chính mới cấp xã hoặc cho các cơ quan, tổ chức nhà nước khác có nhu cầu sử dụng. Việc sử dụng chung trụ sở giữa nhiều đơn vị cũng được tính đến, đi kèm là phương án quản lý và vận hành phù hợp.
Đối với các trụ sở, cơ sở vật chất dôi dư sau khi sắp xếp, tỉnh định hướng chuyển đổi công năng để phục vụ cho mục đích công cộng như làm trạm y tế, trường học, thiết chế văn hóa, thể thao, thư viện, công viên... Trường hợp không thể tận dụng được sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Riêng với tài sản là xe ô tô chuyên dùng (như xe cứu thương, xe chở rác, xe sân khấu lưu động...), các đơn vị nhận nhiệm vụ mới sẽ tiếp nhận tương ứng với chức năng được phân công. Trong khi đó, xe ô tô phục vụ công tác chung có thể được điều chuyển về các đơn vị cấp tỉnh còn thiếu hoặc xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, rà soát kỹ lưỡng để tránh lãng phí. Ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: “Sau sáp nhập, trụ sở dôi dư sẽ làm gì, các đồng chí phải có phương án rõ ràng, không để xảy ra tình trạng tài sản công bị bỏ hoang”.
Thùy Trang - Diễm Phúc