Thay đổi từ ý thức
Ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 có hiệu lực, việc chấp hành giao thông tại Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực.
Ghi nhận của PV, tại nút giao Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ, Ngô Mây - Nguyễn Thị Định, Ngô Mây - Nguyễn Thái Học... từng là "điểm nóng" của tình trạng lộn xộn, vi phạm giao thông, trong đó đa số là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông thì hiện tại, việc tuân thủ giao thông đã được thực hiện tốt, rất ít trường hợp vi phạm.
Tại ngã tư Nguyễn Thị Định - Ngô Mây (TP Quy Nhơn), tình trạng chấp hành tín hiệu đèn giao thông thay đổi rõ rệt. Dù đèn đỏ chỉ còn 1 giây nhưng người tham gia giao thông vẫn nghiêm túc chấp hành.
Anh Lý Trường Long (trú phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) chia sẻ, trước kia khi lái ô tô từ đường Nguyễn Thị Định rẽ phải vào Ngô Mây, anh gặp khó khăn và rất bức xúc vì rất nhiều xe máy đứng hẳn sang phần đường bên cạnh hoặc rất nhiều người vượt đèn đỏ. Trong khi đó tuyến đường này nhỏ, mật độ giao thông cao, đèn xanh cũng chỉ có 25 giây. Khi một xe máy vượt tín hiệu đèn, ô tô rẽ vào đường Ngô Mây sẽ bị cản trở dẫn đến chậm lại. Khi đấy, tín hiệu đèn sắp hết và rất nhiều phương tiện khác vượt lên, ô tô buộc phải dừng lại giữa đường vì quá nhiều phương tiện chen chúc nhau, không thể di chuyển được.
"Thế nhưng những ngày qua, khi di chuyển qua đây, tôi thấy tình trạng không chấp hành tín hiệu đèn ít hơn hẳn, các phương tiện di chuyển trật tự, thuận lợi hơn", anh Long nói.
Tại nút giao Nguyễn Thái Học với Ngô Mây, anh Nguyễn Hồng Q. (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) chia sẻ, trước đây, anh thỉnh thoảng vượt đèn đỏ khi cần rẽ phải nhưng từ khi biết mức phạt tăng lên tới 6 triệu đồng, anh tự nhắc mình phải chấp hành nghiêm túc để tránh mất tiền và đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác.
Tương tự, tại nút giao Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ, trước kia Đội CSGT - Trật tự Công an TP Quy Nhơn luôn phải cắt cử 2 cán bộ túc trực vào giờ cao điểm bởi tình trạng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông xảy ra phổ biến. Nhưng những ngày qua, mặc dù thời điểm PV có mặt là giờ cao điểm và không có sự hiện diện của CSGT, nhưng phần lớn người tham gia giao thông đã dừng chờ đèn tín hiệu đúng vạch kẻ đường và gần như không có tình trạng đi ngược chiều qua nút giao này.
Trong khi đó, đối với các tài xế đường dài, các quy định mới cũng khiến họ nâng cao ý thức hơn. Tài xế Nguyễn Minh Thành (quê Quảng Nam) - lái xe khách tuyến Bắc - Nam chia sẻ, ngày trước khi vi phạm tốc độ, ngoài bị phạt tiền còn bị tước GPLX, giờ thì trừ thẳng 2 điểm trong GPLX. Điều này giúp tài xế tự nhắc nhở bản thân luôn phải tuân thủ để không bị trừ điểm trong GPLX.
Đẩy mạnh xử lý, kết hợp tuyên truyền
Trung tá Tô Hồng Phúc, Phó trưởng Trạm CSGT Tuy Phước (Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định) cho biết, đơn vị đã tổ chức các tổ tuần tra trên tuyến vừa kiểm tra xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền giúp người dân nắm rõ các quy định mới. Nhất là việc tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và một số hành vi vi phạm do lỗi cố ý của người tham gia giao thông.
"Sau gần 20 ngày thực hiện Nghị định 168/2024, tình hình giao thông tại các nút giao có tín hiệu đèn trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định giảm đáng kể", trung tá Tô Hồng Phúc nói.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, từ ngày 1/1 - 9/1, CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt hơn 1.300 trường hợp vi phạm. Trong đó chỉ có 8 trường hợp không tuân thủ tín hiệu đèn, 362 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 252 trường hợp vi phạm tốc độ, giảm khá nhiều so với 10 ngày trước đó.
Việc thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân giúp cho lưu thông thuận lợi, đô thị trở nên văn minh hơn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Định) cho rằng, mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt theo Nghị định 168/2024 là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần làm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và khắc phục tình trạng coi thường pháp luật, nhờn luật của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay.
Việc xử phạt áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật. Do đó, quan điểm của lực lượng CSGT trước tiên là chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn, văn minh. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm đều bị xử lý nghiêm, theo phương châm "không vùng cấm, không ngoại lệ" và kể cả cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định và minh bạch trong xử lý.
"Luật Trật tự, ATGT đường bộ và Nghị định 168 đã quy định rất cụ thể các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm. Luật và nghị định mới cho phép CSGT áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đặc biệt có nội dung trừ điểm GPLX; yêu cầu người vi phạm tham gia khóa học và kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT nếu GPLX đã bị trừ hết điểm. Những biện pháp này sẽ góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông", thượng tá Nguyễn Hồng Vang thông tin thêm.
Quang Đạt