Năm 2024, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Bình Dương được tiếp nhận để xử lý khoảng 2.342 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 98,8% khối lượng phát sinh). (Ảnh minh họa)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, hiện nay toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều thu gom, vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận tại đây trong năm 2024 khoảng 2.342 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 98,8% khối lượng phát sinh). Trong đó, xử lý bằng phương pháp tái chế làm phân compost khoảng 2.152 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 93%), chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 46,5 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 2%), đốt thu hồi năng lượng khoảng 70,3 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 3%), còn lại là xử lý nước rỉ rác và tái chế phế liệu chiếm tỷ lệ khoảng 2%.
Trên địa bàn tỉnh có 05/09 địa phương đã quy hoạch, bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt gồm: Thủ Dầu Một (hiện tại có 05 điểm, sẽ quy hoạch thêm 05 điểm), Dầu Tiếng (hiện tại có 03 điểm, sẽ quy hoạch thêm 01 điểm), Bắc Tân Uyên (có 10 điểm), Phú Giáo (có 26 điểm), Bàu Bàng (có 07 điểm); 04 địa phương chưa quy hoạch, bố trí điểm tập kết là Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên.
Trong công tác tuyên truyền, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ chức biên soạn, in ấn và cấp phát các tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các hội đoàn thể, trường học và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Lồng ghép các nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong các hoạt động…
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn công tác thăm quan, học tập kinh nghiệm việc triển khai thí điểm sử dụng bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở đó, hiện nay Sở đang phối hợp với UBND cấp huyện nghiên cứu triển khai việc sử dụng bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn nhất định như: một số địa phương chưa quy hoạch, bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc đã quy hoạch trạm trung chuyển nhưng chưa bố trí kinh phí để triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động; chưa có kế hoạch cụ thể đối với việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, đa số các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có nhân lực và năng lực tài chính hạn chế, nhất là lực lượng thu gom rác thải dân lập từ hộ gia đình, cá nhân... chưa thể đầu tư nâng cấp phương tiện; thiết bị đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường để phù hợp với việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại và tham gia đấu thầu.
Để gỡ khó cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Bình Dương kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về hình thức bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền quản lý, ban hành định mức kỹ thuật đối với hoạt động vệ sinh môi trường công cộng để địa phương có cơ sở thực hiện. Kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp thẩm định, tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
Công Danh