Bình Dương bứt phá để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Bình Dương bứt phá để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
6 giờ trướcBài gốc
Để trở thành một tỉnh công nghiệp năng động, những năm vừa qua Bình Dương luôn “trải chiếu hoa, thảm đỏ” cùng với nhiều chính sách thông thoáng, hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp để mời gọi đầu tư. Nhờ vậy mà trong 9 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã thu hút thêm 1,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và 56.620 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.360 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 41,8 tỷ đô la Mỹ và 71.520 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 780.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 85%, thuộc Top đầu cả nước.
Một tuyến đường huyết mạch ở Bình Dương vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 52.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 2,6 triệu m2 sàn. 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ và 4 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất nhà ở xã hội. Hiện tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Theo chuẩn của tỉnh, còn khoảng 5.499 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,37% và 1.739 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,43%; phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%. Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương cao hơn 2 lần so với trung bình cả nước. Với cơ cấu đô thị phù hợp, tỉnh đã huy động nguồn lực để phát triển đô thị một cách đồng bộ và hiệu quả; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch rất cao, đạt 99,6%.
Theo quy hoạch, Bình Dương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1 %….
Cũng theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ phân vùng phát triển thành 3 khu vực: Khu vực 1 gồm hai địa phương giáp ranh với TP Hồ Chí Minh là TP Thuận An và TP Dĩ An, sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao.
Khu vực 2 bao gồm TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh. Khu vực 3 gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng sẽ hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp -dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính… tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Một góc khu Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.
Bình Dương là địa phương có hệ thống đường giao thông thuộc dạng tốt nhất hiện nay. Những tuyến đường chính trong nội tỉnh và kết nối vùng đều khá rộng rải với nhiều làn xe. Theo quy hoạch đến năm 2030, Bình Dương có có 43 tuyến đường tỉnh gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới. Đối với 16 tuyến đường tỉnh hiện hữu sẽ đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Đối với 27 tuyến đường tỉnh bổ sung mới sẽ điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông. Về đường sắt, sẽ nghiên cứu xây dựng bổ sung tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây nguyên với tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh.
Ngoài ra Bình Dương cũng sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị kết nối với các địa phương ở TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thủy trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch của Chính phủ. Phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa, hệ thống cảng bến thủy nội địa, cảng cạn…
Để cụ thể hóa những kế hoạch được vạch ra thì yếu tố con người là quan trọng hàng đầu. Do vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.Theo kế hoạch này, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới; phấn đấu tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt 30% vào năm 2025.
Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của tỉnh không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm; phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
Về cơ chế để phát triển, tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, cho phép tỉnh Bình Dương được sử dụng toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại 100% nguồn vượt thu ngân sách Trung ương giao hàng năm để bổ sung nguồn lực đầu tư cho tỉnh.
Theo định hướng quy hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường Đại học đang có nhu cầu lớn để thu hút, đào tạo sinh viên trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, chíp bán dẫn, vi mạch điện tử… phục vụ cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều cơ chế, chính sách để các trường Đại học thu hút và khuyến khích sinh viên theo học các ngành, lĩnh vực này. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét có cơ chế, chính sách cụ thể như miễn hoặc giảm 50% học phí (ngân sách Nhà nước sẽ bù đắp) đối với các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là chíp bán dẫn, vi mạch điện tử… để thu hút được nhiều sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
“Sau khoảng thời gian gần 30 năm (kể từ ngày tái thành lập tỉnh) viết nên câu chuyện thành công, Bình Dương luôn lấy tinh thần đổi mới sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, nhất là sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp làm động lực, nguồn động viên to lớn trong việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Từ nền tảng đó, Bình Dương sẽ viết tiếp câu chuyện thành công, chuyển hóa chất lượng tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.”- Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết:
Mã Hải
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/binh-duong-but-pha-de-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-i747719/