"Cuộc đua" với thời gian để có quỹ đất sạch
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng vốn đầu tư 8.283,276 tỷ đồng, trải dài 45,659 km qua TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.
Để triển khai, tỉnh cần thu hồi khoảng 322,24 ha đất, ảnh hưởng đến 1.394 hộ gia đình, cá nhân và 17 tổ chức, dự kiến bố trí tái định cư cho 194 trường hợp.
Tính đến nay, công tác thông báo thu hồi đất đã đạt 79% (1.304/1.650 trường hợp), dự kiến hoàn thành trong quý II/2025. Công tác đo đạc đạt 97,1%, kiểm đếm đạt 57,2% và cũng được kỳ vọng hoàn tất trong quý II năm nay.
Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua huyện Phú Giáo đang được giải phóng mặt bằng
Về phê duyệt đơn giá bồi thường đất, 3/4 địa phương (Bàu Bàng, Phú Giáo, Tân Uyên) đã ban hành quyết định, riêng huyện Bắc Tân Uyên dự kiến phê duyệt trong tháng 5/2025.
Mặc dù các địa phương đã nỗ lực thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, tỷ lệ bàn giao mặt bằng của dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành mới chỉ đạt 2,8%, một con số đáng ngại.
Việc chậm trễ phê duyệt đơn giá bồi thường đất đang gây ảnh hưởng đến các bước tiếp theo, làm chậm tiến độ giải ngân vốn năm 2025 và tiến độ thi công dự án.
Ông Võ Ngọc Sang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần tăng cường lập hồ sơ thu hồi đất, đặc biệt là về giá đất vì nhiều địa phương chưa ban hành.
Việc lập hồ sơ thu hồi đất và kiểm đếm ở nhiều địa phương còn chậm. Do đó, trước mắt các địa phương cần đẩy nhanh công tác đo đạc, kiểm đếm, trên cơ sở đó ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường đất. Đối với các tài sản có vướng mắc có thể ban hành quyết định phương án bồi thường bổ sung sau.
"Về công tác bàn giao mặt bằng, Ban cũng đề nghị với các địa phương sớm rà soát đất công ích để sớm làm thủ tục bàn giao, sau đó Ban bàn giao cho đơn vị thi công để đẩy nhanh tỷ lệ giao đất. Đối với trường hợp đã bồi thường thì trong thời gian còn lại, đề nghị phối hợp vận động người dân bàn giao trước khi chỉ còn chính quyền hai cấp."
Đối với Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương, bao gồm 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 – giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 7.926,321 tỷ đồng.
Một đoạn đường NE2 (TP Bến Cát) trùng với dự án Vành đai 4 đã được Bình Dương đầu tư (ảnh: TH)
Dự án này có quy mô lớn, dự kiến thu hồi 239,8 ha đất, đi qua TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên, ảnh hưởng đến khoảng 1.451 trường hợp, với khoảng 300 trường hợp thuộc diện bố trí tái định cư.
Đến nay, các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương đã thông báo thu hồi đất đối với 1.031/1.451 trường hợp (đạt 70%), đo đạc cho 845/1.451 trường hợp (đạt 58,2%) và kiểm đếm 605/1.451 trường hợp (đạt 41,7%). TP. Tân Uyên đã ban hành đơn giá thu hồi đất, các địa phương còn lại dự kiến sẽ phê duyệt đơn giá đất trong tháng 5/2025.
Quyết tâm "về đích" đúng hẹn
Đại diện các địa phương thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng còn chậm, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực để đo đạc, kiểm đếm. Lãnh đạo các địa phương đã đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tăng cường hỗ trợ nhân lực, nhằm giúp địa phương hoàn thành công tác này trước thời điểm dừng hoạt động cấp huyện.
Ông Từ Phương Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tăng cường nhân lực hỗ trợ các địa phương đo đạc, kiểm đếm
Trước những kiến nghị từ các địa phương, ông Từ Phương Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tăng cường nhân lực, hợp đồng thêm cán bộ để thực hiện các nhiệm vụ được giao:
"Về phía Trung tâm, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận động người dân bàn giao đất, ưu tiên giải quyết sớm các trường hợp đã đồng thuận. Mặc dù lực lượng của Trung tâm hiện tại còn mỏng, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành."
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2025 phụ thuộc lớn vào tiến độ triển khai các dự án này. Cụ thể, hai công trình này có tổng nguồn vốn khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bồi thường giải tỏa chiếm 63%.
Do đó, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc, khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án bồi thường đối với phần diện tích đất còn lại, cũng như hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt đơn giá.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các đơn vị tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các dự án, với mục tiêu hoàn thành thông báo thu hồi đất trước ngày 20/5, song song với việc triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm và phê duyệt đơn giá đất ở các địa phương còn lại.
Trung tâm Phát triển quỹ đất được giao nhiệm vụ rà soát, điều động nhân lực bổ sung để đẩy nhanh công tác phê duyệt giá đất.
Ông Thạnh nói: "Kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, việc thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn vốn ngân sách bồi thường được chi trả hết cho người dân đang rất cần để ổn định cuộc sống, là rất quan trọng. Do đó, việc xây dựng giá và triển khai thực hiện dự án một cách hiệu quả, sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giúp chúng ta về đích sớm trong công tác chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, đạt yêu cầu và chỉ tiêu đề ra."
Được biết, UBND tỉnh sẽ phát động chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công với các mốc thời gian cụ thể là 30/6 và 30/8, thể hiện quyết tâm đưa hai dự án giao thông trọng điểm này về đích đúng hẹn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thiên Lý/VOV-TP.HCM