Bình Dương dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến

Bình Dương dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến
một ngày trướcBài gốc
Những điểm sáng
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác số hóa và dữ liệu số, đã xây dựng và triển khai một số cơ sở dữ liệu (CSDL) địa phương về giáo dục, đất đai, doanh nghiệp (DN), công thương. Ngành xây dựng và môi trường đang thí điểm việc chia sẻ dữ liệu giữa các ngành tài nguyên - môi trường, xây dựng và công thương thông qua nền tảng GIS. Hệ thống IOC tỉnh đã thực hiện kết nối CSDL của 100% sở, ban ngành thành dữ liệu tập trung tại Trung tâm IOC; đồng thời đã kết nối với 4/6 cơ quan ngành dọc và 2 API với Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã kết nối CSDL đăng ký DN, CSDL Quốc gia về dân cư, CSDL đất đai, CSDL cán bộ, công chức, viên chức. Riêng ứng dụng Bình Dương Số đến nay đã đạt hơn 102.000 lượt cài đặt, tổng số lượt truy cập và sử dụng ứng dụng đạt hơn 2 triệu lượt. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và sử dụng cao của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và tiện ích số do tỉnh cung cấp. Đây cũng là kênh tương tác giữa chính quyền với người dân và DN. Bên cạnh đó, ứng dụng Chính quyền số đã có 3.808 lượt cài đặt…
Tình nguyện viên Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trên nền tảng số
Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh cho biết về tình hình triển khai TTHC trực tuyến, hoạt động của mô hình Trung tâm PVHCC một cấp tỉnh Bình Dương hiện dẫn đầu cả nước về tỷ lệ DVCTT với 80,29%, trong đó có 826 TTHC được thực hiện toàn trình, đạt 44% và 681 TTHC thực hiện một phần đạt 36,29%. Tuy nhiên, tỷ lệ DVCTT toàn trình vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Để cải thiện tình hình, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, tích hợp thủ tục lên CSDL Quốc gia, dự kiến hoàn tất vào ngày 6-4-2025.
Từ ngày 1-12-2024 đến 31- 3-2025, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương ghi nhận 299.637 hồ sơ được tiếp nhận, trong đó 98,53% nộp trực tuyến. Cụ thể, cấp tỉnh đạt 97,47%, cấp huyện 97,89% và cấp xã lên tới 99,07%. Để nâng cao tỷ lệ DVCTT toàn trình lên 70% vào năm 2025 và tăng ít nhất 10% mỗi năm, tỉnh đề xuất cần rà soát, kiến nghị bãi bỏ quy định chuyên ngành yêu cầu lưu trữ hồ sơ giấy; xây dựng CSDL số hóa liên thông giữa các ngành, bảo đảm tính pháp lý để thực hiện DVCTT toàn trình.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
TỪ NGÀY 1-12-2024 ĐẾN 31-3-2025, HỆ THỐNG THÔNG TIN GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH DƯƠNG GHI NHẬN 299.637 HỒ SƠ ĐƯỢC TIẾP NHẬN, TRONG ĐÓ 98,53% NỘP TRỰC TUYẾN. CỤ THỂ, CẤP TỈNH ĐẠT 97,47%, CẤP HUYỆN 97,89% VÀ CẤP XÃ LÊN TỚI 99,07%...
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu 100% số hóa hồ sơ đầu vào và kết quả đầu ra, đồng thời triển khai số hóa lùi toàn bộ dữ liệu từ năm 2020-2021. Để thực hiện tốt mục tiêu này, ngày 28-2-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1109/ KH-UBND, triển khai cắt giảm tối thiểu 20% TTHC trên các lĩnh vực trọng điểm như kinh doanh, đất đai, môi trường, lao động, y tế; đồng thời có kế hoạch tiếp tục rà soát, công bố 245 TTHC nội bộ, rà soát 524 TTHC thuộc 13 sở, ngành để đơn giản hóa ít nhất 20%, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ. Công tác rà soát sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2025, bảo đảm nâng cao hiệu suất làm việc và sự hài lòng của người dân, DN.
Trong những ngày qua, Trung tâm PVHCC tỉnh đã trình UBND tỉnh triển khai 100% TTHC phi địa giới trên địa bàn tỉnh và rà soát quy trình, chuẩn bị điều kiện để triển khai thí điểm vào tháng 5-2025 và triển khai chính thức gắn với việc bỏ chính quyền cấp huyện, đưa TTHC về cấp tỉnh và cấp xã từ ngày 1-7-2025 đạt mục tiêu của Chính phủ là 100% vào cuối năm 2025 đối với 5 tỉnh thí điểm, trong đó có Bình Dương. Trong mục tiêu này, Bình Dương đã triển khai thực hiện 275 TTHC phi địa giới hành chính gắn với mô hình Trung tâm PVHCC một cấp, người dân có thể đến bất kỳ bộ phận một cửa nào trên địa bàn tỉnh để thực hiện TTHC. Từ ngày 28-2-2025, tỉnh đã mở rộng danh mục 570 TTHC thực hiện phi địa giới hành chính; hiện đang xây dựng quy trình điện tử bổ sung 295 TTHC phi địa giới để triển khai thực hiện từ ngày 10- 4-2025.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài các nhiệm vụ thường niên, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung cho các dự án công nghệ thông tin và chính sách đào tạo về công nghệ thông tin trong thời gian tới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác chuyển đổi số, đặc biệt là các tổ công nghệ số cộng đồng. Song song đó là triển khai các chương trình đào tạo và tập huấn dành cho đội ngũ công nghệ số nhằm hướng dẫn người dân sử dụng các DVCTT, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và dễ tiếp cận; phấn đấu đạt 80% DVCTT toàn trình, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN, tạo ra bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương.
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/binh-duong-dan-dau-ve-ty-le-dich-vu-cong-truc-tuyen-a344626.html