Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương trùng với đoạn đường đã được đầu tư khoảng 8km tại thành phố Bến Cát. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Bình Dương đang đặt trọng tâm vào việc thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, cùng với Đề án đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Một phần quan trọng của kế hoạch này là xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; trong đó, bao gồm huy động vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.
Mục tiêu của tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý ngân sách và đầu tư công. Với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm," Bình Dương triển khai Đề án khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến, vào năm 2025, tổng nguồn vốn ngân sách sẽ đạt 94.500 tỷ đồng; trong đó, phần lớn đến từ thu ngân sách mới, nguồn cải cách tiền lương và hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Số vốn này được đảm bảo phân bổ hợp lý, với ưu tiên hàng đầu dành cho các dự án giao thông trọng điểm và cơ sở hạ tầng liên kết vùng.
Tỉnh Bình Dương cũng tập trung mạnh mẽ vào việc cải thiện hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy sự kết nối với Tp. Hồ Chí Minh, cảng biển và sân bay quốc tế. Các dự án lớn như: đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, và các tuyến đường ven sông Sài Gòn đang được xúc tiến nhanh chóng để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Trong khi đó, các dự án như đường sắt đô thị Suối Tiên - thành phố mới Bình Dương, đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An, và tuyến đường sắt nhẹ (LRT) kết nối các khu vực phát triển đô thị (TOD) đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để trình Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, các dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện cấp thoát nước, trồng cây xanh và xây dựng trường lớp đạt chuẩn cũng là những ưu tiên quan trọng trong kế hoạch phát triển hạ tầng của tỉnh.
Nhằm hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, Bình Dương đang xây dựng Công viên khoa học công nghệ và Khu công nghệ thông tin tập trung để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực chỉnh trang các đô thị cũ và phát triển các đô thị mới theo hướng thông minh, xanh và gắn kết với giao thông công cộng; đồng thời, tận dụng hiệu quả quỹ đất và tài sản công để tránh lãng phí.
Song song với các nỗ lực này, Bình Dương còn tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng đến nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tri thức. Các khu công nghiệp trong tỉnh sẽ được chuyển đổi theo hướng hiện đại, sinh thái và tự động hóa, tạo nên hệ sinh thái kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Kế hoạch phát triển 100.000 tỷ đồng của Bình Dương không chỉ là một mục tiêu tài chính mà còn thể hiện tầm nhìn lớn về một tương lai phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, nơi tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, có việc huy động nguồn lực thông qua đấu giá đất và các chính sách ưu đãi đầu tư.
Tại phiên họp UBND tỉnh Bình Dương lần thứ 82 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã chủ trì thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng nhằm tăng cường thu hút đầu tư và quản lý hiệu quả nguồn lực.
Một trong những điểm nhấn là dự thảo quy định về ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc nằm tại các địa bàn được ưu đãi đầu tư. Đây là chính sách mang tính đột phá, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại các khu vực ưu tiên.
Đặc biệt, tại phiên họp, dự thảo Nghị quyết ban hành danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã thu hút sự quan tâm lớn. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã đề xuất danh mục 72 khu đất với tổng diện tích hơn 14.244 ha để đưa vào kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất trong năm 2025. Đây được xem là nguồn lực để Bình Dương bứt phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã cơ bản thống nhất với các nội dung và tờ trình được đưa ra; đồng thời, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành để hoàn chỉnh các nội dung liên quan. Sự đồng thuận này không chỉ thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh mà còn khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc triển khai hiệu quả các chính sách và kế hoạch phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu huy động nguồn lực 100.000 tỷ đồng, tỉnh cần điều chỉnh các nội dung theo thẩm quyền và tận dụng từ quy hoạch để tạo ra nguồn lực tại các thành phố. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, chậm nhất trong quý 1/2025, phải thông qua toàn bộ nội dung liên quan để bảo đảm tiến độ.
“Cần hành động quyết liệt để huy động nguồn lực, nếu làm đúng và hiệu quả, chúng ta có thể vượt qua mốc 100.000 tỷ đồng”, Bí thư Nguyễn Văn Lợi khẳng định.
Theo chỉ đạo, việc đầu tư cần bao quát toàn xã hội, tập trung trước hết vào hạ tầng kết nối. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát và ưu tiên đầu tư vào các khu vực chưa có sự kết nối. Hạ tầng giao thông trọng điểm như cảng hàng không quốc tế, cảng biển và các tuyến đường kết nối với Tp. Hồ Chí Minh, cùng các trục giao thông chính liên vùng, phải được triển khai đồng bộ, tránh tình trạng điểm nghẽn giao thông gây ra bởi thiếu quy hoạch và đầu tư.
Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Văn Lợi yêu cầu việc đầu tư phải gắn liền với mục tiêu phát triển công nghiệp gắn với đô thị sinh thái. Tất cả các dự án không đạt tiêu chuẩn sinh thái sẽ không được chấp nhận tại Bình Dương.
“Hạ tầng đô thị của tỉnh phải hướng tới một tương lai xanh và hiện đại, nơi các đô thị không ngập úng, không có rác, không kẹt xe, an toàn, thông minh và sạch đẹp; hệ thống tưới tiêu cũng cần được tính toán và xây dựng đồng bộ”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.
Dương Chí Tưởng/TTXVN