Bình Dương hướng dẫn các các đơn vị tổ chức ôn thi tuyển sinh và ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025

Bình Dương hướng dẫn các các đơn vị tổ chức ôn thi tuyển sinh và ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025
một ngày trướcBài gốc
Theo đó, các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh và các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố (gọi tắt là các cơ sở giáo dục) tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tự nguyện đăng kí học ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp THPT trong nhà trường.
Các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch tổ chức dạy ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp THPT đối với từng khối lớp.
Các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tự nguyện đăng kí học ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp THPT trong nhà trường. Trong ảnh, một tiết học của học viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh
Dựa vào số lượng học sinh đăng kí ôn thi theo từng môn/khối, các cơ sở giáo dục thực hiện phân chia lớp đảm bảo mỗi lớp có không quá 45 học sinh. Không xếp giờ dạy ôn thi xen kẽ với thời khóa biểu chính khóa và không dạy trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Mỗi môn học được tổ chức dạy ôn thi không quá 2 tiết/tuần. Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn xây dựng nội dung ôn thi phù hợp với năng lực học sinh; đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đổi mới về kiểm tra, đánh giá và cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.
Lãnh đạo nhà trường dự kiến phân công giáo viên giảng dạy phù hợp thực tế; cân đối tổng số tiết thực hiện (bao gồm số tiết dạy chính khóa, dạy ôn thi, kiêm nhiệm) của giáo viên trong nhóm môn và toàn trường; đảm bảo số tiết tăng giờ không vượt quá quy định theo các văn bản hiện hành.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm túc việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT
Việc tổ chức dạy ôn thi tuyển sinh hoặc ôn tập thi tốt nghiệp THPT thực hiện từ nay đến cuối năm học 2024-2025. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không gây áp lực thêm cho học sinh. Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt.
* Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh cũng đã có Thông báo số 50/TB-UBND ngày 14-2-2025 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh tại phiên họp UBND tỉnh lần thứ 83 - khóa X, trong đó có nội dung báo cáo về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Cụ thể, tập thể UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho các cơ sở giáo dục công lập cấp trung học, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên được phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo đề nghị của Sở GD&ĐT tại Tờ trình số 319/TTr-SGDĐT ngày 5-2-2025; giao Sở Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách nhà nước, hướng dẫn chi cho hoạt động dạy thêm học thêm nêu trên đúng quy định tại Thông tư số 29 và các quy định của pháp luật hiện hành. Giao Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, thiết thực, đúng đối tượng, tiết kiệm. Đồng thời, Sở GD&ĐT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ GD&ĐT về các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện Thông tư 29.
Hồng Phương
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/binh-duong-huong-dan-cac-cac-don-vi-to-chuc-on-thi-tuyen-sinh-va-on-thi-tot-nghiep-thpt-nam-hoc-2024-a342003.html