Tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu GRDP tăng 8 - 8,5% trong năm 2025
Số liệu từ UBND tỉnh Bình Dương cho thấy, 10 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh này duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng hơn 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (64,83%) - dịch vụ (25,06%) - nông nghiệp (2,73%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,38%).
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3%.
Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,7% (kế hoạch tăng 9 - 10%); kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% (kế hoạch tăng 9 - 10%)…
Theo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thu ngân sách đến thời điểm hiện tại đạt gần 96% kế hoạch, đến cuối năm chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu. Trong đó, thuế liên quan đến sản xuất sắt thép tăng đột biến, sự phục hồi của thị trường sẽ giúp biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện…
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến đến cuối năm, tỉnh sẽ thu hút được 1,8 tỷ đô la Mỹ, đạt chỉ tiêu kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024. Xu hướng dòng chảy FDI đổ về châu Á, ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025…
Với những thành tích đạt được, tỉnh Bình Dương xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025. Trong đó, phấn đấu GRDP tăng 8 - 8,5%; thu nhập bình quân đầu người 195 triệu đồng. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (63,81%) - dịch vụ (26,34%) - nông nghiệp (2,66%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 – 10%...
Thách thức và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh những thành quả tích cực đã đạt được, tại các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp cũng đã cho thấy nhiều khó khăn, thách thức đang gặp phải như: Quy định phát thải carbon thấp nhằm đạt mục tiêu “Net Zero”; Chi phí sản xuất cao; Tồn kho hàng hóa nhiều khiến nhiều; Vốn đầu tư; Các quy định về môi trường và phòng cháy, chữa cháy…
Bình Dương giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)
Với quan niệm “Sự thành công của các nhà đầu tư là sự thành công của tỉnh”, thời gian qua, chính quyền tỉnh Bình Dương không ngừng có những hành động cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương ban hành văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 07/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã giao việc cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc như Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2025 – 2027… Sở Công Thương chịu trách nhiệm tăng cường công tác xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài; tiếp tục tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác nhằm tăng sức mua của thị trường nội địa.
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương sẽ chủ trì việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, qua đó thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ hiện đại, hình thành các doanh nghiệp số có sức canh tranh trên thị trường…
Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành…
Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường, Bình Dương đang từng bước khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế - công nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Công Danh