Tại Bình Dương, rất nhiều dự án đã triển khai xây dựng (trong đó có những dự án đã nhận đặt cọc, thu tiền của khách hàng qua nhiều hình thức khác nhau) nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính vì chưa xác định được giá đất.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký Văn bản số 7221/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 124/CĐ-TTg ngày 30/11/2024. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đề nghị các Sở, ngành trong tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình và căn cứ vào nội dung Công điện để thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Cục Thuế tỉnh tăng cường các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế, thực hiện thu đúng, đủ các khoản thu phát sinh theo quy định của pháp luật thuế, chống thất thu, triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước trong tháng cuối năm, tránh tâm lý thiếu tập trung do đã hoàn thành đạt dự toán nhằm phấn đấu thu vượt dự toán HĐND giao ở mức cao nhất, đúng thực tế, đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền được giao; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn địa phương các quy định của Luật Đất đai; theo dõi sát sao việc tổ chức, triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ theo thẩm quyền và báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền.
Sở Xây dựng rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý, các dự án có khả năng thanh khoản tốt, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới... từ đó tạo lập và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Sở Tài chính triển khai kịp thời trách nhiệm của cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; phối hợp tích cực với các cơ quan, tổ chức, các huyện, thành phố trong quá trình triển khai Đề án khai thác nguồn lực từ đất phục vụ cho đầu tư phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương…
Liên quan đến nguồn thu ngân sách từ đất đai, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đánh giá nhận định, công tác xác định giá đất cụ thể thời gian qua được thực hiện theo quy định pháp luật, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Đối với giá đất để bồi thường đã tạo sự đồng thuận của người dân. Đối với giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, giúp ổn định môi trường đầu tư…
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả nhất định, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn thông tin đầu vào từ giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng chưa phản ánh đúng giá giao dịch thực tế; tài sản được sử dụng để so sánh thường không cùng mục đích sử dụng đất hoặc không tương đồng về diện tích với khu đất cần định giá. Việc sử dụng Chỉ số CPI tỉnh để tính bình quân 3 năm làm cơ sở tăng giá đất cũng chưa đạt mức tối ưu, dẫn đến giá đất có xu hướng giảm; trong ước tính tổng chi phí đầu tư xây dựng, cách hiểu khác nhau giữa các đơn vị về suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng và Chỉ số giá do Sở Xây dựng công bố cũng gây khó khăn trong thực hiện…
Để tháo gỡ các vướng mắc này, UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp hướng dẫn địa phương. Qua kết quả làm việc đã cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác xác định giá đất…
Công Danh