Tại Tọa đàm khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền PCCC của lực lượng PCCC Công an tỉnh Bình Dương” diễn ra mới đây, trong phần tham luận, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, thành viên Nhóm chuyên gia tư vấn Xây dựng Chiến lược Kinh tế số, Xã hội số quốc gia đã phân tích về tầm quan trọng trong chuyển đổi số trong (Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) PCCC và CNCH.
Theo TS. Hoa, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được triển khai từ tháng 6/2020, đến nay hơn 4 năm và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trong hơn 4 năm đó, mục tiêu của chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng công nghệ số nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Từ tháng 9/2024, Bộ Chính trị, đại diện là Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra quan niệm hoàn toàn mới về chuyển đổi số.
Theo đó, chuyển đổi số mang một trọng trách vô cùng quan trọng làm thay đổi phương thức sản xuất của xã hội từ sản xuất truyền thống mang nặng tính thủ công bán tự động sang sản xuất số, hướng đến sản xuất thông minh. Nhận định trên của Tổng Bí thư Tô Lâm như một chỉ thị đến tất cả hệ thống chính trị, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay góp phần xây dựng Phương thức sản xuất số nhằm đưa nước ta vươn lên mạnh mẽ trở thành một quốc gia phát triển trong kỷ nguyên số trong thời gian ngắn nhất.
Công an Bình Dương hướng dẫn người lao động sử dụng app báo cháy
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng Phương thức sản xuất số, thì việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC và CNCH không dừng lại ở mức độ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động PCCC và CNCH theo phương thức hoạt động hiện nay mà cao hơn nhiều.
Tận dụng công nghệ để phòng cháy hơn chữa cháy
TS. Nguyễn Tuấn Hoa khẳng định, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy. Vì vậy, những nỗ lực ứng dụng công nghệ số và các công nghệ cao khác (công nghệ vật liệu mới, công nghệ in 3D, công nghệ nano, AI, Robot và tự động hóa....) trước tiên là phục vụ phòng cháy. Xác định chính xác những nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ theo thời gian thực bằng hệ thống cảm biến (IoT) và các thiết bị hỗ trợ khác, cập nhật bản đồ cảnh báo cháy, nổ toàn khu vực (khu phố, thành phố hay cả tỉnh). Những dữ liệu này là đầu vào cho các quy trình phòng cháy thông minh có khả năng ngăn ngừa một cách chủ động những nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Hệ thống báo, chữa cháy cháy tự động tại Công ty TNHH You Young Vina - Bình Dương.
Cũng theo T.S Hoa, để xây dựng được phương thức PCCC và CNCH số hiệu quả phải xây dựng được hạ tầng số ngành PCCC và CNCH, thiết kế, vận hành và hoàn thiện được các quy trình PCCC và CNCH số, xây dựng được hành lang pháp lý cho PCCC và CNCH số, phát triển lực lượng PCCC và CNCH số và từng bước xây dựng văn hóa PCCC và CNCH số trong toàn xã hội. Đặc biệt, cần thiết phải phát triển nhân lực số với 3 nhóm, trong đó có nhóm lãnh đạo, nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ, chiến sỹ.
Theo Thành viên Nhóm chuyên gia tư vấn Xây dựng Chiến lược Kinh tế số, Xã hội số quốc gia, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra những khác biệt vượt trội, cao hơn hẳn so với các giai đoạn trước. Tất cả đều do các công nghệ tiên tiến với công nghệ số làm trung tâm mang lại. Đây là lý do chính mà Bộ Chính trị ra chỉ thị phải xem chuyển đổi số như cơ hội thay đổi, bứt phá với mục tiêu xây dựng phương thức sản xuất số đưa Việt Nam tiến nhanh thành quốc gia phát triển xứng với tầm vóc và vị thế của mình trong kỷ nguyên mới.
Từ đó, chuyên gia nhận định, xây dựng phương thức sản xuất số ở Bình Dương nói chung, xây dựng phương thức PCCC và CNCH số nói riêng trong ngành PCCC và CNCH là nhiệm vụ tất yếu cần phải làm.
Công an tỉnh Bình Dương trang bị robot chữa cháy
Chuyên gia đánh giá hiện nay, các cơ sở lý luận và giải pháp công nghệ cần thiết đã hội đủ. Với sự quyết tâm, Bình Dương sẽ thực hiện xuất sắc chuyển đổi số trong PCCC và CHCN, trở thành mô hình mẫu. Xây dựng phương thức sản xuất số nói chung và xây dựng phương thức PCCC và CNCH số nói riêng là những việc rất mới, chưa địa phương nào triển khai. Vì vậy, đây là cơ hội để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương vươn lên mở đường.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn 51.973 cơ sở. Trong đó có 76 chợ, 8 trung tâm thương mại, siêu thị… nguy cơ xảy ra cháy, nổ là rất lớn, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế.
Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã ứng dụng công nghệ trong PCCC như lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh; hệ thống camera giám sát an ninh… Qua đó kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ.
Hương Chi