Chiều 7-11, C02 đã cung cấp chính thức thông tin về chuyên án bắt Phạm Đức Bình (tức Bình “Kiểm”).
Quá khứ bất hảo của Bình “Kiểm”
Theo Đại tá Lê Khắc Sơn, tháng 4-2024, Phạm Đức Bình ra tù. Bình "Kiểm" là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, từng cầm đầu băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm trước đây. Bình có bản tính lì lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.
Trước năm 1991, lợi dụng khi còn là quân nhân Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự TPHCM, Bình nhiều lần mua bán, chiếm đoạt vũ khí quân dụng của đơn vị và của các đối tượng khi thi hành công vụ. Sau khi xuất ngũ, Bình cầm đầu băng nhóm gồm các đối tượng gốc Bắc chuyên bảo kê, tranh giành địa bàn, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, mở sòng bạc, vũ trường tại TPHCM.
Đại tá Lê Khắc Sơn (bên phải), Trưởng phòng Trọng án thông tin về chuyên án Bình "Kiểm". Ảnh: ĐỖ TRUNG
Năm 1996, sau khi bị bắt đi lao động cải tạo, Bình trốn khỏi nơi giam giữ, tiếp tục hoạt động tổ chức đánh bạc đến năm 1998 thì bị bắt theo lệnh truy nã và bị Tòa án nhân dân quận 10, TPHCM tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội “Đánh bạc”; “Trốn khỏi nơi giam giữ”.
Sau khi ra tù, Bình tiếp tục chỉ đạo, điều hành hoạt động cho vay lãi nặng, tranh giành địa bàn, gây ra nhiều vụ “Cố gây thương tích” và bị phạt lao động cải tạo tại Trung tâm lao động cải tạo Huy Khiêm (Bình Thuận). Tại đây Bình tiếp tục tụ tập, lôi kéo đàn em hình thành băng nhóm, thường xuyên đánh nhau với các băng nhóm, đối tượng khác có mâu thuẫn trong thời gian cải tạo.
Ngay sau khi ra trại, Bình tiếp tục đánh anh rể thương tích 12%. Trước khi Tòa án nhân dân thị xã Móng Cái, Quảng Ninh xét xử, Bình đã bỏ trốn, đến năm 2003 thì bị bắt đi thi hành án 12 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi ra tù (năm 2004), Bình tiếp tục mua và tàng trữ 1 súng AK, 5 khẩu súng ngắn, trên 400 viên đạn, 2 quả lựu đạn, chỉ đạo 4 đồng bọn lên kế hoạch và tổ chức bắt cóc và đòi 10 triệu USD tiền chuộc.
Đọc lệnh bắt Bình "Kiểm"
Kế hoạch phát tán clip để tống tiền
Ngày 31-3-2010, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt Bình 30 năm tù giam về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”; “Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Ngay sau khi Bình “Kiểm” ra tù, trinh sát Phòng Trọng án (C02) đã chủ động nắm, thu thập thông tin, dựng mối quan hệ của Bình “Kiểm”.
Qua đó phát hiện thông tin Phạm Đức Bình có biểu hiện rủ rê, lôi kéo, tụ tập “đàn em” móc nối với các bạn tù và đối tượng hình sự để hình thành băng nhóm. Bình bàn bạc với đồng bọn lên kế hoạch góp tiền để mua vũ khí quân dụng và tổ chức sự kiện mời một số người mẫu, ca sĩ nổi tiếng tham gia sau đó sẽ bắt cóc, sử dụng vũ khí đe dọa, cưỡng ép quan hệ tình dục và quay clip chuyển cho đồng bọn tại Mỹ để phát tán trên các trang website khiêu dâm nhằm kiếm tiền.
Tang vật vụ án
Theo C02, về kế hoạch này, các đối tượng đã tiến hành gặp gỡ kêu gọi góp tiền đầu tư, phân công nhiệm vụ cho các đối tượng, dự kiến thời gian, địa điểm thực hiện. Để thực hiện hành vi phạm tội, thông qua quan hệ xã hội Bình “Kiểm” đã liên hệ Nguyễn Tuấn An (sinh 1983, trú tại xóm 13, thôn Đỗ Xá, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đối tượng này có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 tiền sự về tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích tại Việt Nam; 1 tiền án tàng trữ vũ khí quân dụng tại Lào) tìm mua cho Bình súng AK và đạn để chuyển về Việt Nam.
Thực hiện phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa; với tinh thần kiên quyết chặn đứt nguồn cung cấp vũ khí từ nước ngoài, ngăn chặn không để vũ khí thẩm lậu vào Việt Nam, không để vũ khí lọt vào tay tội phạm, đặc biệt là không để các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội, C02 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Phòng Trọng án giao chủ trì đấu tranh, triệt phá băng nhóm tội phạm do Bình “Kiểm” cầm đầu.
Đối tượng Nguyễn Tuấn An ở tỉnh Hưng Yên khi bị bắt. Ảnh: C02 cung cấp
Căn cứ vào kết quả công tác xác minh, xét tính cấp bách, đặc biệt nguy hiểm của băng nhóm tội phạm Bình “Kiểm” thực hiện kế hoạch phạm tội. C02 đã phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan, Công an TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và các đơn vị thuộc Bộ Công an Lào đồng loạt phá án tại Việt Nam và Lào.
Quá trình đấu tranh triệt phá, điều tra xử lý đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án về các hành vi “Chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc”, “Không tố giác tội phạm”; “Tàng trữ trái phép chất ma túy" khởi tố 16 bị can, trong đó có Bình “Kiểm”.
Theo Đại tá Lê Khắc Sơn, đối tượng Bình là người máu lạnh, không nói, không rằng, chỉ thích hành động. Đối tượng từng tranh giành sòng bài của Năm Cam năm xưa. Với Bình, không ngần ngại sử dụng vũ khí thực hiện hành vi phạm tội.
Bình "Kiểm" khi bị bắt. Ảnh: C02 cung cấp
Chuyên án này được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, tuyệt đối không để vũ khí lọt vào Việt Nam; không để đối tượng gây án và chống lại lực lượng công an. Mặc dù là chuyên án của C02, nhưng qua chuyên án này, công an 2 nước Lào và Việt Nam đã thực hiện phối hợp tốt. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào đã nhiều lần trực tiếp tham gia chỉ đạo các đơn vị phối hợp bắt giữ đối tượng.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang đã có thư gửi người đồng cấp Lào; đồng thời khen thưởng cho các đơn vị tham gia phối hợp của Bộ Công an Lào.
Cũng theo Đại tá Lê Khắc Sơn, khi bị bắt, đối tượng Bình “Kiểm” tỏ ra bình thản, không phản kháng. Kết quả điều tra đến nay, từ hành vi chuẩn bị hung khí gây án, đến nay khởi tố 7 hành vi.
Đây là vụ án điển hình trong đấu tranh với băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia; các đối tượng trong chuyên án đều là những đối tượng hình sự, cộm cán, nhiều tiền án tiền sự, hành vi manh động, liều lĩnh, sử dụng vũ khí quân dụng để phạm tội tại Lào và Việt Nam.
Việc đấu tranh, triệt phá, bắt giữ thành công các đối tượng trong băng nhóm tội phạm đã kịp thời ngăn chặn được hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, không để vũ khí thẩm lậu vào Việt Nam; truy xét triệt để các hành vi phạm tội của các đối tượng trong băng nhóm; không để tội phạm hoạt động phức tạp, manh động gây bức xúc dư luận; đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn cho lực lượng phá án, quần chúng nhân dân và đối tượng.