Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Vietnam+)
Trật tự thương mại toàn cầu rung lắc
Các nước đang nhanh chóng hành động để ứng phó trước nguy cơ biến động của thương mại toàn cầu và hầu hết các phản ứng cho đến nay đều khá thận trọng.
Không hề cường điệu khi nhận định ngày 2/4/2025 đã đi vào lịch sử của kinh tế thế giới. Một số nhà quan sát đã ví von thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thuế quan đối ứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 2/4 là sự kiện tài chính quan trọng nhất kể từ vụ phá sản của Lehman Brothers ngày 15/9/2008. Nhưng nhiều khả năng lịch sử sẽ đánh giá sự kiện ở Vườn hồng còn quan trọng hơn, một sự kiện mà sức ảnh hưởng sẽ giao thoa giữa địa chính trị, kinh tế và thị trường tài chính.
Nếu như sự sụp đổ của Lehman Brothers khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất thế giới trong vòng một thế kỷ, thì chính sách thuế quan mới của Mỹ nếu được thực thi đầy đủ sẽ là một cuộc tổng tấn công vào hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã gần 80 năm tuổi.
Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng Tổng thống Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả để buộc các quốc gia khác phải nhượng bộ.
Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận: "Thuế quan mang lại cho chúng ta sức mạnh to lớn để đàm phán." Vậy liệu có phải chính quyền Mỹ chỉ đang sử dụng thuế quan như một con bài đàm phán? Nhưng nước Mỹ trên thực tế không thể đàm phán với gần 200 quốc gia cùng một lúc. Và nếu ông chủ Nhà Trắng chỉ sử dụng thông báo ngày 2/4/2025 như một lời đe dọa, có lẽ ông cũng sẽ không ấn định thời gian thực hiện chính sách thuế quan chỉ vài ngày sau khi công bố.
Nhiều bằng chứng đang củng cố nhận định rằng đợt áp thuế quan toàn diện này của Mỹ có thể không chỉ đơn giản là một con bài mặc cả, mà là một kế hoạch cứng rắn với nhiều toan tính ẩn sau.
Cho dù mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng là gì chăng nữa thì thông báo ngày 2/4/2025 của nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới cũng làm thay đổi trật tự thương mại toàn cầu mà chính nước Mỹ đã dày công xây dựng.
Đây là một "canh bạc" lớn nhằm biến đổi mối quan hệ kinh tế toàn cầu và làm dấy lên nỗi lo về một cú sốc khi kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Thị trường đã choáng váng khi Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu dao động từ 10-49% đối với tất cả các quốc gia. Chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử, khi để "bốc hơi" 5.000 tỷ USD chỉ trong hai phiên 3-4/4/2025.
Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo tính toán của các nhà kinh tế, sự thay đổi chính sách này của Tổng thống Trump, nếu không được đảo ngược, có thể sánh ngang với quyết định năm 1971 của Tổng thống Richard Nixon nhằm lật lại các thỏa thuận do Mỹ và các đồng minh thời chiến tạo ra trong Thế chiến II, khi Washington đồng ý đổi USD lấy vàng với tỷ giá 35 USD một ounce vàng.
Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Morgan Stanley nhận định, "đây có lẽ là nỗ lực lớn nhất nhằm định hình lại cơ bản cấu trúc thuế-thương mại tại Mỹ kể từ khi Tổng thống Nixon đưa chúng ta ra khỏi chế độ bản vị vàng vào đầu những năm 1970."
Chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ đại diện cho một chiến lược có độ rủi ro cao, nhưng phần thưởng cũng sẽ rất lớn. Nếu "cây gậy" thuế quan dẫn đến những nhượng bộ đáng giá từ các đối tác thương mại và sự phục hồi của ngành sản xuất Mỹ, đây sẽ là bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy các chính sách kinh tế của ông Trump có hiệu quả lớn.
Nhưng nếu chính sách này gây ra phản ứng trả đũa, các cuộc chiến pháp lý và tình trạng kinh tế ổn, nó có thể được coi là một ví dụ hùng hồn về cách tiếp cận thương mại sai lầm của ông Trump.
Điều chắc chắn là cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo từ các "người chơi" lớn để tìm đáp án cho một câu hỏi: liệu đây có phải là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, hay đây là sự khởi đầu của những gì mà lịch sử sẽ coi là một vòng xoáy chiến tranh thương mại hoàn toàn vô nghĩa.
Giấc mơ Mỹ và chiến thuật "tất tay"
Khi đã qua "cơn sốc", bình tĩnh nhìn lại sự kiện 2/4/2025 - ngày mà Tổng thống Donald Trump gọi là "Ngày Giải phóng" - có lẽ phải thừa nhận rằng yếu tố bất ngờ không quá lớn.
Giới quan sát trước đó đã dành nhiều giấy mực để phân tích mục đích của chính sách thuế quan, đó là tăng nguồn thu cho chính phủ, thúc đẩy hoạt động sản xuất đến Mỹ vì lý do kinh tế và an ninh quốc gia, và điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thương mại. Cả ba động lực này đều được đề cập đến trong thông báo ngày 2/4 của Tổng thống Mỹ ở Vườn Hồng.
Bất ngờ ở đây có lẽ là Tổng thống Mỹ đã quyết tâm triển khai thực hiện những gì ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Nhiều người trước đó cho rằng những tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng về thuế quan chỉ mang tính đe dọa, chỉ là "hùng biện," thì nay đã phải thay đổi quan điểm.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - một thước đo rộng về thương mại và thu nhập từ nước ngoài - vào năm 2024 đứng ở mức 1.100 tỷ USD. Có thể con số này đã khiến Tổng thống Trump và các cố vấn của ông cảm nhận sâu sắc hơn về nhu cầu phải cải tổ thương mại toàn cầu.
Thuế quan có thể mang lại nguồn thu mới cho chính phủ nhưng có khả năng gây thiệt hại lớn cho các thị trường tài chính. Giá tài sản cao trong hai năm qua đã phản ánh xu hướng đặt cược của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ đang trong "thể trạng" tốt hơn so với các nền kinh tế ngang hàng.
Vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã thừa hưởng một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định và tỷ lệ lạm phát giảm, nhưng lại dễ bị tổn thương do lĩnh vực bất động sản đóng băng, thị trường lao động nguội lạnh và cổ phiếu được định giá cao.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Trump từ lâu đã "gắn mác" cho thâm hụt thương mại là dấu hiệu của suy yếu kinh tế. Nhưng trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, các nước có thể giảm mua trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc có ít vốn dôi dư hơn để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản,...tại nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Có thể khẳng định là chính sách thuế quan mới, không chỉ phá vỡ hoạt động thương mại, mà cũng sẽ làm thay đổi dòng chảy của vốn nước ngoài vào Mỹ.
Đây là một "canh bạc" lớn mà bản thân Tổng thống Mỹ dường như đã lường trước rằng chính sách thuế quan mới sẽ gây ra nhiều biến động trên thị trường toàn cầu. Ông Donald Trump đã nói rằng: "Có một giai đoạn chuyển đổi, vì những gì chúng ta đang làm là rất lớn."
Mức thuế quan cơ bản 10% có hiệu lực vào ngày 5/4 và thuế quan đối ứng có hiệu lực vào ngày 9/4, vì vậy các quốc gia trên khắp thế giới có rất ít thời gian để lựa chọn con đường của mình.
Một số nước cố gắng đạt được thỏa thuận với Washington, trong khi những quốc gia khác có thể đáp trả bằng thuế quan trả đũa, nhưng bao trùm nền kinh tế toàn cầu sẽ là sự bất ổn.
Không nơi nào "miễn nhiễm" với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất Trái đất như đảo Heard và quần đảo McDonald, nơi chỉ có các loài động vật hoang dã sinh sống, cũng nằm trong số các "lãnh thổ bên ngoài" thuộc Australia được Nhà Trắng liệt kê riêng để áp dụng mức thuế quan 10%.
Trong ba tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy ông nghiêm túc trong việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ và ông sẵn sàng sử dụng chính sách thuế quan với quy mô lớn để thực hiện điều này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessant trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York tuyên bố rằng "Việc tiếp cận hàng hóa giá rẻ không phải là bản chất của Giấc mơ Mỹ."
Và chúng ta hoàn toàn có thể hiểu câu nói này như sau: thuế quan sẽ làm tăng giá hàng hóa tại thị trường Mỹ để thúc đẩy mục tiêu dài hạn của Tổng thống Trump là đưa sản xuất trở lại "xứ cờ hoa." Tổng thống Mỹ cũng đã thừa nhận rằng sẽ có những đau đớn và hy sinh trong ngắn hạn trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn kinh tế của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, ông Trump đã từ chối loại trừ khả năng xảy ra suy thoái trong nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Mỹ đang đánh cược rằng người dân sẽ đủ kiên nhẫn để chịu đựng giá cả sinh hoạt cao và thậm chí là suy thoái kinh tế để đưa ngành sản xuất của Mỹ trở lại thời hoàng kim.
Để không lỡ nhịp với thời đại
Trước chính sách thuế quan đối ứng gây nhiều tranh cãi của Mỹ, phản ứng của các nước sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu.
Chắc chắn, hành động trả đũa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính quốc gia đã quyết định phản công. Trong khi đó, việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào "người khổng lồ" Mỹ cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Nói một cách ngắn gọn là ngồi lại để đàm phán, thương lượng với Mỹ về một thỏa thuận mới có lẽ là lựa chọn tốt nhất đối với nhiều quốc gia. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett cho biết, tính đến ngày 6/4, hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán thương mại.
Trong cuộc đàm phán này, nước Mỹ có một bản danh sách dài những mong muốn, như Tổng thống Donald Trump đã công khai tiết lộ, đó là: đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ; ứng phó với các chính sách thương mại không công bằng từ các quốc gia khác; tăng nguồn thu thuế; và trừng phạt hoạt động di cư bất hợp pháp vào Mỹ cũng như nạn buôn bán chất gây nghiện fentanyl.
Ở thời điểm bước ngoặt của toàn cầu hóa, các nước sẽ sẵn sàng "hy sinh" như thế nào trong cuộc đàm phán cân não với Washington để duy trì sự ổn định quốc gia?
Cho dù lựa chọn của các nước là gì, thì phương án an toàn nhất có lẽ vẫn là phải tự cứu mình bằng cách làm cho nền kinh tế quốc gia trở nên cạnh tranh hơn - một nền kinh tế sáng tạo hơn, hiệu suất cao hơn.
Ngay sau thông báo áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ, các đối tác thương mại của Mỹ, từ đối thủ truyền kiếp đến các đồng minh thân cận đều gấp rút vào cuộc để ứng phó.
Các phản ứng khá đa dạng. Nếu như Trung Quốc ngay lập tức phản đòn với một loạt biện pháp được giới quan sát đánh giá là "nặng đô", thì Nhật Bản và Singapore lại lựa chọn cách tiếp cận có phần thận trọng. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết sẽ hối thúc Tổng thống Trump xem xét lại các biện pháp thuế quan.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thành lập khoảng 1.000 trung tâm tư vấn để đánh giá hậu quả đối với các doanh nghiệp và đảm bảo rằng các công ty vừa và nhỏ đang gặp khó khăn có đủ nguồn tài trợ đáp ứng nhu cầu.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 3/4/2025. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore, ông Gan Kim Yong mặc dù "thất vọng" khi nước này bị Mỹ áp thuế 10%, nhưng đã khẳng định chắc nịch: "Trả đũa thuế quan sẽ chỉ làm tăng thêm chi phí nhập khẩu của chúng tôi." Ông cũng cho biết Singapore sẽ cố gắng tiếp cận Mỹ để hiểu các vấn đề mà Tổng thống Trump quan tâm và xem liệu có thể giải quyết được hay không.
Trên bình diện khu vực, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) muốn tìm giải pháp thông qua đàm phán, nhưng cũng sẵn sàng cho tình huống đàm phán thất bại.
Tại Đông Nam Á, Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã triệu tập cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng kinh tế ASEAN vào ngày 10/4 để thảo luận về phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực.
Cho dù chính sách thuế quan của Mỹ báo trước "sự giải phóng" của cường quốc số 1 hành tinh, hay thay vào đó là sự tan rã của trật tự thương mại toàn cầu, thì chính sách này cũng đang ảnh hưởng đến mọi nền kinh tế.
Để ứng phó, một cách tiếp cận chủ động, linh hoạt, trên tinh thần xây dựng và hợp tác có lẽ là con đường hiệu quả nhất để đáp ứng lợi ích của các bên. Và đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tối ưu các nguồn lực có hạn.
Trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, một nền kinh tế sẽ cần hơn bao giờ hết những chính sách có thể thu hút đầu tư, giảm rào cản đối với đổi mới và tăng cường cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng.
Các nước cũng cần nỗ lực ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Và thời điểm hiện nay có thể là là cơ hội "ngàn năm có một" để nhiều nền kinh tế chuyển đổi chính sách thương mại của mình, để không chỉ bảo vệ chủ quyền kinh tế mà còn đảm bảo tương lai thịnh vượng cho người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ phải trải qua những bước chuyển sâu sắc và mạnh mẽ, chính phủ các nước đều đang có những hành động ứng phó phù hợp, bởi nếu không kịp thời nhận diện được cơ hội và thách thức, sẽ bị lỡ nhịp với dòng chảy của thời đại./.
(TTXVN/Vietnam+)