Bình minh mới cho các tỷ phú công nghệ Trung Quốc?

Bình minh mới cho các tỷ phú công nghệ Trung Quốc?
3 giờ trướcBài gốc
Nhà đồng sáng lập Tencent Pony Ma đã vượt qua thời kỳ khó khăn của các “ông trùm” công nghệ Trung Quốc và một lần nữa trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg mới nhất, Pony Ma (Mã Hóa Đằng), đồng sáng lập Tencent Holdings, một lần nữa trở thành người giàu nhất Trung Quốc, với giá trị tài sản ròng 44,3 tỷ USD, đưa ông lên vị trí thứ 27 trên toàn cầu.
Xếp ngay sau ông trong bảng xếp hạng là ông trùm nước đóng chai Zhong Shanshan và Zhang Yiming, nhà đồng sáng lập gã khổng lồ công nghệ ByteDance - công ty sở hữu TikTok.
Chỉ vài năm trước, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay chấn chỉnh hoạt động của các doanh nhân và công ty công nghệ. Một số "ông trùm" bị kết án vì những vi phạm, những người khác biến mất khỏi công chúng, trong đó có Jack Ma, người đã từ chức Chủ tịch Alibaba.
Lúc này, sự trỗi dậy của Pony Ma có vẻ như là một tín hiệu tích cực về một môi trường rộng mở hơn.
Tài sản của Pony Ma chủ yếu đến từ cổ phần của ông tại Tencent, công ty mà ông đồng sáng lập vào năm 1998 với trụ sở chính tại Thâm Quyến. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, Tencent đã trở thành một công ty công nghệ và internet hàng đầu thế giới.
Tencent nổi tiếng với QQ và WeChat, hai trong số những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc và kết nối hơn một tỷ người.
Tencent cũng là nhà cung cấp trò chơi điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, với các trò chơi phổ biến như "Honour of Kings" và "League of Legends".
Tháng trước, Tencent đã phát hành "Black Myth: Wukong" (Hắc thần thoại: Ngộ Không), trò chơi điện tử "AAA" đầu tiên của Trung Quốc. AAA là một thuật ngữ thông dụng trong ngành trò chơi được công nhận trên toàn cầu, dùng để chỉ các sản phẩm độc lập, kinh phí lớn.
Game được quảng cáo rầm rộ này đã vượt qua doanh số 10 triệu lượt bán trên nhiều nền tảng trong vòng ba ngày kể từ khi phát hành, trở thành một trong những trò chơi thành công nhất mọi thời đại của Trung Quốc. Game dựa trên tiểu thuyết Tây Du Ký và gây ấn tượng với nhiều cảnh quan Trung Quốc. Sự phổ biến của trò chơi này phù hợp với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy sức hấp dẫn văn hóa quốc tế của Trung Quốc.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Xinhua đã ca ngợi "Hắc thần thoại: Ngộ Không" vì "kể những câu chuyện Trung Quốc với chất lượng đẳng cấp thế giới" và mang đến một cách mới để những người chơi toàn cầu hiểu về văn hóa Trung Quốc.
Đánh giá chính thức này có ý nghĩa rất lớn. Trong những năm trước, Tencent đã từng trải qua thời gian khó khăn trong đối phó với các quy định nghiêm ngặt về trò chơi điện tử của chính phủ.
Vào tháng 8/2021, cơ quan quản lý trò chơi điện tử của Trung Quốc đã công bố các chính sách giới hạn người chơi trực tuyến dưới 18 tuổi chỉ được chơi một giờ vào thứ Sáu, cuối tuần và ngày lễ. Đây là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc, bao gồm cả Tencent.
Vào tháng 12/2023, Bắc Kinh đã đưa ra thêm luật nhằm mục đích hạn chế hơn nữa số tiền và thời gian có thể dành cho trò chơi điện tử. Thông báo này khiến giá cổ phiếu của Tencent giảm 12,4%. Nhưng công ty vẫn cam kết sẽ thực hiện nghiêm ngặt mọi yêu cầu quản lý mới.
Ông Pony Ma (giữa), nhà đồng sáng lập chính của Tencent. Ảnh: Xinhua
Ở Trung Quốc, việc tuân thủ các quy định của nhà nước là rất quan trọng. Một tỷ phú công nghệ Trung Quốc khác, Jack Ma, đã phải đối mặt với hậu quả của việc công khai thách thức các quy định này.
Vào năm 2020, Jack Ma đã sẵn sàng tung ra đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới, dự định huy động khoảng 34 tỷ USD cho gã khổng lồ công nghệ tài chính của mình, Ant Group. Tuy nhiên, sau khi ông có bài phát biểu tại Thượng Hải chỉ trích gay gắt các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc vì các quy định lỗi thời và can thiệp quá mức, các cơ quan quản lý đã dừng đợt IPO của Ant Group.
Viện dẫn những lo ngại rằng các sản phẩm tài chính điện tử của Ant Group khuyến khích việc vay mượn và đầu tư không hạn chế, Trung Quốc cuối cùng đã đình chỉ đợt IPO vào cuối năm 2020.
Trong những năm tiếp theo, Ant và công ty liên kết Alibaba đã bị phạt hàng tỷ USD vì cáo buộc vi phạm các quy định tài chính.
Giai đoạn này đánh dấu một lập trường quản lý chặt chẽ hơn nhiều từ Trung Quốc. Các ông trùm công nghệ đã phải thích nghi với thực tế mới.
Năm 2021, Pony Ma đã công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp internet, bao gồm cả doanh nghiệp của chính ông. Ông cũng chủ động tình nguyện gặp gỡ các cơ quan chống độc quyền.
Tencent đã thu hẹp quy mô bằng cách thoái vốn khỏi nhiều lĩnh vực khác nhau và chính phủ yêu cầu tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tài chính của mình.
Trong nhiều thập kỷ cải cách và mở cửa, Bắc Kinh đã cam kết giải phóng các lực lượng của thị trường, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân và hiện đại hóa các tổ chức tài chính của mình. Điều kiện tiên quyết là nhà nước phải duy trì quyền tối cao trong điều chỉnh và huy động các nguồn lực thị trường.
Tuy nhiên, nền kinh tế của nước này vẫn trì trệ sau đại dịch COVID-19.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch hành động gồm 31 điểm để ứng phó, nhằm mục đích làm cho nền kinh tế tư nhân "lớn hơn, tốt hơn và mạnh hơn". Vài giờ sau khi công bố, Pony Ma đã công khai ca ngợi động thái của chính phủ là "đáng khích lệ và truyền cảm hứng".
Với những tín hiệu tích cực đó, các nhà quan sát và doanh nhân Trung Quốc đang lạc quan về một mùa xuân mới đang đến với khu vực kinh tế tư nhân.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/binh-minh-moi-cho-cac-ty-phu-cong-nghe-trung-quoc-20240925110650990.htm