Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh (giữa) cùng lãnh đạo các sở, ngành, thị xã Chơn Thành thị sát tại các điểm trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn quan địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)
Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt ngày 12/12/2024 với chiều dài khoảng 6,6 km, đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 6 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 1.474 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 474 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Trên tuyến thiết kế 2 nút giao. Cụ thể, một nút giao với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc–Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) và nút giao với Quốc lộ 14.
Dự án thiết kế 1 vị trí lối ra vào gần đường N14 thuộc quy hoạch trong Khu công nghiệp Becamex Bình Phước. Lối ra vào này kết hợp với lối ra vào bên địa phận tỉnh Bình Dương tạo thành 1 lối ra vào hoàn chỉnh.
Trên tuyến có 3 hầm. Hầm số 1 tại vị trí giao với đường N15 quy hoạch trong Khu công nghiệp Becamex Bình Phước; hầm số 2, 3 tại trước và sau nút giao với cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh, đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo đúng quy định. Dự kiến trong tuần này, thị xã Chơn Thành sẽ tiếp tục thực hiện họp dân, thực hiện việc kiểm kê và thu hồi đất toàn tuyến.
Bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết đã đề nghị thị xã Chơn Thành phối hợp các sở, ngành tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện dự án. Các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện các thủ tục liên quan, triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ; chủ động, nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các điều kiện liên quan tại các khu tái định cư đã được lựa chọn.
“Đối với các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần nhanh chóng báo cáo cấp có thẩm quyền để có những tháo gỡ kịp thời. Thực hiện dự án trước thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/2025)”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 14/12/2024, tại Bình Phước, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự Lễ động thổ công trình xây dựng Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước. Toàn dự án có tổng chiều dài khoảng 70km; trong đó, đoạn đi qua tỉnh Bình Phước dài 6,6 km; qua tỉnh Bình Dương dài 52km, còn lại qua Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành là một trong 8 dự án trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, kết nối với Tây nguyên đi xuyên qua các trung tâm công nghiệp sản xuất lớn của Bình Phước, Bình Dương hướng về Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bình Phước cần chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, để Bình Phước “cất cánh,” vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển. Trong số đó, việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành; cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của QL14, kết nối vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đăk Nông đi Bình Phước về Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh–quốc phòng.
Địa phương còn xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như: đường Đồng Phú-Bình Dương; tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng-Chơn Thành-Hoa Lư; tuyến ĐT 753; mở mới đường Minh Lập-Phú Riềng quy mô 4–6 làn xe để kết nối Phước Long-Phú Riềng với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, khi những dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nêu trên hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị thông minh cho Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030./.
(TTXVN/Vietnam+)