Đường ĐT.753 là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước.
Ngày 13/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho biết, Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước vừa có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề trên.
Theo đó, tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phương án khôi phục cầu Mã Đà với tổng mức đầu tư khoảng 5.130 tỷ đồng để có tuyến đường kết nối ngắn nhất từ Bình Phước đến Đồng Nai.
Đánh giá về sự cần thiết có tuyến đường này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đường ĐT.753 có điểm đầu tại thành phố Đồng Xoài, điểm cuối tại cầu Mã Đà, là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên đi qua Bình Phước tới tỉnh Đồng Nai để đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, đường ĐT.753 còn có giá trị chiến lược trong an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, cầu Mã Đà bị đánh sập trong chiến tranh và chưa được khôi phục. Việc đi lại, giao thương giữa hai tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Do đó, khôi phục cầu Mã Đà là nhu cầu cấp bách để kết nối trực tiếp với Đồng Nai, khi hai tỉnh có đường biên giáp ranh 160km nhưng chưa có tuyến đường thông suốt, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Thông báo số 117-TB/VPTW ngày 13/1/2025 về việc nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Phước về chủ trương cho tỉnh đầu tư mở rộng tuyến đường ĐT.753 kết nối đường ĐT.761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Phước và Đồng Nai thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Bình Phước.
Về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường có điểm đầu tại thành phố Đồng Xoài, đi trùng với đường tỉnh ĐT.753 khoảng 15 km. Đoạn cuối tuyến được nghiên cứu đấu nối qua tỉnh Đồng Nai theo 1 trong 2 phương án.
Phương án 1 do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất, có hướng tuyến khôi phục cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Tổng chiều dài khoảng 76 km. Ở phương án này, đối với các tác động ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, qua khảo sát thực tế chỉ có khoảng 2 km rừng tự nhiên, 29 km còn lại là rừng trồng.
Phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, hướng tuyến nối với đường Đồng Phú - Bình Dương và đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (thuộc tỉnh Bình Dương), tiếp tục xây dựng mới 15,5 km để kết nối với đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh tại huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), tổng chiều dài khoảng 71 km.
Lâm Thiện