Chỉ sau 4 tháng triển khai thực hiện, toàn bộ 765 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã được xây mới, sửa chữa cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Những hộ khó khăn về nhà ở mừng vui trong mái ấm tình thương của cộng đồng xã hội được khơi nguồn từ đường lối lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương các cấp.
Những phận đời nghèo khó
12 giờ trưa, nắng đổ xuống cây điều tạo ra những vệt sáng loang lổ trên căn nhà lồ ô đã bạc màu bởi thời gian. Thị Khen bồng đứa con thứ hai đứng trước hiên trông về căn nhà xây vừa mới hoàn thành phần móng. Ngôi nhà của chị nằm trong một đường làng với nhiều khúc cua ở thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng. Lập gia đình từ năm 18 tuổi, vợ chồng đều không có ruộng vườn, chỉ biết làm thuê để kiếm sống. Đất được cha mẹ cho vừa đủ để làm ngôi nhà lồ ô tránh mưa nắng. Đến nay, chị đã 28 tuổi, gia đình có thêm 2 người con nhưng vẫn căn nhà lồ ô ngày ấy. “Trước đây mưa nắng không có vào đâu. Do lâu ngày nó mục nên mưa nắng cứ chạy vào, mình có muốn vậy đâu” - Thị Khen lý giải cho ngôi nhà cũ của mình.
Bà Vi Thị Đông ở thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng mừng vui trong căn nhà mới xây từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Anh Điểu Khây, thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng vệ sinh nhà lắp ghép được trao tặng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Bù Đăng
Chị Điểu Thương Ái Hạ sinh ra và lớn lên ở sóc Bù N’Dia, nay là thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng. 18 tuổi, chị về Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân may mặc rồi lập gia đình năm 2004. Năm 2021, dịch Covid-19 ập đến, chị trở lại quê nhà để tránh dịch bệnh. Cũng từ đó, hạnh phúc gia đình đổ vỡ để lại cho chị 2 người con, đứa lên 5, đứa lên 3. Cả 3 mẹ con tá túc trong ngôi nhà tạm do bố mẹ cho ở phía sau nhà để làm thuê kiếm sống.
Chị Trịnh Thị Tuyển, thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng nhặt điều thuê để nuôi 3 con nhỏ
Chị Trịnh Thị Tuyển (ngồi giữa) được xã Đăng Hà vận động doanh nghiệp, người thân cho cát, gạch và đất để xây nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Cùng cảnh ngộ với Điểu Thương Ái Hạ, chị Trịnh Thị Tuyển ở thôn 5, xã Đăng Hà cũng một thời làm công nhân may mặc ở tỉnh Bình Dương rồi lập gia đình trong môi trường của công nhân. Đúng 10 năm sau ngày kết hôn, chồng theo tiếng gọi ái tình bỏ lại chị cùng 3 người con. Chị về quê mẹ ở trong một căn nhà không ra nhà để có nơi cho con trú ngụ, còn chị thì nhặt điều, gặt lúa, cạo mủ, hái cà phê miễn có người thuê.
Ông Nguyễn Minh Thành, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp chuyển vật dụng về nhà mới sau khi nhận bàn giao từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện Bù Đốp
Ông Nguyễn Văn Cu (thứ 2 từ trái sang) được chính quyền địa phương vận động người thân trong gia đình và bà con lối xóm hỗ trợ đất để có được ngôi nhà mới khang trang
Không giàu, nhưng ông Nguyễn Văn Cu ở ấp Sở Líp, xã Phước An, huyện Hớn Quản cũng từng có nhà, có gia đình như mọi gia đình khác. Thế nhưng hơn 10 năm trước, vợ bị tai biến đột ngột qua đời. Bản thân ông cũng đã 10 năm bị liệt nửa người. Vì thế, nhà cửa, ruộng vườn dần ra đi vì bệnh tật. Từ đó, ông phải đi ở nhờ nhà người thân để bán vé số kiếm sống. Còn ông Nguyễn Minh Thành ở ấp 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp năm nay đã hơn 60 tuổi. Ông sống độc thân bằng nghề giăng lưới, thả câu ở khắp sông suối trên địa bàn huyện Bù Đốp. Từ sông Măng đến sông Đắk Quýt, từ suối đục đến suối trong nơi nào nông sâu ông đều tường tận. Ông ở nhờ nhà hàng xóm mỗi khi trời mưa to, gió lớn. Còn lại phần lớn thời gian ông ngủ trên xuồng theo những dòng sông.
Mệnh lệnh từ trái tim
50 năm sau ngày thống nhất, đất nước đổi thay từng ngày nhưng vẫn còn không ít người dân chưa có được một mái nhà kiên cố để an cư, lạc nghiệp. Không chấp nhận thực trạng “đất nước phát triển mà để dân sống trong nhà dột nát”, ngày 13-4-2024, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025.
Ngày 5-10-2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát động đợt cao điểm 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa 153 ngàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Đây không đơn thuần là mệnh lệnh hành chính mà là mệnh lệnh từ trái tim. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã “Kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh công bố hoàn thành phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025 tại sự kiện động thổ dự án thành phần 1, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh đã chủ trì cuộc họp thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu đặt ra là tập trung trí tuệ hoạch định phương cách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thực hiện thành công.
Đề ra phương châm “nói là làm, làm là có sản phẩm, có chất lượng”, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh yêu cầu từng cơ quan chức năng rà soát, phân nhóm, phân loại từng đối tượng, từng hộ gia đình theo nhóm dữ liệu cụ thể; tập trung các giải pháp để xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trước ngày 30-6-2025. Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các thành viên trong Ban chỉ đạo quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình với tinh thần tiến công “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm hoàn thành chương trình mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30-4 để chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo của tỉnh phát động phong trào 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong vòng 30 ngày, huyện Bù Đốp hoàn thành việc san lấp mặt bằng và xây mới 17 căn nhà cùng với hạ tầng điện nước, cây xanh để trao tặng hộ nghèo khó khăn về nhà ở
Khu nhà liền kề được doanh nghiệp và huyện Bù Đốp chung sức mua đất, xây dựng hạ tầng điện nước, cây xanh và nhà ở để trao tặng 17 hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp không có đất ở
Sau khi có chủ trương, định hướng từ Ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương các cấp vừa rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách, vừa triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu, chắc đến đó. Trên tinh thần “ai có gì góp đó, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt khởi công thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên tinh thần khẩn trương, thần tốc. Từ tiến độ đến những khó khăn, vướng mắc được các thành viên trong ban chỉ đạo các cấp cập nhật từng ngày để kịp thời có hướng chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành mục tiêu đúng tiến độ đề ra.
Thích ứng trong gian khó
Sau khi rà soát tình hình thực tế trên địa bàn toàn tỉnh, trong tổng 765 hộ được thụ hưởng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, có đến 248 hộ không có đất hoặc có đất nhưng lại nằm trong vùng quy hoạch bô xít hoặc đất lâm phần. Thực tế này đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện phong trào xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ chủ trương linh hoạt của tỉnh cho phép xây nhà tiền chế trên đất lâm phần không có tranh chấp, trên đất quy hoạch bô xít chưa đến thời hạn khai thác nên mọi khó khăn đều được tháo gỡ.
Dưới cái nắng sau 10 giờ của mùa khô, trời như đổ lửa, thế nhưng các chiến sĩ biên phòng thuộc đội địa bàn của Đồn biên phòng Bù Gia Mập cùng với đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Bù Gia Mập vẫn miệt mài luân phiên trộn hồ để hoàn thành việc cán nền nhà cho gia đình chị Điểu Thị Chên ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập. Chia sẻ nhọc nhằn công việc của những tình nguyện viên dưới nắng nóng, chị Điểu Thị Chên rót từng ly nước mát lạnh để mời từng người giải khát. Đó cũng là cách để chị Thị Chên bày tỏ lòng biết ơn với cộng đồng xã hội đã giúp chị có được ngôi nhà như mơ ước. “Mình ở vùng sâu, vùng xa rất nhiều khó khăn với nhiều cái để lo. Được Nhà nước cho tiền, bộ đội, chính quyền địa phương cho công để làm căn nhà xây to đẹp hơn. Vậy là tốt lắm rồi, mình mừng lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều” - Thị Chên thổ lộ.
Bù Gia Mập là xã biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước. Vì thế, địa hình khu dân cư thường có độ dốc khá cao. Để có được mặt bằng xây dựng nhà ở, nhiều gia đình phải san lấp đất nền có độ sâu chênh lệch từ 2-4m. Đồng cam, cộng khổ với những khó khăn của người dân nơi đây, Đảng ủy xã Bù Gia Mập đã huy động lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp cùng các hội, đoàn thể của Mặt trận Tổ quốc xã đóng góp ngày công lao động để cùng chính quyền giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ vậy, 108 căn nhà cần xây mới và sửa chữa để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã được hoàn thành đúng tiến độ. Sau khi giúp dân hoàn thành 47 căn nhà xây mới cho hộ nghèo trên địa bàn xã Bù Gia Mập, Đại úy Phạm Văn Trung, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Bù Gia Mập, Bộ đội biên phòng Bình Phước không giấu được niềm vui rằng: “Lo được cái lo cho người dân, thấy được cái vui của người dân sau khi có nhà mới, mình cũng vui theo”.
Một trong những căn nhà tạm, nhà dột nát của xã Đắk Nhau cần xây mới trong khoảng thời gian 20 ngày
20 ngày là mệnh lệnh để xã Đắk Nhau hoàn thành 24 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Để đảm bảo nguồn kinh phí cho mỗi căn nhà đúng tiêu chuẩn, xã đã vận động các gia đình được thụ hưởng chương trình hỗ trợ công lao động, tự thuê nhà thầu dưới sự tham gia, giám sát của chính quyền địa phương. Nhờ linh hoạt trong cách làm, chỉ trong 19 ngày kể từ ngày khởi công, xã Đắk Nhau đã hoàn thành chỉ tiêu được giao. Tận dụng lợi thế nguồn vật liệu xây dựng của địa phương, xã Đăng Hà vận động người dân, doanh nghiệp, người thân hỗ trợ đất, cát, gạch để nâng cao chất lượng từng căn nhà cho mỗi hộ được thụ hưởng chương trình. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, toàn bộ 6/6 căn nhà cần xây mới và sửa chữa cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đã được hoàn thành khá khang trang.
Thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc nhiều. Nhưng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, cách làm linh hoạt, đầy tính sáng tạo của các địa phương, sự đồng lòng hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, tiến công một cách thần tốc trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng vào thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông đã giúp Bình Phước tạo nên dấu ấn nổi bật trong công tác an sinh xã hội trước thềm đại hội đảng bộ các cấp hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh
Về đích thần tốc
Thích ứng và linh động trong quá trình thực hiện, các huyện, thị xã đã có nhiều giải pháp, sáng kiến trong quá trình thực hiện với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Huyện Hớn Quản vận động người thân, bà con lối xóm ủng hộ đất lẫn kinh phí xây dựng. Bù Đốp kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ đất, chính quyền đầu tư điện, nước, hạ tầng giao thông để hỗ trợ 17 hộ không có đất ở được xây nhà mới. Bù Đăng vận động doanh nghiệp đóng góp cát, đá, tận dụng nguồn lao động tại chỗ để xây nhà với kinh phí thấp nhất, chất lượng cao nhất. Đặc biệt, với những trường hợp có đất nằm trong vùng quy hoạch bô xít, lâm phần thì làm nhà lắp ghép, tiền chế để hộ nghèo, cận nghèo có được nơi ở khang trang, an toàn, vươn lên trong cuộc sống. “Việc xây dựng nhà lắp ghép vừa giúp người dân sống trên đất lâm phần hay trong vùng quy hoạch bô xit có được nhà ở, vừa tiện lợi khi nhà nước cần thì tháo gỡ di chuyển nơi khác, tránh được sự lãng phí” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho hay.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn của những năm tháng đại dịch Covid-19, Bình Phước vẫn hoàn thành xuất sắc mục tiêu xóa 1.000 hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm. Năm 2024, Bình Phước đã nỗ lực xây dựng 516 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, cận nghèo. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Bình Phước hoàn thành 765/765 căn nhà xây mới và sửa chữa dành cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, 625 căn cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 45 tỷ 240 triệu đồng; 140 căn cho người có công với kinh phí 8 tỷ 550 triệu đồng. Đáng trân quý là có 1/3 tổng kinh phí từ đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, Bình Phước đã hoàn thành ngoạn mục việc xây mới và sửa chữa 765 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả này đã giúp Bình Phước trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch của tỉnh và 6 tháng so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Đó còn là kết quả từ tình đoàn kết, tinh thần “thương người như thể thương thân” của cộng đồng và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền trên mảnh đất Bình Phước giàu truyền thống cách mạng.
Đông Kiểm