Bài 6:
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Bình Phước hiện là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ. Đa dạng sinh học và các nguồn gen cần bảo tồn của tỉnh Bình Phước chủ yếu phân bố tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập và phần rừng đặc dụng Tây Cát Tiên. Những diện tích rừng có giá trị bảo tồn của tỉnh hiện đã được khoanh vùng bảo vệ. Điều này tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch xanh và bảo tồn thiên nhiên.
Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Về phân vùng môi trường:
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: Khu dân cư tập trung ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) của các đô thị loại II, loại III trên địa bàn tỉnh; nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; các khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, phần rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Rá; vùng đất ngập nước quan trọng hồ Thác Mơ và vùng đất ngập nước quan trọng hồ Phước Hòa; các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Vùng hạn chế phát thải, bao gồm: Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V; khu vực khác có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường cần được bảo vệ.
Vùng môi trường khác: các khu vực còn lại.
Về bảo tồn đa dạng sinh học: Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3 khu bảo tồn gồm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, phần rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và khu bảo vệ cảnh quan núi Bà Rá; 2 vùng ngập nước quan trọng thuộc hồ Thác Mơ và hồ Phước Hòa.
Núi Bà Rá nhìn từ hồ thủy điện Thác Mơ - Ảnh: Phú Quý
Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường:
Môi trường nước mặt: tổng số điểm quan trắc môi trường nước mặt gián đoạn là 81 điểm, quan trắc 18 thông số; duy trì hoạt động 5 trạm quan trắc tự động và bổ sung 1 vị trí quan trắc tự động mới tại hạ nguồn sông Bé.
Môi trường nước dưới đất: tổng số điểm quan trắc môi trường nước dưới đất là 106 điểm, quan trắc 14 thông số.
Môi trường không khí: tổng số điểm quan trắc môi trường không khí 73 điểm gián đoạn, quan trắc 8 thông số và 13 điểm quan trắc tự động.
Môi trường đất: tổng số điểm quan trắc môi trường đất là 88 điểm, quan trắc 8 thông số.
Hệ thực vật phong phú ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh: Kiều Đình Tháp
Phương án bảo vệ và phát triển rừng:
Tập trung quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có. Xây dựng hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh trồng rừng gỗ lớn năng suất cao phục vụ chế biến và xuất khẩu; thực hiện, khai thác quản lý rừng bền vững, hiệu quả các nguồn lợi rừng; hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ rừng hình thành các chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp lâm sinh để cải tạo phục hồi rừng.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập nhìn từ trên cao - Ảnh: Kiều Đình Tháp
Phương án quy hoạch nghĩa trang, cơ sở hỏa táng:
Đầu tư xây dựng mới 1 nghĩa trang tại khu vực phía Bắc huyện Hớn Quản giáp ranh thị xã Bình Long phục vụ thị xã Chơn Thành, thị xã Bình Long và các huyện: Hớn Quản, Lộc Ninh và 1 nghĩa trang tại phía Bắc huyện Phú Riềng phục vụ thị xã Phước Long và các huyện: Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng.
Đầu tư xây dựng 3 cơ sở hỏa táng, trong đó 2 cơ sở tại khu vực các nghĩa trang cấp tỉnh xây mới và 1 cơ sở hiện có tại Nghĩa trang hoa viên nhân dân huyện Đồng Phú.
Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên
Khoanh định 89 khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình phụ trợ mỏ, quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản bô-xít 4 khu vực mỏ với diện tích khoảng 76.000 ha và 4 khu vực dự trữ khoáng sản bô-xít với diện tích khoảng 14.000 ha theo quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản tại các khu vực 3 dự trữ khoáng sản quốc gia. Khi có nhu cầu thực tế, UBND tỉnh Bình Phước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
Phân bổ tài nguyên nước:
Nguồn nước được phân bổ theo thứ tự ưu tiên: nước cho sinh hoạt; nước cho sản xuất công nghiệp; nước cho hoạt động nông nghiệp; nước cho kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước trong mùa khô hạn, nguồn nước dự phòng cho nhu cầu sinh hoạt trong trường hợp nguồn nước mặt cạn kiệt được xác định là nguồn nước dưới đất trên địa bàn các khu vực này, nhưng đảm bảo không vượt quá lượng nước ngầm có thể khai thác.
Bảo vệ tài nguyên nước:
Tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc tài nguyên nước; triển khai lập danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước; xây dựng vận hành, tích hợp hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước của địa phương với trung ương, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; điều tra đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước quan trọng, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; tuyên truyền, phổ biến về quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch đã đưa ra thứ tự ưu tiên nguồn nước dùng cho 4 lĩnh vực: sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, hoạt động nông nghiệp và kinh doanh du lịch, dịch vụ - Ảnh: Tiến Dũng
Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra:
Đầu tư nâng cấp và sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hồ đập, bảo đảm chủ động phòng, chống lũ lụt theo mức thiết kế. Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, xả lũ từ các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Nâng cao năng lực cấp nước và tận dụng hết nguồn nước từ các hồ theo định mức lấy nước quy định, đặc biệt trong các giai đoạn mùa khô, cạn kiệt nguồn nước. Nâng cao năng lực quan trắc tài nguyên nước.
Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn:
Vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán: Thành phố Đồng Xoài (2 phường); thị xã Bình Long (2 xã); huyện Lộc Ninh (5 xã); huyện Đồng Phú (8 xã); thị xã Chơn Thành (6 xã); huyện Bù Đăng (5 xã); huyện Bù Đốp (4 xã); huyện Bù Gia Mập (8 xã); huyện Phú Riềng (1 xã).
Vùng thường xuyên bị sạt lở: xã Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà; xã Bù Gia Mập, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp.
Vùng thường xuyên bị ngập lụt: thành phố Đồng Xoài (3 phường); huyện Hớn Quản (1 xã); huyện Bù Đăng (1 xã); huyện Bù Đốp (1 xã); thị xã Phước Long (3 xã); thị xã Chơn Thành (1 phường); huyện Bù Gia Mập (3 xã).
Phương án quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu:
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cứu trợ cho các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, hạn hán trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa phòng, chống thiên tai, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro thiên tai; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; có cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho người làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai:
Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống hồ đập; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, hạn chế việc san lấp ao, hồ, hệ thống thoát nước nội bộ trong đô thị và khu vực nông thôn.
PV