Bình Phước đã phê duyệt và đang triển khai Đề án xây dựng địa phương thông minh trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Bình Phước tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Ảnh: PV
Theo đó, Bình Phước đã triển khai hệ thống dịch vụ công của tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đã tích hợp ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký số và mã số định danh VNeID vào cổng dịch vụ công của tỉnh. Triển khai giải pháp đăng nhập tập trung (SSO), đang hoàn thiện hệ thống Onegov.
Tỉnh cũng đã cung cấp 1065 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 328 dịch vụ công một phần, đạt tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến 76,85%. Tích hợp 1537 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, xếp thứ 6/63 cả nước.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến khi người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục trực tuyến đạt 68,14%, tăng 43,7% so với năm 2023, xếp thứ 14 cả nước.
Đáng chú ý, Bình Phước đảm bảo 122/122 đơn vị (đạt tỷ lệ 100%) đã tổ chức triển khai, đã cung cấp được 185.642 hồ sơ chứng thực điện tử. Tỷ lệ hồ sơ được đồng bộ đầy đủ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 100%, tăng 11,31% xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố.
Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt 97,86%, tăng 3,15% so với năm 2023.
Tỉnh cũng tập trung phát triển kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho chính quyền số. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định và kế hoạch về cơ sở dữ liệu, trong đó danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung gồm có 54 cơ sở dữ liệu và 122 dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước.
Tổ chức nâng cấp, bổ sung chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Dữ liệu cơ quan nhà nước kết nối vào kho dữ liệu đều được triển khai trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), đồng thời kết nối tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP), để khai thác 18 dịch vụ đã sẵn sàng cung cấp với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia...
Về quản lý văn bản và hồ sơ công việc điện tử, Bình Phước đã kết nối, liên thông ngang dọc 4 cấp cho 188 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, ngoài ra có 46 đơn vị đơn vị ngoài công lập đã kết nối vào trục LGSP.
Triển khai ký số điện tử trên hệ thống quản lý văn bản, với tỷ lệ khoảng 95% văn bản được thực hiện ký số hoàn toàn trên môi trường điện tử
Tỉnh cũng đã thực hiện cấp, phát mới và thu hồi hộp thư điện tử công vụ của các đơn vị, đến nay hiện có 8.113 hộp thư công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đang hoạt động. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt trên 75%.
Đến nay, Bình Phước đã triển khai thuê mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 145 cơ quan hành chính nhà nước, 149 cơ quan đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 310 cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn.
Ở lĩnh vực chữ ký số, tỉnh đã triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; đã cấp 4.476 chứng thư số tại tỉnh, trong đó 3.942 chứng thư cho cá nhân, 532 chứng thư cho tổ chức.
Ngoài ra, tỉnh đã cấp gần 300.000 chữ ký số công cộng cho người dân.
Lê Mỹ