Chào năm 2025!
Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ toàn cầu hóa với xung lực của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư với tốc độ mới đang làm đảo lộn trật tự phát triển và sắp xếp lại thế giới. Và, từ vị thế năm 2024, với thành tựu của gần 40 năm đổi mới, Việt Nam trở thành nước đang phát triển với vị thế mới.
Chúng ta không thể không chuẩn bị tầm nhìn và thực lực, tư tưởng và tâm lý, năm 2026 tiến vào kỷ nguyên mới, với tầm nhìn mục tiêu: Năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Lịch sử đang thách thức và hối thúc Việt Nam trỗi dậy!
Hoặc thúc thủ và tụt hậu hoặc hành động để tiến lên!
Thay mặt Trung ương Đảng và đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu: “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”(1).
Nói khái lược, đây là thời kỳ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ thách thức mọi giới hạn phát triển bằng tầm viễn kiến chiến lược mới, với nghệ thuật xử lý thời cơ; cải cách hệ thống bộ máy và vận hành bằng cơ chế phù hợp, trung tâm là kiểm soát và cân bằng quyền lực thông qua hệ thể chế đồng bộ và hiệu lực ở tất cả phương diện (chính trị, kinh tế, xã hội), đối với mọi tổ chức của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể), ở mọi quy mô, cấp độ và mỗi con người; bằng phương thức mới tập hợp lực lượng đông đảo; bằng động lực phát triển mới với hệ chính sách thực thi tổng thể, phù hợp, thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh… nhằm tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc và toàn diện với quy mô và chất lượng mới, trong sự phát triển của thế giới, tầm nhìn năm 2045.
Không có lựa chọn nào khác!
Vì, đó là phương thức phát triển tất yếu Việt Nam phồn vinh trong tầm nhìn năm 2045.
***
Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, nếu so với năm 1986, năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần, trong top 5 nước có quy mô kinh tế tăng cao nhất thế giới(2). Và, năm 2024, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh dự báo, Việt Nam sẽ ở vị trí 33 trên bảng xếp hạng WELT, với quy mô GDP đạt 462 tỷ USD và có thể sẽ vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD.
Nhưng, như thế là chưa xứng đáng với vị thế, tiềm năng và sức mạnh của 100 triệu đồng bào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn đang hiện hữu trong khi kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên số, kỷ nguyên xanh toàn cầu là sức ép mới đang thách thức Việt Nam phát triển.
Và, dự báo, năm 2038, quy mô GDP đạt 1.559 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế trong khu vực ASEAN, lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng GDP hằng năm dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 27-9-2023, dự trữ ngoại hối năm 2024 đạt 110,50 tỷ USD. Với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua hầu hết các nước trong ASEAN về kinh tế và trở thành quốc gia có thu nhập cao năm 2045.
Dự báo giai đoạn 2026-2030, phải đạt mức bình quân GDP đầu người khoảng 7.500-8.000 USD vào năm 2030, với sự đóng góp tương xứng của kinh tế số, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), hệ số sử dụng vốn (ICOR), năng suất lao động, tỷ lệ đô thị hóa và phát triển môi trường… Và, giai đoạn 2030-2045, với mục tiêu bình quân 18.000 USD/người đòi hỏi rất quyết liệt về tốc độ tăng trưởng, chất lượng phát triển tăng và song hành với các chỉ tiêu khác (tuổi thọ trung bình, môi trường kinh tế, xã hội, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI), chỉ số phát triển môi trường sinh thái...) phải đạt bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng của sự phát triển trong 20 năm tới.
Thách thức bao trùm trước mắt tới năm 2030, phải giữ vững nhịp độ tăng trưởng bền vững từ 7-7,5%/năm. Đồng thời, hóa giải nguy cơ giữa tụt hậu, phát triển chậm, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với thể chế lạc hậu, kìm hãm năng lực và tiềm năng quốc gia; giữa yêu cầu trong sạch hóa bộ máy và cán bộ,…; giữa yêu cầu phát triển tốc độ cao với cạm bẫy thu nhập trung bình; giữa phát triển kinh tế, xã hội bền vững với vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề; giữa thách thức, đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền với khả năng giữ vững và phát triển các cục diện thế giới có lợi cho đất nước…
Trong bối cảnh mới của thời đại, trước sứ mệnh mới, càng đòi hỏi Đảng ta không ngừng mở tầm nhìn chiến lược mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược mới nhằm đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với gia tốc phát triển 20 năm, trong tầm nhìn năm 2045.
Trên nền tảng căn bản năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7%, năm Ất Tỵ 2025 - trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng - mức tăng trưởng GDP phải đạt 7-7,5%, bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Đây là năm của số thành - ngưỡng cửa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Hoặc bây giờ hoặc khó có thể bao giờ!
***
Sau gần 40 năm đổi mới, lúc này, nếu đất nước tụt hậu xa hơn và lẽo đẽo đi sau người khác là sự hổ thẹn!
Năm 2025, thời cơ chính là lực lượng. Và, thời gian phát triển rút ngắn là lực lượng.
Bình Phước cùng cả nước chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới!
Nhìn lại năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 9,32%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch từ 8-8,5%); tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 38.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,1% so với năm 2023. Hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao 14,41%, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 4 tỷ 600 triệu USD, tăng 10,05% so với năm 2023, đạt 100,88% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2 tỷ 900 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2023. Công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đạt kết quả khả quan.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường đạt kết quả tích cực; chuẩn bị thành lập phân hiệu Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số: Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố và giải thưởng ASOCIO 2024 dành cho hạng mục chính quyền số do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao thưởng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2024 ước đạt 10%.
Bình Phước đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, thị xã Chơn Thành - Ảnh: Tiến Dũng
Thế trận quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn giao thông tiến bộ trên cả 3 tiêu chí (số người chết, số vụ và số người bị thương). Công tác thông tin, truyền thông, đối ngoại được mở rộng; tăng cường kết nối, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác, địa phương tại Trung Quốc, Singapore.
Năm 2024, hơn bất cứ một năm nào, công tác xây dựng Đảng được thực hiện một cách quyết liệt, vừa góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật vừa kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trên con đường phát triển của tỉnh. Và, qua thực tiễn cho thấy, nhiệm kỳ thứ 11 có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định vị thế, đồng thời tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Bình Phước tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững, với khát vọng hùng cường, trong tầm nhìn tới năm 2030.
Đó là sự tiếp tục kiên định con đường xã hội chủ nghĩa và hiện thực hóa công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ tối ưu, phù hợp, hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân.
Đó là hiện thân triết lý phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam bằng sự trung thành và độc lập; đổi mới, sáng tạo và dân chủ, kỷ cương của Đảng bộ.
Đó là sự kết tinh đạo lý Việt Nam mềm mại và quyết liệt; đoàn kết rộng rãi và rất mực khoan dung nối dài từ mấy ngàn năm của 41 dân tộc anh em quần tụ trên quê hương Bình Phước.
Văn hóa Bình Phước đa sắc màu dân tộc là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần vững chắc cho kinh tế phát triển - Ảnh: Trương Hiện
Đó là biểu hiện lối sống Việt Nam bất khuất và kiên trung, tự tôn và trọng thị; phép hành xử Việt Nam đối đãi với bạn bè quốc tế rất mực thủy chung làm gốc, nhân ái và chan hòa làm đầu của đất nước ta, trong ngôi nhà chung Bình Phước.
Đó là kết quả của đổi mới tư duy, tầm nhìn, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thông các nguồn lực và hành động sáng tạo, cụ thể, tiếp tục đảm bảo nền móng căn bản bước vào kỷ nguyên mới thành công, trong tầm nhìn tới năm 2030 và 2045.
***
Cùng cả nước, bước vào năm 2025, một năm có ý nghĩa rất quan trọng chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công quyết sách của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quyết sách của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và tập trung tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, với mục tiêu bao trùm: Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 9-10%. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng số để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Triển khai thực hiện chương trình phát triển văn hóa - con người Bình Phước; thực hiện thực chất, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tăng cường công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng chính quyền kiến tạo, chính quyền số, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo quốc phòng - an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ động tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, chủ động hóa giải các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, vừa xử lý hiệu quả các công việc tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh phức tạp.
Một là: Không ngừng đổi mới tầm nhìn, xuất phát từ chính mình, tự tôn, tự trọng, tự cường, vì sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, bền vững và nhân văn.
Trên nền tảng tổng kết gần 40 năm đổi mới, trong đó 4 năm nhiệm kỳ XI, tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh và cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nỗ lực đạt tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9% so với năm 2024; cơ cấu kinh tế: nông - lâm - thủy sản chiếm 22,74%, công nghiệp - xây dựng 47,46%, dịch vụ chiếm 29,80%. GRDP bình quân đầu người đạt 123,18 triệu đồng, tăng 13,6% so với năm 2024. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024; kim ngạch xuất khẩu 5,1 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2024. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 13.538 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút đầu tư trong nước đạt 1.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 400 triệu USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.000 đơn vị. Phát huy sức mạnh của 12/13 khu công nghiệp gồm 399 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 18.100 tỷ đồng và 3.654 triệu USD; hoàn tất và sớm đưa 9 cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng số. Triển khai hiệu quả huy động và sử dụng tốt nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho phát triển hạ tầng trọng điểm; đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá của tỉnh trong năm 2025 như: Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.
Song hành với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội phải được phát triển đồng bộ và hiệu quả. Không yên dân không thể phát triển, không ổn định càng không thể bứt phá. Là một tỉnh chưa giàu, những việc đó càng quan trọng, càng có ý nghĩa căn bản và quyết định, để đi lên cùng cả nước. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 3%. Số hộ nghèo giảm trong năm là 621 hộ. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%; bảo đảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 95%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 45%...
Văn hóa - xã hội phải phục vụ phát triển kinh tế và ổn định xã hội; đến lượt mình, kinh tế phải trực tiếp bảo đảm giữ vững chính trị, quốc phòng, an ninh, bảo đảm xã hội ổn định một cách tổng thể và hài hòa, với tinh thần chủ đạo tự tôn, tự trọng, tự lực và tự cường. Không yên dân không thể phát triển kinh tế hay giữ vững chính trị, ổn định xã hội, theo đó, các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của nhân dân và tất cả cho nhân dân… Quốc phòng tiếp tục củng cố, tăng cường gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được phát triển.
Hai là: Phát triển mạnh mẽ, bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao, cầu hiền, hòa mục để tỏa rộng, đồng hành và vươn xa cùng cả nước.
Với lợi thế về vị trí chiến lược, với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt thông thương… Bình Phước xác định, muốn đi xa, muốn tỏa rộng nhất định phải chung tay cùng cả nước, cổ vũ và đồng hành cùng các doanh nghiệp dù trong nước hay quốc tế; phải xây dựng Bình Phước trở thành ngôi nhà chung của khát vọng phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng số.
Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển phong trào khởi nghiệp. Việc lớn trước mắt và lâu dài bảo đảm hơn 70% số lao động qua đào tạo; giải quyết việc làm cho 45.000 người. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70%. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Thu hút lao động ngoại tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vượt 10.000 lao động. Đổi mới thể chế, thu hút nhân tài một cách rộng rãi, cởi mở, minh bạch và hiệu quả.
Trong phát triển, Bình Phước không coi phát triển kinh tế chỉ vì kinh tế, mà trước hết và cao nhất vì sự phát triển xã hội và nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân làm mục tiêu và điểm tương đồng. Thu hút các dự án đầu tư, nhưng không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chỉ vì kinh tế có thể làm tổn hại môi trường sinh thái và xã hội, mà phải lấy bảo vệ môi trường làm căn cơ để phát triển nhanh và bền vững, giữ yên môi trường xã hội là quan điểm nhất quán, không thay đổi. Vươn tới 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (không bao gồm 2 xã nằm trong khu vực khoáng sản bô-xít); 3 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới trình Trung ương công nhận. Bảo đảm tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tăng 0,2 điểm % so với năm 2024; giữ và nâng tỷ lệ che phủ rừng chung vượt 71,7%.
Ba là: Tiếp tục đổi mới và phát huy vị thế, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đồng bộ và thống nhất trên cả 5 phương diện: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đây là nhân tố căn bản có ý nghĩa thành bại. Chủ động rà soát, đổi mới hệ thống thể chế; kiên quyết sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị các cấp; chuẩn bị tốt nhất đại hội Đảng bộ các cấp.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm 100% số thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu, với 75% số hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ. Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. UBMTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội luôn là ngôi nhà đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân.
Đảng bộ đoàn kết, sáng tạo và đổi mới là rường mối căn bản để nhân dân đồng thuận, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước, thắt chặt và phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết 41 dân tộc anh em.
***
Năm 2025, với khát vọng phồn vinh, Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn thể đồng bào Bình Phước tiếp tục tỏa sáng trên nền móng truyền thống dân tộc mấy ngàn năm, nhân lên sức mạnh vùng phên giậu, tỏa sáng danh dự quê hương, Bình Phước cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Đồng hành cùng đất nước đổi mới dưới ngọn cờ của Đảng, lúc này, hơn bao giờ hết, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Bình Phước chủ động hơn nữa nắm bắt thời cơ, vượt mọi thách thức; tiếp tục hòa mục và hợp tác; không ngừng tự tôn, tự cường, đoàn kết và thống nhất đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một Bình Phước phồn vinh và nhân văn, nhân dân thật sự ấm no, tự do và hạnh phúc trong kỷ nguyên mới.
(1) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Báo điện tử Chính phủ, số ra ngày 23-10-2024.
(2) Xem Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, số ra ngày 17-8-2023.
TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản