Ngày 19-4-2025, tỉnh Bình Thuận sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Đây là cột mốc tròn nửa thế kỷ đánh dấu hành trình không ngừng nghỉ vượt qua nghèo đói, vươn lên phát triển của tỉnh Bình Thuận, trước khi sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông theo chủ trương mới.
Tháp nước Phan Thiết bên sông Cà Ty, biểu tượng của tỉnh Bình Thuận.
Nửa thế kỷ ấy, tỉnh Bình Thuận dù trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách, dù tên gọi nhiều lúc khác nhau nhưng địa danh này vẫn mãi mãi lưu dấu trong lòng nhiều thế hệ hơn 300 năm từ thời mở đất.
Những năm tháng đầu tiên
Ngày 20-9-1975, năm tháng sau Ngày thống nhất đất nước, Bộ Chính trị ra Quyết định 245 hợp nhất các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Tuyên Đức thành tỉnh Thuận Lâm. Riêng Bình Tuy sáp nhập vào Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh.
Ngày 20-12-1975, từ tình hình thực tế, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 19, điều chỉnh nhập Lâm Đồng và Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng còn các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải.
Tháng 12-1975, sáp nhập các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Thời điểm ấy, Thuận Hải gặp vô vàn khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn, sản xuất trì trệ, thiên tai liên tiếp ập đến. Hạn hán năm 1977-1978, rồi lũ lụt năm 1979 khiến kinh tế kiệt quệ, an sinh xã hội chao đảo.
Năm 1990, đói kém bao trùm trên 84/161 xã phường, với hơn 117.000 người thiếu ăn, chiếm gần 10% dân số toàn tỉnh. Những xã như Phong Phú (Tuy Phong), Phan Sơn, Hồng Phong (Bắc Bình)… người dân phải chắt chiu từng nhúm gạo, từng ngụm nước sạch.
Đảng bộ Thuận Hải đã thẳng thắn thừa nhận: Bộ máy biên chế chính quyền tuy đã qua nhiều lần sắp xếp nhưng vẫn còn cồng kềnh; đội ngũ cán bộ và viên chức quản lý nhà nước còn yếu về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm nhất là từ khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế quản lý mới bộc lộ nhiều lúng túng trong điều hành.
Tái lập tỉnh, khởi điểm từ con số 0
Tháng 12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Còn nhớ, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Bình Thuận tâm sự, thời điểm tách tỉnh, ngân sách chỉ vỏn vẹn có 2 tỉ đồng; du lịch lúc đó là con số 0 trong điều kiện điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, kết cấu hạ tầng nghèo nàn; thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ Bình Thuận cũ kỹ và hoang vắng…
Ngành thủy sản dù là thế mạnh, nhưng lúc ấy chỉ đóng góp 8-10% ngân sách tỉnh. Năm 1994, toàn tỉnh còn tới 52.000 hộ nghèo, riêng vùng sâu vùng xa có hơn 25.500 hộ đói nghèo, chiếm hơn một nửa dân số các khu vực này.
Cán bộ tỉnh thời kỳ đầu không thể quên phong trào "Trồng 2 cây, nuôi 1 con" do Hội Phụ nữ phát động. Đu đủ, rau ngót và đàn gà đẻ trứng từng là những giải pháp đơn sơ nhưng thiết thực, nhằm cầm cự và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em sau ngày thống nhất.
Nhìn lại, đó là những bước đi nhỏ bé đến mức có thể bật cười, nhưng lại thể hiện một tinh thần kiên cường, không khuất phục trước đói nghèo trong thời kỳ gian khó.
Tỉnh Bình Thuận từng có phong trào "Trồng 2 cây, nuôi 1 con" như một cách cầm cự để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.
“Những năm tháng ấy, mỗi hạt gạo, mỗi giọt nước là cả một giấc mơ nhưng chính trong gian khó người dân Bình Thuận vẫn gieo mầm hy vọng” - một cán bộ đã nghỉ hưu ở xã Hồng Phong nhớ lại.
Từ vùng đất nghèo đến điểm sáng kinh tế
Ngày 24-10-1995, nhật thực toàn phần xuất hiện tại Phan Thiết. Đây là sự kiện thiên văn kỳ thú, được nhiều người xem như “điềm lành” đánh dấu khởi đầu mới cho vùng đất này. Tuy nhiên, đằng sau cú hích ấy là những nỗ lực bền bỉ từ trước đó.
Từ cuối thập niên 1980, ông Carhonlow, người Na Uy đã tìm đến Mũi Né nhưng phải rút lui vì không xoay đủ vốn.
Vùng biển tỉnh Bình Thuận hoang sơ và lãng mạn trước nhật thực toàn phần năm 1995 đã vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Đến năm 1992, tỷ phú Larry Hillblom - đồng sáng lập Tập đoàn Chuyển phát nhanh DHL của Mỹ nhìn thấy tiềm năng nơi đây và đặt nền móng đầu tiên cho du lịch Bình Thuận.
Tháng 7-1993, Công ty Liên doanh Du lịch Phan Thiết được thành lập giữa phía Việt Nam và đối tác nước ngoài là công ty của tỷ phú Larry Hillblom (đồng sáng lập DHL). Phía Việt Nam góp vốn bằng khách sạn Vĩnh Thủy, với định giá tương đương 1 triệu USD.
Từ tháng 4-1994, khách sạn được nâng cấp và khai thác dưới thương hiệu Novotel, đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đến tháng 9-1995, doanh nghiệp đã nộp ngân sách gần 820 triệu đồng, một con số đáng kể trong bối cảnh tỉ giá USD khi đó chỉ khoảng 11.000 đồng/USD.
Tỉnh Bình Thuận là vùng biển đẹp với nhiều thắng cảnh luôn là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Cũng trong năm 1993, làng du lịch nghỉ mát Hàm Tiến do cặp vợ chồng người Pháp-Đức Daniel Arnaud và Jutta khai trương, được xem là dự án du lịch đầu tiên ở Mũi Né, đánh dấu bước ngoặt cho vùng biển tuyệt đẹp này.
Từ sau nhật thực, nhà đầu tư ào ạt đổ về. Năm 2001, Bình Thuận có 146 dự án du lịch với tổng vốn hơn 1.100 tỉ đồng, đón 950.000 du khách.
“50 năm trước, khi chia nhau từng nắm cơm khoai, tôi không thể tưởng tượng rằng một ngày, vùng đất này lại đón hàng triệu du khách, đúng là kỳ diệu" - một cựu cán bộ ở Phan Thiết chia sẻ.
Tỉnh Bình Thuận nằm ở vị trí đắc địa, giáp Biển Đông và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Cùng lúc, kinh tế đối ngoại khởi sắc; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 22% mỗi năm từ 1993-1995. Thu nhập bình quân đầu người tăng 42% so với năm 1991. Hộ nghèo giảm từ 32,4% (1992) xuống 25,6% (1995), số hộ khá và giàu tăng mạnh.
Thanh long từ là cây "xóa đói, giảm nghèo" giờ là cây làm giàu của nông dân tỉnh Bình Thuận.
Công trình thủy lợi được đầu tư mạnh mẽ tại các vùng khô hạn, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Cây thanh long từ là loại cây “xóa đói, giảm nghèo” trở thành loại trái cây đặc sản làm nên thương hiệu Bình Thuận. Hàng ngàn hộ nông dân giàu có nhờ cây thanh long, nhiều làng tỉ phú ra đời…
“Từ vùng đất khô cằn, chúng tôi đã biến cát thành vàng, biến nắng thành cơ hội” - ông Hùng, nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam ví von.
Du lịch, thể thao biển là ngành kinh tế khởi sắc vượt bậc của tỉnh Bình Thuận.
Nếu như năm 2001, Bình Thuận chỉ đón chưa được 1 triệu lượt du khách thì từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 35 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch đạt trên 93.000 tỉ đồng. Bình quân những năm gần đây, doanh thu du lịch đạt khoảng 1 tỉ USD/năm. Đặc biệt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,16%.
Nhiều công trình giao thông kết nối với cao tốc, cảng biển liên tục được đầu tư.
Từ một vùng đất từng gắn với đói nghèo, nắng gió, thiếu nước, Bình Thuận đã vươn mình trở thành một điểm sáng của khu vực. Nhật thực năm 1995 là cột mốc “đánh thức” vùng đất này nhưng chính sự kiên trì, bản lĩnh của người dân cùng nỗ lực và bền bỉ của các thế hệ chính quyền mới là yếu tố quyết định.
Tháng 4-2025, Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2024, xếp Bình Thuận thứ 3/63 tỉnh, thành. Bộ Nội vụ đánh giá Bình Thuận có chỉ số cải cách hành chính tăng cao nhất (+6,39%). Những con số này là minh chứng cho sự quản trị bền bỉ và mong muốn thay đổi của chính quyền và người dân.
Ngoài du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của tỉnh Bình Thuận.
Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường đã qua, mà còn là bước đệm để Bình Thuận bước vào kỷ nguyên mới viết tiếp khát vọng phát triển.
Dù tương lai có thay đổi về tên gọi hay mô hình hành chính thì Bình Thuận - cái tên được chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào tháng 8 năm Đinh Sửu (1697), 328 năm về trước, vẫn mãi là biểu tượng của ý chí vượt khó, khát vọng vươn xa và vẫn mãi là niềm tự hào của bao thế hệ đã nỗ lực làm cho vùng đất, vùng biển này giàu có và thịnh vượng.
Ghi chép của PHƯƠNG NAM